Khi bạn bị đau đầu mà không mang theo thuốc, bạn có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt để giảm các triệu chứng đau đầu nhanh chóng.
Cách xoa bóp bấm huyệt
Đầu tiên, bạn cần thả lỏng cơ thể, chọn tư thế thoải mái. Việc xoa bóp không tốn nhiều thời gian, trung bình mỗi huyệt vị chỉ xoa bóp bấm huyệt khoảng 30 giây đến 1 phút.
Xoa bóp các huyệt vị bằng cách ấn nhẹ, di chuyển theo chuyển động tròn. Thông thường cơn đau đầu sẽ biến mất trong khi xoa bóp hoặc 5-10 phút sau đó.
Các huyệt vị chính để chữa đau đầu
1. Huyệt Ấn Đường
Huyệt Ấn Đường (Yintang) được gọi là con mắt thứ ba, là điểm nằm chính giữa hai đầu lông mày, nằm trên sống mũi. Trong Đông y thì ấn đường là huyệt vị chữa các chứng đau đầu, an định tâm thần, làm thông lợi mũi và mắt, có thể bấm ấn đường để chữa các triệu chứng của cảm cúm.
2. Huyệt Toàn Trúc
Huyệt Toàn Trúc (Zan Zhu) còn được gọi là dạ quang, minh quang, my đầu, viên trụ, là hai huyệt đối xứng nằm ở đầu của hai lông mày.
Theo y học cổ truyền, huyệt Toàn Trúc dùng để chữa các bệnh như đau mắt đỏ, hoa mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, giật mắt, đau đầu, liệt dây thần kinh mặt...
3. Huyệt Nghinh Hương
Huyệt Nghinh Hương (Yingxiang) nằm ở hai bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, các cánh mũi khoảng nửa khốn (khoảng 0,8 cm).
Huyệt này có tác dụng >giảm đau đầu, viêm xoang, đau răng, giảm căng thẳng.
4. Huyệt Thiên Trụ
Huyệt Thiên Trụ (Tian Zhu) nằm ở sau đầu, vị trí giữa chân tóc gáy đo lên 0,5 tấc (huyệt á môn) đo ngang 1,3 tấc. Huyệt Thiên Trụ có tác dụng trị đau sau đầu, đau nửa đầu, suy nhược thần kinh...
5. Huyệt Suất Cốc
Huyệt Suất Cốc (Shuai Gu) được xác định từ đỉnh tai đi theo đường thẳng lên chỗ lõm phía trong đường tóc. Bấm huyệt này giúp giảm đau đầu vùng thái dương và mệt mỏi mắt.
6. Huyệt Hợp Cốc
Huyệt Hợp Cốc (He Gu) là huyệt ở vùng hổ khẩu. Để xác định huyệt này bạn khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Bấm huyệt này giúp giảm đau đầu, ngoài ra còn giảm đau lưng, đau răng, căng cơ cổ.