Cùng xem ba thói quen xấu với thực phẩm mà người Việt thường mắc phải dịp Tết để sửa đổi cho một năm mới khỏe mạnh bạn nhé.
Tết là dịp cả năm mới có một lần, ai ai cũng muốn có một cái Tết đủ đầy, hoàn hảo và trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, tâm lý ấy của người Việt lại dẫn tới những thói quen sai lầm gây ảnh hưởng đến >sức khỏe.
Tích trữ quá nhiều thực phẩm
Từ xưa đến nay, người Việt thường có thói quen tích trữ quá nhiều thực phẩm trong vài ngày Tết mà không lường trước được nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tâm lý của nhiều người Việt là cả năm mới có cái Tết nên nhà nhà, người người tích trữ thực phẩm. Thực phẩm càng nhiều, ăn Tết càng to thì càng thể hiện sự sung túc. Điều này còn do trước đây các chợ, siêu thị không mở sớm như hiện nay nên người dân nhiều khi phải cố mua cho đủ đồ ăn tích trữ nửa tháng Tết. Từ thịt đến giò chả, bánh trái… không thiếu bất cứ thứ gì.
Thói quen tích trữ đồ ăn ngày Tết của người Việt khó có thể bỏ đi bởi đã đi sâu vào tiềm thức, tâm lý. Người dân lo ngại thiếu đồ ăn thì sẽ "giông" cả năm, thế nên "thừa còn hơn thiếu", nhiều gia đình chất đầy ứ thức ăn trong tủ lạnh, khiến tủ "thở" cũng không nổi và là căn nguyên khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, thậm chí hỏng nên khi ăn vào bị đau bụng.
Trong khi đó, ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán thường hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Vì thế, thực phẩm bảo quản không tốt rất dễ bị nấm mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng.
Bánh chưng, các loại hạt đều có thể bị mốc và khi mốc có độc tố aflatoxin rất nguy hiểm. Trong khi đó ở miền Nam, thời tiết nóng, các loại thực phẩm có nhiều đạm như thịt, cá dễ bị ôi thiu.
Hiện nay, ngày mùng 1, mùng 2 Tết, các siêu thị, các chợ đã bán hàng, sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… đều luôn có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Vì thế, việc tích trữ thực phẩm trở nên không còn cần thiết và thói quen này cũng cần phải được sửa đổi dần.
Thói quen hâm đi hâm lại đồ ăn nhiều lần
Ngày Tết là một chuỗi những bữa ăn kéo dài vô tận. Vì vậy, để tiết kiệm công sức chuẩn bị hoặc đồ ăn thừa còn quá nhiều, nhiều gia đình thường làm nóng lại các món ăn cũ cho bữa kế tiếp. Nhưng hành động đó không giúp món ăn trở nên an toàn hơn mà thậm chí còn biến thực phẩm thành chất độc vô cùng nguy hại cho cơ thể. Vì thực phẩm khi nấu lên vốn đã bị biến đổi thành phần hóa học, khi hâm đi hâm lại nhiều lần chúng lại tiếp tục biến đổi và phát sinh ra thêm các chất cực kì độc hại khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Những món quen thuộc thường được hâm lại cho nhiều bữa sau của ngày Tết như cơm, thịt gà, trứng, canh măng, các đồ chiên rán… lại là những món ăn trở nên có hại khi hâm đi hâm lại nhiều lần. Việc bảo quản cơm trong tủ lạnh rồi làm nóng lại sẽ biến các bào tử cơm thành các chất gây hại cho dạ dày, gây buồn nôn khi ăn. Thịt gà chứa một lượng lớn protein nên khi hâm nóng lại, protein bị biến đổi tạo thành các chất gây ảnh hưởng cho tiêu hóa. Tương tự với các món ăn khác, việc sử dụng lại quá nhiều lần sẽ làm biến mất các chất >dinh dưỡng vốn có làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tết này, hãy từ bỏ thói quen hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần bằng cách chuẩn bị vừa đủ đồ ăn cho mỗi bữa. Việc ăn đồ ăn tươi mới, nóng sốt vừa tạo cảm giác ngon miệng hơn, vừa là thói quen vô cùng tốt cho sức khỏe của bạn.
Dùng quá nhiều đồ uống có cồn và ga
Tết là dịp gặp mặt đầu năm, đoàn tụ gia đình, bạn bè nên việc nâng cốc chúc mừng năm mới đã trở thành truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều người uống quá chén, không lường được những tác hại của của cồn đến sức khỏe. Cồn là chất độc hại đối với cơ thể con người, khi đi vào cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh lý như rối loạn tâm lý – hành vi, gây nhiễm độc, bệnh dạ dày, đặc biệt là hủy hoại gan.
Tương tự, đa phần đồ uống có ga còn chứa nhiều đường gây thừa cân, béo phì. Uống nhiều đồ uống có ga còn khiến bạn đầy bụng, từ đó ăn ít hơn, thậm chí đồ uống có ga còn gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và tăng tốc độ lão hóa.
Để đón Tết vui vẻ, mỗi người cần lựa chọn những thực phẩm an toàn, hiệu quả, kiểm soát được bản thân với các loại đồ uống trên. Đồng thời có cách uống khoa học, không uống đồ uống có cồn và đồ uống có ga khi đang đói, ăn đồ lót dạ trước khi vào mâm để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như gia đình.