Đã là vợ chồng đầu gối má kề, tài sản là của chung, con cái chung, cái gì cũng chung, cớ sao vẫn có đàn ông lập “quỹ đen” để làm gì?
Đây là câu hỏi nhiều đàn ông không trả lời được nhưng anh nào cũng có. Có anh còn bảo “không có quỹ đen không phải đàn ông”. Ít thì năm bảy trăm nghìn hoặc khá hơn thì vài ba triệu đồng gấp trong quyển sách nào đó hoặc bỏ vào cái túi áo cũ treo trong tủ mà vợ không bao giờ động đến.
Chưa kể những anh có sổ tiết kiệm hàng trăm triệu bí mật gửi ngân hàng. Thậm chí có những tài sản lớn ở đâu đó mà vợ con không hề biết. Chỉ những người không làm gì ra tiền thì đành chịu. Nhưng đến khi họ có nhiều tiền thì họ cũng có quỹ đen. Chữ “đen” ở đây chỉ có nghĩa là bí mật không ai biết.
Ảnh minh họa
Nỗi khổ vì không có quỹ đen
Một ông được cơ quan thưởng cho một triệu hai trăm nghìn đồng. Tính ông không giấu giếm cái gì nên từ mấy hôm trước đã khoe với vợ.
Lĩnh tiền thưởng xong trên đường về nhà, ông ta tranh thủ vào bệnh viện thăm bố ốm đang nằm điều trị ở đó. Về đến nhà, vợ hỏi tiền thưởng đâu, ông móc ví đưa có 700.000 đồng, vì lúc ở bệnh viện đã đưa bố 500.000 đồng.
Bất ngờ bà vợ sa sầm mặt mũi mắng chồng là chỉ nghĩ đến bố mẹ mà không nghĩ đến vợ con. Bà ta đang trông vào số tiền thưởng đó để thêm vào mua cái máy giặt mới, thay cái cũ đã bị hỏng nặng. Bà lăn ra giường khóc lóc thảm thiết kêu khổ.
Một ông khác làm ăn khấm khá, có tháng kiếm được mấy chục triệu. Thế mà ông anh ruột mua xe máy thiếu tiền, đến vay em 5 triệu nhưng không dám vào nhà, gọi điện cho em ra đầu ngõ hỏi vay.
Nào ngờ người em chỉ biết kiếm tiền thôi chứ có giữ tiền đâu. Biết là bảo vợ thì vợ không bao giờ đưa vì mâu thuẫn với bà chị dâu, nên đành nói với ông anh là em không có tiền. Thế là anh em giận nhau cả năm không nhìn mặt.
Đưa tiền cho bố đẻ, cho anh ruột còn não lòng như thế, huống chi giúp đỡ bạn bè, bà con họ hàng còn khó hơn nhiều.
Đó là chưa kể đàn ông lâu ngày gặp bạn đưa nhau vào hàng quán tốn kém vài ba tram nghìn làm sao tránh khỏi. Chả nhẽ quanh năm “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày”, không bao giờ vào hàng nào?
Chưa kể chuẩn bị xem bóng đá World cup, có anh muốn mua cái ti-vi to hơn xem cho đã, nhưng vợ bảo cứ cái cũ xem cũng được thì làm thế nào? Nếu mỗi tháng tích cóp một ít đưa vợ giữ nhưng bà xã lại cho là phải chi việc khác cần hơn mua ti-vi thì sao?
Qua những câu chuyện trên đây rõ ràng nếu không có quỹ đen lắm lúc đàn ông rất bí. Có người lại bảo, phụ nữ không có quỹ đen có sao đâu. Nhưng phụ nữ tay hòm chìa khóa muốn chi gì thì chi, đàn ông không kiểm soát được tiền nong của vợ nên không cần lập quỹ riêng. Nếu phải ông chồng kiểm soát quá chặt thì phụ nữ cũng sẽ có quỹ đen!
Ảnh minh họa
Đàn ông có cần quỹ đen không?
Nếu hỏi đàn ông có cần lập quỹ đen không thì sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Ông nào may mắn có người vợ luôn tin yêu, thông cảm với chồng, cho rằng chồng đã chi cái gì đều đích đáng cả, và luôn đồng tình ủng hộ thì cần gì còn phải lập quỹ đen?
Nhưng tìm được người vợ như thế trên đời này rất khó. Bởi vì đàn ông và đàn bà luôn có những nhu cầu khác nhau.
Tuy nhiên nếu đàn ông lập quỹ riêng để tiêu vào những việc không trong sáng thì rất nguy hiểm.
Một nghiên cứu về ngoại tình gần đây cho biết, tỷ lệ này ở đàn ông vào khoảng 60%. Đã ngoại tình thì phải hò hẹn, gặp gỡ, ăn uống, mua quà tặng người tình, thế nào cũng tốn kém.
Nếu đàn ông lập quỹ riêng tiêu vào việc này không biết bao nhiêu cho đủ. Vừa thất thoát tài sản vừa phân tán tình cảm, các bà vợ thiệt đủ mọi đường.
Trong trường hợp này quản lý thật chặt hầu bao của chồng là đúng. Tuy nhiên cũng khó vì đàn ông trăng hoa thường là những ông làm ra tiền. Nếu không có khả năng ấy thì cũng ít khả năng ngoại tình.
Cần làm gì để chồng không có quỹ đen?
Thứ nhất là tin yêu, thông cảm với chồng. Tuy vợ giữ tiền nhưng mỗi khi chồng cần hỏi đến thấy hợp lý thì đưa chứ không hoạnh họe hay biến thành thứ “ngân hàng một chiều”, chỉ gửi vào mà không rút ra được. Nếu được như thế đàn ông sẽ thấy việc lập quỹ đen là không cần thiết.
Thứ hai là biết rõ thu nhập của chồng, yêu cầu đóng góp hàng tháng bao nhiêu. Sau khi đã đóng góp, tiền còn lại để chồng tự quản. Như thế có tác dụng khuyến khích người lao động làm nhiều thì được tiêu nhiều, họ mới có động lực làm việc thêm.