Cứ ăn uống "vô tổ chức" hàng ngày chính là nguyên nhân khiến hàm răng của bạn ngày càng ố vàng, hư tổn, nhưng nếu biết tới các nguyên tắc sau thì chẳng lo răng bị hỏng sớm nữa.
Giới trẻ thời nay thường thích các món như gà rán, trà sữa, khoai tây chiên... nhưng đây lại là những loại thực phẩm gián tiếp gây ra các bệnh về răng miệng, trong đó có cả nguy cơ sâu răng. Một vài biểu hiện giúp bạn nhận biết nguy cơ sâu răng từ sớm là:
- Đột nhiên bị đau răng.
- Răng trở nên nhạy cảm, ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh.
- Xuất hiện lỗ hổng trên răng.
- Răng xuất hiện các mảng bám màu đen hoặc nâu trên bề mặt.
- Có cảm giác đau nhức răng khi nhai, cắn.
Chính vì vậy, bạn cần chủ động phòng tránh bệnh sâu răng từ sớm bằng cách thực hiện một vài nguyên tắc sau đây:
Thay đổi thói quen ăn uống
Việc thay đổi chế độ ăn hàng ngày có thể giúp bạn đảo ngược nguy cơ sâu răng hiệu quả. Trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày, có một thói quen mà rất nhiều người hay mắc phải, đó chính là tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường. Chính điều này là nguyên nhân gây sâu răng và làm ngăn chặn sự hấp thu của canxi. Để khắc phục thói quen này, bạn hãy tuân theo một số nguyên tắc sau trong chuyện ăn uống:
- Tiêu thụ các sản phẩm làm từ sữa (chọn loại không đường) để bổ sung thêm canxi giúp xương và răng chắc khỏe.
- Nói không với đồ uống có ga, nước trái cây đóng hộp, nước soda...
- Tránh tiêu thụ quá nhiều loại thực phẩm chứa đường trong ngày.
Làm sạch và thay mới bàn chải đánh răng định kỳ
Hãy chọn một chiếc bàn chải vừa đúng với khuôn miệng của bạn để đảm bảo phần lông bàn chải có thể đi tới các khe hở của răng hàm. Đặc biệt, sau khi đánh răng, bạn cũng nên vệ sinh bàn chải sạch sẽ và để ở nơi khô thoáng.
Một lưu ý nữa mà bạn cũng nên ghi nhớ là hay thay bàn chải đánh răng định kỳ khoảng 2 tháng/lần để ngăn ngừa vi khuẩn tồn đọng và gây hại trong những lần vệ sinh răng miệng tiếp theo.
Đi theo một chu trình chăm sóc răng miệng nhất định
Chỉ chải răng 2 lần/ngày thôi vẫn là chưa đủ, bởi trên thực tế, bạn cũng cần vệ sinh răng miệng cả sau khi ăn. Mỗi khi đánh răng, hãy cố gắng thực hiện trong vòng 2 phút và chải tất cả các bề mặt của răng.
Sau khi ăn, bạn nên dùng chỉ nha khoa để lấy phần thức ăn thừa bám lại trên răng và sử dụng nước súc miệng để làm sạch khoang miệng. Nước súc miệng có tác dụng kháng khuẩn nên giúp chúng ta loại bỏ vi khuẩn ra ngoài.
Không đánh răng quá nhiều
Nếu bạn đánh răng nhiều hơn 2 lần/ngày thì men răng sẽ dần bị mài mòn. Thậm chí, nếu bạn đánh răng quá mạnh tay thì nó cũng có thể là nguyên nhân gây hư hỏng men răng, từ đó dẫn đến tình trạng sâu răng theo thời gian.
Đi khám răng định kỳ
Để ngăn ngừa nguy cơ sâu răng từ sớm thì không gì tốt hơn bằng việc chủ động đi khám răng định kỳ. Khi tới phòng khám nha khoa, các nha sĩ cũng sẽ làm sạch đường nướu ở phía trước và phía sau răng, từ đó loại bỏ dần các mảng bám và cao răng. Do vậy, hãy dành thời gian đi khám răng định kỳ ít nhất từ 1 - 2 lần/năm bạn nhé!