Hạnh phúc gia đình luôn là điều đáng trân trọng, mọi sai lầm có thể tha thứ, thế nhưng không phải ai cũng biết cách tha thứ. Bởi trước khi nói lời tha thứ, người ta đã cố tình làm tổn thương nhau. Và rồi sự tha thứ sau những tổn thương cuối cùng chỉ là sự “ban phát”.
Người đàn ông ngoại tình vì cảm thấy thiếu thốn, hoặc thừa thãi trong gia đình, thấy mình bị vợ bỏ rơi, coi thường, và xa cách. Một khi chồng dính líu đến “bệnh” ngoại tình thì tha thứ luôn là một việc làm khó nhưng rất cần thiết để cứu vãn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, tha thứ như thế nào để giữ được hạnh phúc mới là điều quan trọng.
Có một anh chồng kể rằng, vợ anh đòi li dị vì biết chuyện anh từng phản bội vợ, anh xin vợ tha thứ và được vợ anh chấp nhận. Thế nhưng ngày nào vợ anh cũng đay nghiến lại chuyện anh ngoại tình và trong bất kể vấn đề gì không hài lòng với nhau, vợ anh cũng cho rằng, anh được ở lại trong căn nhà này, cùng vợ cùng con là may mắn lắm rồi. “Hạnh phúc” mà anh có hiện tại là do vợ anh “cho”. Nhưng bản thân anh lại không thấy như vậy, anh luôn cảm thấy như mình đang nhận sự “bố thí” lòng vị tha của vợ.
Ảnh minh họa
Cuối cùng, mặc dù rất thương con nhưng anh quyết định chia tay với vợ. Anh lập gia đình với người tình mà trước đây anh “cặp bồ” và trong suốt hai mươi năm chung sống với vợ 2, cô chưa bao giờ nhắc với anh về vợ cũ. Anh thấy mình được trân trọng và sống hạnh phúc, ít hối tiếc về quá khứ.
Có nhiều cặp vợ chồng, dù đã chấp nhận tha thứ nhưng mỗi khi có xung đột, họ lại gợi chuyện, làm cho “kẻ phạm tội” luôn phải ý thức về tội lỗi và mức độ “xấu xa” của mình. Như thế, cuộc sống gia đình sẽ thêm ngột ngạt và không thoát được nguy cơ đổ vỡ thứ hai.
Đành rằng, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ người chồng. Chắc chắn rằng thật khó trách người phụ nữ bởi một khi là người trong cuộc, là người vợ không ai mong muốn hay chuẩn bị cho mình một tâm lý rằng một ngày đẹp trời nào đó chồng mình sẽ có ‘’bồ’’. Chính việc không chuẩn bị tâm lý cho mình nên các bà vợ luôn bị ‘’sốc’’ khi phát hiện ra sự thật. Một cú sốc mạnh khiến họ bị tổn thương về tâm lý nặng nề mà không dễ gì thoát ra được. Chính cú sốc này khiến họ không đủ tính táo để hành động. Họ càng yêu chồng thì càng cay đắng và cay nghiệt hơn với chồng kể cả khi họ quyết định tha thứ hay không.
Đôi khi cũng có người muốn chia tay với người chồng bội bạc và cố gắng gây nên vết thương lớn nhất với chồng cho “công bằng”, nhưng sau đó vì còn tình cảm, vì con cái, họ quyết định tha thứ. Thế nhưng trước khi tha thứ, họ đã có những hành động làm tổn thương người kia. Những điều này tưởng như “người phạm lỗi” phải chấp nhận nhưng vô tình nó đã gây một ấn tượng cực kỳ xấu trong lòng họ, để đến mức chính bản thân họ cũng không cần sự tha thứ nữa. Ai cũng có lòng tự trọng, kể cả những người đã lầm lạc.
Hôn nhân là một ràng buộc không chỉ bởi tờ hôn thú, vì thế người ta không thể dễ dàng ly hôn như vứt đi một món đồ hỏng một cách nhanh chóng và đơn giản. Bởi vậy, đừng vội làm tổn thương nhau để thỏa mãn sự hằn học của bản thân mình. Tha thứ hay không tha thứ, phụ thuộc vào mức độ “phạm tội” của người kia, nhưng nếu đã làm tổn thương nhau thực sự thì mọi sự tha thứ đều không cần thiết nữa.
Nếu không thể thật sự tha thứ, thì đừng tha thứ, còn hơn là hàng ngày nuôi dưỡng sự bất đồng, một điều không hề tốt cho một mối quan hệ. Học kỹ năng của sự tha thứ là một quá trình thiết yếu để hàn gắn nỗi đau và hàn gắn mối quan hệ sau rạn vỡ.