Bởi lẽ, nguyên nhân gây ra chứng bệnh này đang là hiện tượng ngày càng phổ biến trong xã hội.
Máu thường có màu đỏ - đỏ tươi hay đỏ thẫm thì tùy vào nồng độ oxy trong máu. Trong một số trường hợp, máu nhiễm độc sẽ bị oxy hóa trở thành màu đen.
Nhưng đã bao giờ bạn nhìn thấy máu có màu trắng đục như sữa chưa? Vậy mà có đấy. Mới đây, có một trường hợp được ghi nhận trên tạp chí khoa học Annals of Internal Medicine, trong đó bệnh nhân 39 tuổi sở hữu một dòng máu chuyển thành màu trắng đục.
Và lý do là vì... mỡ trong máu quá nhiều, đến mức gây nghẽn cả máy lọc máu và buộc các bác sĩ phải thực hiện một phương pháp nguy hiểm hơn để cứu anh.
Cụ thể, đây là bệnh nhân của bệnh viện đại học Cologne (Đức), nhập viện trong tình trạng hết sức tồi tệ: nôn mửa, đau đầu, khó chịu, không tỉnh táo... Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ triglyceride - thành phần chủ yếu cấu tạo nên mỡ cơ thể - trong máu người này là cực kỳ cao.
Các bác sĩ cho biết, nồng độ triglyceride trong máu bệnh nhân là 18.000mg/dl - cao hơn mức của người khoẻ mạnh đến hơn... 100 lần.
Chứng bệnh này xuất hiện khi người bệnh ăn quá nhiều, dẫn đến béo phì. Ngoài ra, tiểu đường và các bệnh về thận cũng có thể khiến rủi ro mắc bệnh tăng lên. Trong trường hợp này, người bệnh có tiền sử mắc tiểu đường nặng trong quá khứ.
Ban đầu, các bác sĩ đã thử lọc máu cho bệnh nhân. Nhưng lượng mỡ quá dày khiến máy bị nghẽn, buộc họ phải chuyển sang phương pháp còn gây tranh cãi mang tên "bloodletting" (tạm dịch: rút máu). Phương pháp này vốn được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ 18, nhưng không còn được y học chính thống tin dùng vì rủi ro cao. Dù vậy trong tình huống này, đây là giải pháp cuối cùng để cứu lấy bệnh nhân.
Phương pháp này đòi hỏi phải rút bớt 2 lít máu và bơm thêm nguồn máu khác vào, và may mắn là nó đã có tác dụng. Sau 2 ngày, nồng độ mỡ đã đủ thấp để tiếp tục với phương pháp lọc máu thông thường.
"Đây là trường hợp đầu tiên trong sự nghiệp của chúng tôi phải thực hiện điều này." - trích trong báo cáo nghiên cứu.