Ly hôn được ví là "bệnh lây lan" khi không còn là chuyện của một gia đình mà hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của những cặp đôi xung quanh.
Ly hôn có lây lan được không?
Nghe thì có vẻ phi lý nhưng câu trả lời là có. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ Brown, Harvard và Đại học California, San Diego thông báo dựa trên 30 năm nghiên cứu. Các nhà khoa học gọi đây là “bệnh lây lan ly hôn”.
Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu khoa học, ly hôn có thể lây truyền từ cặp vợ chồng này sang cặp vợ chồng khác. Thậm chí nếu nhà hàng xóm có người ly hôn thì vấn đề này có thể “lây lan” sang nhà bên cạnh. Vậy tại sao lại có "bệnh lây lan ly hôn"?
Một nghiên cứu về "phong trào dễ lây lan" của ly hôn qua mạng xã hội đã khiến nhiều người bất ngờ. Kết quả chỉ ra nếu bạn thân ly hôn, tỷ lệ ly hôn giữa các cặp đôi sẽ tăng 75%. Hiệu ứng lan truyền tin tức ly hôn của bạn bè thông qua những lời đàm tiếu cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của 30 người, thậm chí còn tăng lên.
Làm thế nào để “phòng bệnh” trước khi phải “chữa bệnh”?
Tránh nghi ngờ đẩy> hôn nhân đến vực thẳm
Trên thực tế, việc quen biết một số người đã ly hôn, những người có xu hướng ghen tuông hay những người bạn từng bị lừa dối... sẽ dễ khiến bản thân bị dao động dẫn đến nghi ngờ bạn đời của mình.
Thêm vào đó, việc tiếp cận với những câu chuyện trên mạng xã hội và những câu chuyện bóc phốt xảy ra hàng ngày cũng có thể đẩy cuộc hôn nhân đi đến đổ vỡ. Tuy nhiên, đừng để sự nghi ngờ gặm nhấm tình cảm giữa hai người. Cần nhớ rằng cuộc đời của mỗi người khác nhau, người khác gặp trục trặc trong hôn nhân không ảnh hưởng đến hôn nhân của chính mình.
Ảnh minh họa.
Chìa khóa “giữ lửa” hôn nhân: Giao tiếp
Khi bắt đầu kết hôn, cả hai thường cảm thấy và nói chuyện như thể họ đang cùng nhau tham gia cuộc phiêu lưu. Tuy nhiên, theo thời gian mỗi người có thể phát triển tầm nhìn của riêng mình với những gì họ muốn và theo đuổi theo cách khác nhau.
Khi điều này xảy ra, thay vì chọn cách im lặng do sợ hãi hay thiếu hiểu biết, hãy cố gắng đối thoại với bạn đời để hiểu được cảm xúc và kỳ vọng của nhau về hôn nhân cho dù nó là tốt hay không.
Ngoài ra, các cặp đôi cũng có thể cùng nhau làm nhiều việc để gắn kết như cùng chăm con, đi thăm họ hàng,... Dù là gì đi nữa, đôi khi việc lựa chọn cùng nhau làm một việc gì đó mà cả hai đều thấy có ý nghĩa có thể mang lại sự kết nối đã từng biến mất.
Vợ chồng đừng tính chuyện thắng thua
Nhiều đôi vợ chồng dù đã kết hôn nhưng vẫn vô cùng đề cao “cái tôi”. Đôi khi vợ chồng có xích mích, cãi vã nhưng không ai nhận thua, không ai chịu cúi đầu. Họ nghĩ rằng mình cúi đầu trước là sai, là đáng xấu hổ. Điều đó dẫn đến những mâu thuẫn chồng chất, rất khó để giải quyết.
Phải khẳng định rằng “cái tôi” không sai nhưng trong hôn nhân, đôi khi các cặp vợ chồng cần học cách cân bằng giữa “cái tôi” và “cái chung”.
Vợ chồng cãi nhau đừng bao giờ coi trọng chuyện thắng thua. Có vấn đề thì hai vợ chồng hãy trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc một cách chân thật nhất để giải quyết nhanh gọn. Thay vì tranh cãi, tốt hơn hết nên nói ra nhu cầu và cảm xúc của mình.
>Gia đình là nơi cất giấu yêu thương, không phải ván cờ đấu trí, vợ chồng thắng thua đều được, không có gì phải mất mặt. Vì vậy, đừng để “cái tôi” và sự sĩ diện giết chết hạnh phúc gia đình.