Trà đào được xem là một thức uống hấp dẫn có tác dụng giải nhiệt trong mùa hè, lại dễ làm nên được lòng rất nhiều chị em nội trợ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng cần lưu ý trong việc chế biến và sử dụng thức uống này nếu không muốn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

05:57 25/07/2019

Đang công tác tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 8, TP.HCM nên nghỉ hè, chị Phạm Thị Uyên Phương (36 tuổi) lại có nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc gia đình. “Tôi có 2 con nhỏ, bé 10 tuổi và bé 8 tuổi đều rất thích uống >trà đào. Mỗi khi đi chơi cùng mẹ, các bé đều đòi uống trà đào. Sẵn thời gian nghỉ hè rãnh rỗi, đào lại vào mùa bày bán ở chợ rất nhiều, tôi mua tận 6kg đào về ngâm và chế biến trà đào cho các bé”, chị Phương nói.

Nhận xét về thói quen này, bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thị Kim Loan, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết trà đào là một thức uống được nhiều người yêu thích, nhất là trong thời tiết nóng bức như hiện nay. 

Trà đào được chế biến bởi 2 nguyên liệu chính là nước trà và quả đào, tùy sở thích mà người dùng có thể thêm những nguyên liệu khác. “Xét về góc độ >dinh dưỡng, nước trà có nhiều lợi ích đối với >sức khỏe. Ngoài chứa nhiều chất chống oxy hóa, chống ung thư, nước trà còn có tác dụng đối với việc bảo vệ tim mạch và phòng ngừa loãng xương. Tuy nhiên khi kết hợp với đào là một loại trái cây có chứa nhiều chất xơ, chất sắt nên sẽ có nguy cơ gây hạn chế hấp thu nếu dùng quá nhiều”, Bác sĩ Loan phân tích.

Đào chứa nhiều chất sắt, chất xơ nên nếu dùng quá nhiều sẽ gây táo bón. Ảnh: LP

Theo bác sĩ Kim Loan, khi 2 loại thực phẩm này kết hợp sẽ tạo ra một loại thức uống nhiều canxi, nhiều chất sắt, chất xơ… do đó nếu uống nhiều quá sẽ gây táo bón, không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, khi trẻ em uống trà đào cần phải lưu ý về hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, do đó chỉ uống một lượng ít. Khi cha mẹ pha chế cần lưu ý pha với nồng độ vừa phải, cân bằng giữa trà và đào, không nên quá đậm đặc trà hay quá nhiều đào.

Bác sĩ lưu ý không nên uống quá nhiều trà đào, đặc biệt không được dùng thay nước lọc.

Ngoài ra bác sĩ Loan cho rằng khi chế biến một loại thức uống, nhiều người vẫn thích uống với một khẩu vị ngọt hơn, trà đào cũng không ngoại lệ. Khi sơ chế đào xong, người ta sẽ thường nấu và ngâm đào với nước đường, do đó loại thức uống này sẽ chứa nhiều năng lượng, không phù hợp với những người đang có ý định giảm cân. “Chúng ta rất khó để canh chỉnh năng lượng có trong loại thức uống này, do đó những người muốn cảm cân thì cần lưu ý gia giảm lượng đường hoặc lưu ý sử dụng đường ăn kiêng để chế biến”, Bác sĩ Loan đề xuất.

Các bác sĩ lưu ý cần gọt vỏ đào kỹ càng vì phần vỏ chứa nhiều chất gây cản trở tiêu hóa.

Đối với việc lựa chọn nguyên liệu để chế biến, bác sĩ Loan lưu ý các bà nội trợ nên chọn mua những quả đào sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không nên vì tham rẻ mà  mua những loại đào trôi nổi. Bên cạnh đó khi lựa chọn trà để nấu cần chọn những loại trà có uy tín, chất lượng.

“Những loại trà kém chất lượng có nguy cơ tồn đọng dư lượng thuốc, chất chống mốc trong quá trình bảo quản. Bên cạnh đó đào trôi nổi thường ẩn chứa dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật cao. Khi sơ chế đào, cần lưu ý gọt sạch vỏ vì vỏ chính là bộ phận chứa nhiều chất gây cản trở quá trình tiêu hóa. Đặc biệt lưu ý chỉ uống một lượng vừa đủ để thưởng thức, không nên dùng trà đào thay nước lọc hoàn toàn”, chuyên gia này đề xuất.  

Theo Huy Vân/Khám Phá
Tags