Formaldehyde đã được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm khi tiếp xúc qua đường hô hấp. Chất độc hại này có thể "lẩn trốn" trong rất nhiều vật dụng gia đình.

Thúy Ngọc 11:51 22/11/2024

Formaldehyde là một loại hợp chất hữu cơ không màu, có đặc trưng là mùi hăng khó chịu và rất dễ bay hơi trong không khí.

Tiếp xúc lâu dài với formaldehyde có thể dẫn tới kích ứng niêm mạc đường hô hấp trên gây hắt hơi, đau rát cổ họng, đỏ mắt, bỏng mũi, kích thích cơn hen phế quản, thậm chí là viêm phổi hay nguy hiểm hơn là tăng nguy cơ bị ung thư máu, bệnh bạch cầu hay ung thư tại đường hô hấp như mũi, họng, phổi,...

Formaldehyde được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp, điển hình là các loại đồ gỗ, nhựa và vật liệu tổng hợp. Đáng nói, hiện nay, rất nhiều vật dụng trong nhà không được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất dễ dẫn tới tồn dư formaldehyde khiến người dùng có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài.

Bọc đầu giường

Khi mua giường ngủ, nhiều gia đình thích sử dụng thêm thiết kế bọc đầu giường. Món đồ nội thất này giúp tăng tính thẩm mỹ cho phòng ngủ, đồng thời tạo sự êm ái cho giường ngủ.


Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Tuy nhiên, người dùng thường khó nhận biết chất liệu bên trong sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm sử dụng bông lõi kém chất lượng được làm từ các sợi nhân tạo hoặc vật liệu tổng hợp. Những chất này chứa cực nhiều formaldehyde, lại được đặt ở trong phòng ngủ nên sẽ tiếp xúc với cơ thể hàng ngày, dùng càng lâu càng có hại cho sức khoẻ.

Một số món nội thất

Nhiều người chỉ chú trọng vào kiểu dáng và kích cỡ khi mua đồ nội thất, trong khi chất liệu mới là thứ quan trọng hơn cả. Một số món như tủ, kệ đựng, bàn ghế được làm từ gỗ ván ép có thể là "vua của formaldehyde".

Ưu điểm lớn nhất của gỗ ván ép là dễ gia công và có giá thành rẻ. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế đồ nội thất, gỗ ván ép nếu chứa nhiều keo thì hàm lượng formaldehyde cũng theo đó mà tăng cao. Gỗ có nhiều mùi hăng chứng tỏ chứa nhiều formaldehyde, người tiêu dùng có thể coi đây là một trong những cách nhận biết dễ nhất để tránh mua nhầm những sản phẩm kém chất lượng, kém an toàn.

Giấy dán tường

Giấy dán tường được xem là giải pháp hoàn hảo để tạo điểm nhấn cho căn phòng cũng như giúp che những mảng tường bị bong tróc mà không muốn sơn sửa. Giấy dán tường có thể chứa formaldehyde nhằm mục đích nâng cao độ bền, chống ẩm mốc và tăng khả năng bám dính lên bề mặt tường. Tuy nhiên, trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại giấy dán tường giá rẻ có mùi cao su, mùi hắc khó chịu là do lượng chất formaldehyde vượt quá tiêu chuẩn gây ra.


Ảnh minh họa (Nguồn: Africa Images)

Ngoài ra, chất làm dẻo phthalate có thể được thêm vào khi sản xuất giấy dán tường. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phthalate có tác dụng gây dị tật thai nhi và gây đột biến nhất định đối với động vật. Ảnh hưởng của phthalates đối với con người chưa được nghiên cứu rộng rãi, nhưng chúng được cho là một hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) có thể thay đổi sự cân bằng nội tiết tố và có khả năng gây ra các vấn đề >sức khỏe sinh sản, phát triển và các vấn đề khác.

Vải

Một số loại vải sử dụng trong rèm cửa, chăn, ga giường... có thể chứa hàm lượng formaldehyde vượt tiêu chuẩn. Bởi vì formaldehyde thường xuất hiện trong những chất phụ gia như chất làm mềm, chất chống nhăn... hay giúp cản sáng và cách nhiệt tốt hơn.

Các sản phẩm này về dùng ngay mà không giặt dễ khiến formaldehyde bay hơi trong không khí và vô tình hít vào đường hô hấp gây ra bệnh tật. Ngoài ra, rèm vải trong nhà cũng có nguy cơ tích tụ các "khói thải sinh hoạt" như khói thuốc, khói dầu ăn khi đun nấu,... làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi, kích hoạt cơn hen suyễn thậm chí là ung thư.

Cần lưu ý rằng, không thể tránh khỏi formaldehyde trong các sản phẩm làm từ vải, nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát được hàm lượng của chúng. Vậy nên khi chọn mua rèm cửa hoặc chăn ga gối đệm, các gia đình không nên chọn những món giá rẻ, và cần kiểm tra kỹ thành phần sản phẩm.


Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Thảm

Nhiều người thích trải thảm trong phòng khách hoặc phòng ngủ để khiến không khí ngôi nhà thêm đẹp và dịu mắt. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận rất có thể sẽ mua nhầm "tấm thảm độc hại". Chẳng hạn như thảm giả salu rẻ tiền với thiết kế mặt cao su được làm từ chất liệu TPR.

Vốn dĩ TPR không phải chất độc hại nhưng trong quá trình sản xuất loại thảm này, các chất hóa học như keo dính, chất phụ gia hoặc nhựa tổng hợp có thể chứa hàm lượng formaldehyde đáng báo động. Vậy nên, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo khi chọn mua thảm cho gia đình.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam