"Mày đang mắc nợ tao, tao đến đến đòi nợ mày, mày lại chiến đấu với tao, tao cho mày biết tay" - là cách sư trụ trì chùa Ba Vàng giải thích về nguyên nhân di căn trong ung thư.

12:51 26/03/2019

Sư trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng cho người dân đã cắt nghĩa về căn bệnh ung thư. Trong đó, hòa thượng này khẳng định căn bệnh ung thư có nguồn cơn 100% liên quan tới yếu tố >tâm linh.

Ung thư là do oan hồn đột nhập vào cơ thể?

“Tế bào ung thư không có gì là lạ, cũng là tế bào của chúng ta, là thịt, là xương, là hồng cầu của chúng ta, chúng không cơ chúng hại mình. Nguyên nhân mà nhà Phật tìm ra là oan hồn tiền kiếp đột nhập vào cơ thể sẽ chiếm lấy một tế bào nào đó làm nhân, làm chỗ khu trú, gá linh hồn vào đó, biến tế bào đó thành của nó, khi đó không phải của mình nữa. Từ đó tạo nên ác báo. Sinh chết yếu, bệnh tật, ngu đần, nhà nghèo,… gọi à ác giả ác báo”, sư trụ trì chùa Ba Vàng cắt nghĩa.

Tiếp đó, đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích các oan hồn trong tiền kiếp bị chúng ta gây ác trong kiếp trước đã quay về đòi nợ, gây nên bệnh ung thư. Thậm chí, có thể có nhiều oan hồn đột nhập vào cơ thể cùng lúc, gây nên nhiều bệnh ung thư cùng lúc.

“Có thể khẳng định gần 100% bệnh ung thư là do nghiệp báo. Tại sao những người khác không bị”, ông nói.

Trong buổi thuyết giảng, hòa thượng này còn nhắc tới việc di căn ung thư. “Khi đã dùng dao, dùng kéo là di căn. Bởi oan hồn thấy mình dùng dao kéo để cắt nó đi. Mày đang mắc nợ tao, tao đến đến đòi nợ mày, mày lại chiến đấu với tao, tao cho mày biết tay. Thế nên mới di căn chứ làm gì biết di căn”, ông nói.

Chuyên gia ung thư sửng sốt!

Sau khi tiếp nhận thông tin này, GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), Phó chủ tịch hội ung thư Việt Nam, cho hay bản thân vô cùng sửng sốt bởi cách cắt nghĩa về ung thư của sư trụ trì chùa Ba Vàng.

Theo GS Đức, ung thư vốn dĩ là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả người già, lẫn người trẻ. Trong đó, một số mặt bệnh thường mắc ở đối tượng người già như dạ dày, gan, phổi, trực tràng; ngược lại một số bệnh khác được ghi nhận nhiều hơn ở người trẻ như ung thư máu, bạch cầu, hạch…

“Ung thư có nguyên nhân 80% xuất phát từ môi trường sống, trong đó có ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, chất phóng xạ,… Chúng gây nên sự đột biến tế bào, tạo nên tế bào ung thư. Ngoài ra, còn có một tỷ lệ nhỏ dưới 10% là sự đột biến tự thân trong cơ thể chúng ta liên quan tới yếu tố di truyền, tuổi tác”, GS Đức khẳng định.

Theo chuyên gia, ung thư ở người già vẫn được ghi nhận nhiều hơn do nằm trong quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Con người càng sống lâu, thời gian tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh ngày càng nhiều, bao gồm các chất ô nhiễm độc hại, càng lâu càng tích tụ nhiều.

Bên cạnh đó, cơ thể luôn diễn ra quá trình tự đào thải và tạo mới các tế bào. Những chu kỳ này càng diễn ra nhiều theo thời gian, sai sót đột biến tế bào càng nhiều - chính là yếu tố gây nên các bệnh lý về ung thư.

Chính vì vậy, GS Đức khẳng định việc cắt nghĩa ung thư do nghiệp báo gây nên hoàn toàn là phi khoa học, mê tín dị đoan. Căn bệnh này đang được y học thế giới quan tâm và tìm ra các phương pháp chữa trị mới.

“Ung thư có căn nguyên theo bằng chứng khoa học, chứng cớ khoa học chứ không thể cắt nghĩa là việc trả nợ cho kiếp trước. Kiếp nào thì mắc bệnh kiếp đó. Nếu đem nghiệp báo ra để hù dọa giúp con người sống tốt hơn thì không sao. Nhưng hù dọa rồi kêu gọi người ta bỏ tiền ra để giải oan hồn chữa bệnh là mê tín dị đoan, cướp mất quyền lợi chữa bệnh của người ta. Bệnh nhân phải trả giá cả tính mạng nếu không được chữa bệnh kịp thời”, GS Đức nói.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất hiện tại chính điện chùa Ba Vàng tối 21/3. Ảnh: Ngọc Tân.

Di căn do đụng dao kéo?

Về yếu tố di căn trong ung thư, TS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Hà Nội - phân tích các tế bào ung thư có liên kết lỏng lẻo, dễ dàng bứt ra khỏi khối u mẹ, theo mạch máu và mạch bạch huyết di cư đến các tổ chức và cơ quan mới, bám lại và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Quá trình này gọi là di căn. Khi các ung thư chèn ép hoặc di căn vào các cơ quan giữ chức năng sống của cơ thể như não, phổi, gan, thận… bệnh nhân sẽ tử vong.

Việc cắt nghĩa di căn là do “đụng dao kéo” của sư trụ trì chùa Ba Vàng, GS Đức cho rằng điều này đang gieo rắc sự sợ hãi cho người bệnh khiến họ hiểu sai, từ đó từ bỏ cơ hội điều trị của mình.

Theo chuyên gia này, việc phẫu thuật được chỉ định ở những giai đoạn sớm, thậm chí có thể giúp người bệnh khỏi bệnh. Ở những giai đoạn sau, họ được chỉ định hóa, xạ trị, dùng thuốc,… hoặc có thể phẫu thuật nếu thích hợp.

“Cũng có một số trường hợp việc phẫu thuật làm cho bệnh tiến triển nặng hơn, chẳng hạn như khi bệnh quá nặng, ở giai đoạn muộn thì không nên phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên ngành ung thư để được hiệu quả nhất”, GS Đức nói thêm.

Theo Minh Tuệ/Zing