Mẹ tôi nói, cái tôi của mỗi người rất lớn. Khi vợ chồng cãi nhau, khi lớn tiếng chính là lúc trái tim cũng sẽ dần xa nhau. Nhưng chỉ cần một câu đơn giản này cũng có thể cứu vãn mọi thứ.
Ngày trước, chị tôi nói với mẹ chuyện lấy chồng. Mẹ tôi đã hỏi: “Thường thì hai đứa cãi nhau, con có nhận sai được không?”. Chị tôi vốn là người háo thắng, lại có phần cố chấp, bởi thế đã trả lời: “Đương nhiên là không, sao con phải nhận sai, con chẳng bao giờ làm sai gì với anh ấy”. Mẹ tôi khi ấy lắc đầu nói: “Vậy thì con chưa lấy chồng được đâu”.
Chị tôi sau này đến tuổi cũng đã lấy chồng. Những lần >vợ chồng cãi nhau, chị hay bỏ về nhà mẹ đẻ, kệ chồng chạy đi tìm. Chị cũng không bao giờ chịu nhận sai. Mẹ tôi cứ hay lắc đầu bảo, sinh con chứ chẳng sinh tính được, tính chị tôi mẹ tôi không dạy được. Đến một lần, chị tôi vẫn một mực về nhà mẹ đẻ, như đinh ninh rằng lần này chồng vẫn “xuống nước” sang rước chị về.
Nhưng suốt cả tháng trời, anh mất hút. Đến khi nghe hàng xóm kể lại anh định bán nhà của hai vợ chồng, chị mới hoảng hốt hỏi mẹ tôi phải làm sao. Mẹ tôi trách có một câu đơn giản mà sao từ nhỏ tới lớn chị tôi cũng không thể nói. Vợ chồng cãi nhau bao lần vẫn thế, nếu giờ chị không nói thì chị cứ ngồi đó mà đợi chồng đem đơn tới ký. Chị tôi tối sầm mặt mày, vội vàng về nhà.
Mẹ với ba tôi cũng rất hay cãi nhau. Thường thì ông bà chỉ toàn cãi những chuyện rất nhỏ nhặt. Như ba tôi hay cằn nhằn mẹ mỗi khi bà ra ngoài với ông mà quên đồ. Hay mẹ tôi sẽ cau có khi ba tôi không tắt đèn trong nhà trước khi đi ngủ. Thật ra thì những cuộc cãi vã lớn đều bắt đầu từ những thói quen hay quên, hay lỗi sai chẳng to tát gì như thế của hai người. Sau đó một người sẽ bực bội, lớn tiếng, nói lời tổn thương, hay làm điều gì đó mà đối phương không thể chấp nhận.
Nhưng ba mẹ tôi không bao giờ cãi nhau lâu. Nếu buổi sáng tôi thấy ba tôi lớn tiếng với mẹ, mẹ giận bỏ đi thì chiều về lại thấy mẹ ngồi nhổ tóc sâu cho ba. Nếu hôm trước thấy mẹ tôi nói lời khiến ba tôi buồn thì hôm sau đã thấy ba mua cho mẹ cái chảo mới trong bếp. Cứ vậy mà lớn lên tôi vẫn không hiểu, sao hai người có thể bỏ qua cho nhau dễ dàng như vậy. Vì rõ ràng lúc cãi nhau, cả hai đã giận nhau tới mức như chẳng muốn nhìn mặt nhau.
Sau này rồi khi lấy chồng tôi mới nghe mẹ kể. Ba và mẹ tôi có một quy tắc là nếu cãi nhau thì phải có một người nói xin lỗi. Không cần biết là cãi lớn thế nào, phải có người nói lời xin lỗi trước. Người còn lại sau đó cũng nhận mình sai ở đâu. Người nhận sai đôi khi không phải là người làm sai. Nhưng một lời xin lỗi cũng có thể khiến đối phương thấy mình sai. Đằng sau một lời xin lỗi không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa hối lỗi, mà có khi còn là bao dung và rộng lượng.
Mẹ tôi nói, cái tôi của mỗi người rất lớn. Khi vợ chồng cãi nhau, khi lớn tiếng chính là lúc trái tim cũng sẽ dần xa nhau. Nhưng một lời xin lỗi có thể cứu vãn mọi thứ, chỉ cần thật lòng, chỉ cần kịp lúc. Xin lỗi để đợi đối phương biết mình sai. Xin lỗi để kéo nhau lại gần hơn. Xin lỗi để biết mình đã tổn thương đối phương thế nào. Và xin lỗi để cùng trưởng thành bên nhau.
Bởi thế, sau mỗi lần cãi nhau ba mẹ tôi lại càng thương nhau hơn. Vì biết sai, vì biết đối phương tôn trọng hay nhường nhịn mình nên sẽ càng biết trân quý mối quan hệ vợ chồng.
Vợ chồng ở với nhau cả đời, không thể tránh lúc thấy nhau xấu tính nhất, khó ưa nhất, thậm chí là đáng ghét nhất. Nhưng bởi vì ta không hoàn hảo nên ta mới cần một người còn lại giúp ta trở nên hoàn hảo. Bởi thế, nhân sinh mới có vợ chồng - bạn đời - người đồng hành. Để cãi nhau cũng không rời bỏ, giận hờn cũng không từ bỏ. Vì hiểu rằng đã bên nhau thì phải cùng nhau trưởng thành, cùng nhau tốt hơn.
Cãi vã cũng chỉ là cãi vã, nhưng vợ chồng thì vẫn là vợ chồng. Chỉ cần một câu nói xin lỗi, nhịn vì nhau, nhường vì nhau, gạt bớt cái tôi vì nhau, có phải sẽ nhẹ nhàng hơn biết mấy?