Bệnh Whitmore có thể nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng khu trú. Ở thể diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.
Mới đây, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận một số trường hợp mắc >Whitmore. Đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong nhưng trên thực tế ở Việt Nam, người dân vẫn khá mơ hồ về căn bệnh này.
ThS.BSNT Nguyễn Quốc Thái, phòng Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau, nhưng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhất chính là thể nhiễm trùng máu, thậm chí, nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Có ý kiến cho rằng Whitmore là “căn bệnh gây chết người chỉ sau 48 giờ nhập viện”, khiến cộng đồng không khỏi hoang mang, lo lắng. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về căn bệnh này?
- Bệnh Whitmore có thể nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng khu trú, nhưng thường gặp nhất vẫn là nhiễm trùng máu do trực khuẩn Whitmore gây nên.
Bệnh này do nhà bệnh học có tên Whitmore tìm ra cách đây hơn 100 năm. Khi nói đến Whitmore, có nhiều thể bệnh khác nhau, mạn tính và cũng có thể diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong đúng như mọi người nói là sau 48 giờ.
Tuy nhiên, thể bệnh tối cấp chúng tôi gặp không nhiều, chủ yếu là thể trung bình, diễn biến cấp tính, bán cấp tính và một số trường hợp diễn biến mạn tính, thậm chí kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.
Căn cứ những dấu hiệu nào để phát hiện sớm >bệnh Whitmore, thưa bác sĩ?
- Để phát hiện người có nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore hay không, bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn. Tìm ra được vi khuẩn sẽ là bằng chứng chắc chắn nhất của nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore.
Thông thường, người ta sẽ nuôi cấy máu để xem vi khuẩn Whitmore có mọc lên trong mẫu máu đấy hay không. Người ta cũng có thể lấy các mẫu bệnh phẩm khác (ví dụ dịch áp xe ở phổi; dịch khớp) để nuôi cấy. Trường hợp trực khuẩn Whitmore mọc lên từ mẫu bệnh phẩm đấy, có thể chẩn đoán là bệnh Whitmore.
Nếu phát hiện trực khuẩn Whitmore trong máu, đó là nhiễm trùng máu; trong dịch khớp là viêm mủ khớp do vi khuẩn Whitmore; nếu phát hiện ổ áp xe ở cơ thì đó là thể bệnh áp xe cơ...
Nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân nhất bao giờ cũng là thể nhiễm trùng máu, thậm chí, nặng nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, tiên lượng xấu, bệnh nhân dễ tử vong.
Theo bác sĩ, việc điều trị bệnh Whitmore có gì khó khăn? Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về những ca bệnh Whitmore đã gặp trong quá trình điều trị?
- Về vấn đề điều trị vi khuẩn Whitmore hiện nay, theo tôi, phác đồ điều trị không phải quá khó khăn trong việc sử dụng kháng sinh nhưng lại khó khăn ở việc bác sĩ lâm sàng có nghĩ đến bệnh này hay không, từ đó cho cấy máu và các mẫu bệnh phẩm ở cơ thể.
Một vấn đề nữa là đã chỉ định cấy máu, mẫu bệnh phẩm rồi, khi đưa mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm làm thế nào để có thể phối hợp nhịp nhàng với cán bộ xét nghiệm để xác định chính xác vi khuẩn Whitmore. Đây cũng là một khó khăn.
Trên thực tế, nhiều khi cho cấy máu hoặc cấy các mẫu bệnh phẩm, kết quả trả về không thấy mọc lên vi khuẩn Whitmore. Vì thế, bác sĩ không nghĩ đến bệnh này để điều trị, dễ để lại hậu quả đáng tiếc.
Hiện nay, kháng sinh dùng để điều trị vi khuẩn Whitmore không nhiều, cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” với các loại kháng sinh như ceftazidime, meropenem, cotrimoxazol hoặc kháng sinh điều trị duy trì như doxycyclin, amoxicillin/acid clavulanic…
Trên lâm sàng, thầy thuốc nếu không nghĩ đến bệnh Whitmore và lại không sử dụng kháng sinh phù hợp, dễ bỏ sót, dẫn đến việc không điều trị được bệnh.
Trong quá trình điều trị, chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân Whitmore. Có những bệnh nhân thỉnh thoảng có một khối áp xe ở tay, chân, đã đến các bác sĩ ngoại khoa tháo mủ, về nhà đỡ, sau đó lại mọc một khối áp xe khác. Những trường hợp như thế gợi ý đến bệnh Whitmore.
Có những bệnh nhân đái tháo đường bị sốt dai dẳng, đi điều trị rất nhiều nơi, mỗi nơi cho một loại kháng sinh khác nhau. Có những loại kháng sinh rất tốt, có loại kháng sinh cao cấp nhưng chưa trúng, bệnh nhân vẫn sốt li bì, chỉ đến khi cấy máu mới phát hiện trực khuẩn Whitmore.
