Chị cảm thấy mọi lời nói bây giờ quá thừa thãi bởi chị đã khóc, đã mong anh thay đổi suốt bao nhiêu năm qua. Đàn ông tự thâm tâm muốn thay đổi thì đâu có làm người đàn bà đau hết lần này đến lần khác. Chị đã mất hết niềm tin vào chồng, bản tính lăng nhăng đã ăn sâu vào máu thì còn trông mong gì ở sự quay đầu?
Nhiều người vẫn thường hỏi: “Rốt cuộc đàn bà lấy chồng quan trọng nhất điều gì?”. Tiền của người đàn ông, mong có một chỗ dựa bình yên suốt đời, hay là một người biết quan tâm, chiều chuộng? Tất cả những yếu tố đó đều quan trọng, nhưng đàn bà lấy chồng vẫn luôn chọn người mình tin nhất. Tin rằng anh chung thủy, tin rằng ở cạnh anh người đàn bà được an toàn bất chấp cuộc đời ngoài kia nhiều giông bão.
Khi người đàn ông còn làm người đàn bà tin thì họ sẽ nguyện gắn bó suốt đời. Nhưng niềm tin trong hôn nhân rơi rụng dần theo năm tháng sống chung dưới một mái nhà. Bao nhiêu lần phải rơi nước mắt, bao nhiều lần tổn thương, bao nhiêu lần nằm bên chồng mà vẫn cảm thấy cô đơn khiến người đàn bà mất đi niềm tin với người đàn ông của mình.
Đàn bà khi buồn, khi giận thì họ phản ứng bằng cách giận hờn, khóc lóc. Đàn ông thường không hiểu, họ còn cho rằng đàn bà hết sức nhiễu sự khi cằn nhằn, lải nhải suốt ngày. Đàn ông bao nhiêu lần vô tâm, bỏ rơi người vợ trong nỗi cô đơn. Đàn ông nhậu nhẹt, bê tha, chơi bời và người đàn bà vẫn cứ rơi nước mắt hy vọng ở sự thay đổi.
Đàn bà còn khóc, còn cằn nhằn nghĩa là trong lòng họ vẫn còn yêu. Đàn ông không biết rằng, nếu để đàn bà cô đơn quá lâu họ sẽ im lặng mà buông xuôi. Đàn ông đừng vội mừng khi vợ mình không còn rơi nước mắt, thôi cằn nhằn, thôi than vãn về những thói hư tật xấu ở chồng. Bởi đàn bà khi ấy đã rơi vào tuyệt vọng. Họ hiểu rằng cho dù có rơi bao nhiêu nước mắt, thì người chồng của mình vẫn không hề thay đổi.
Tôi có quen biết một chị bạn. Ngày trước, chị cũng yêu say đắm cuồng nhiệt rồi mới cưới. Nhưng chồng chị cũng như bao nhiêu người chồng khác trên đời, anh có rất nhiều tật xấu. Chị bảo tật xấu gì chị cũng cũng thể tha thứ trừ tật lăng nhăng. Bắt gặp lần thứ nhất chồng ăn vụng, chị như chết đi sống lại, ngất xỉu đến mức đưa đi cấp cứu. Rồi anh ta xin tha thứ. Lần thứ 2, chị đau đớn, nước mắt cứ ào ào chảy. Rồi lần thứ 3, lần thứ 4, chị không còn nước mắt để khóc. Ngày hôm qua, chị bắt gặp chồng đi với gái. Nếu như những lần trước hẳn chị đã quậy tung lên nhưng không, chị im lặng không nói gì.
Cơm chị không nấu, nhà cửa lạnh tanh. Chồng đi đâu, làm gì chị cũng không thèm hỏi. Đêm chị ôm gối qua phòng con ngủ. Chị cảm thấy mọi lời nói bây giờ quá thừa thãi bởi chị đã khóc, đã mong anh thay đổi suốt bao nhiêu năm qua. Đàn ông tự thâm tâm muốn thay đổi thì đâu có làm người đàn bà đau hết lần này đến lần khác. Chị đã mất hết niềm tin vào chồng, bản tính lăng nhăng đã ăn sâu vào máu thì còn trông mong gì ở sự quay đầu? Chị buông xuôi, và quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân bất hạnh này bằng việc ly hôn.
Đàn ông nên biết rằng, khi đàn bà còn khóc, còn rơi nước mắt vì sự vô tâm của chồng thì lúc ấy trong tim họ vẫn còn tình cảm. Sức chịu đựng của đàn bà có hạn. Không người đàn bà nào đủ nước mắt để khóc người chồng tệ bạc cả đời. Họ cũng không ngu si đến mức, cứ trông chờ, cứ hy vọng vào một sự thay đổi để rồi đau hết lần này đến lần khác. Đàn ông nên biết, giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng chính là im lặng. Một khi đàn bà đã im lặng buông xuôi nghĩa là người đàn ông đã hết cơ hội quay đầu.