Thời gian cắt sốt, điều trị bệnh Whitmore cũng không giống các loại vi khuẩn thông thường, nên thầy thuốc nếu không kiên trì, dễ lạc hướng điều trị. Chẳng hạn, thời gian cắt sốt phải đến 7 ngày nhưng đến ngày điều trị thứ 5 vẫn không thấy hết sốt, bác sĩ dao động bèn chuyển kháng sinh thì khó trị được bệnh.
Chúng tôi thường nói với nhau: “Whitmore là bệnh mà khi không để ý đến nó thì lúc sau mới té ngửa ra là nó, còn cứ nghĩ đến nó ngay từ đầu thì nhiều khi làm các thao tác chẩn đoán lại ra vi khuẩn khác”.
Rõ ràng không phải trường hợp cấy máu nào cũng cho kết quả dương tính với trực khuẩn Whitmore, vậy dựa vào đâu để bác sĩ quyết định nên tiếp tục điều trị căn bệnh này hay dừng lại?
- Đúng là không phải trường hợp nào cấy máu thì vi khuẩn Whitmore cũng phát triển lên, dù trong máu chắc chắn có vi khuẩn. Đây chính là vấn đề khó khăn cho việc điều trị của bác sĩ, phải làm sao khi kết quả trả về âm tính?
Trong trường hợp này, nếu bác sĩ vẫn suy đoán đó chính là bệnh Whitmore thì lại tiếp tục lấy mẫu máu thứ hai, thậm chí mẫu máu thứ ba để kiên trì phát hiện vi khuẩn.
Không ít bác sĩ khi thấy mẫu máu trả về kết quả âm tính thì nghĩ bệnh nhân không phải nhiễm trùng do vi khuẩn Whitmore mà là bệnh khác. Đây cũng chính là sơ hở trong việc chẩn đoán bệnh và khó khăn cũng là ở chỗ đó.
Cho nên, nếu kết quả cấy máu âm tính thì lúc ấy cần dựa rất nhiều vào năng lực phán đoán của thầy thuốc cộng với cả kinh nghiệm thực tế. Năng lực phán đoán này dựa trên diễn biến của bệnh thế nào, tình trạng sốt ra sao, tình trạng nhiễm vi khuẩn làm bệnh nhân mệt mỏi như thế nào, cơn sốt có tình trạng rét run của vi khuẩn phóng liên tục vào máu ra sao…
Hoặc có thể có các ổ áp xe khu trú gợi ý cho đây là tình trạng nhiễm vi khuẩn như thế nào, rồi cả kết hợp các xét nghiệm như là xét nghiệm máu, bạch cầu máu tăng cao, các chỉ điểm viêm nhiễm vi khuẩn (ví dụ chỉ điểm procalcitonin).
Bên cạnh đó, còn có các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, phát hiện tổn thương đông đặc trong phổi, tổn thương áp xe trong cơ giúp bác sĩ định hướng trong chẩn đoán.
Tóm lại, thầy thuốc cần phải tập hợp đầy đủ thông tin và phân tích một cách logic mới điều trị đến đích được.
Hiện, Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, người dân cần làm gì để có thể tránh nhiễm bệnh thưa bác sĩ?
- Lĩnh vực y khoa có rất nhiều bệnh, do đó, cần có sự cân nhắc, ưu tiên tuyên truyền trước như bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván là những bệnh phải tuyên truyền cho người dân hiểu và đi tiêm phòng; hoặc có những bệnh tái nổi, mới nổi là những bệnh phải tuyên truyền để người dân có ý thức phòng tránh bệnh, bảo vệ cơ thể mình.
Hiện nay, khi các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh mới nổi đã tiếp cận được rồi, chúng ta bắt đầu làm các bệnh mà nếu như có thể phòng tránh trong cộng đồng thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho hệ thống y tế của chúng ta trong việc xử lý vấn đề này.
Quay lại với bệnh Whitmore, vi khuẩn Whitmore không phải tự nhiên từ "trên trời rơi xuống" mà nó có sẵn trong đất. Quá trình làm việc của người dân, nếu đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ, dễ bị vi khuẩn tấn công.
Do đó, cần tăng cường hơn nữa các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt sẽ tránh được nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương.
Rồi trong môi trường khói bụi, khi gió cuốn bụi lên, con người dễ hít phải vi khuẩn Whitmore, chúng nằm sẵn trong phổi chờ khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu sẽ phát triển lên. Đó là cách mà con vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể và nếu chúng ta có thể phòng tránh được thì giảm gánh nặng y tế đi rất nhiều.
Việc tuyên truyền về bệnh Whitmore ở thời điểm này, theo tôi, có lẽ là cần thiết vì chúng ta đã qua giai đoạn cần đối phó với những bệnh cơ bản và đến bây giờ là những bệnh trong đó có Whitmore gây ra thì sẽ mang lại nhiều ích lợi cho cộng đồng.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên, biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn.