Mù quáng tin vào những lời đường mật của người tình: “Anh sẽ ly hôn vợ để cưới em và chúng ta sẽ sống bên nhau hạnh phúc suốt đời”, cô gái nhận cái kết ê chề, đau khổ...
Như phần lớn những phụ nữ khác, Hà cũng có một> gia đình nhỏ. Chồng cô - một anh kỹ sư điện hiền lành, chịu khó, yêu vợ thương con. Cô con gái 2 tuổi rưỡi khoẻ mạnh, xinh xắn. Ai chẳng nghĩ một phụ nữ hơn 30 tuổi, có nghề nghiệp vững vàng, có gia đình yên ấm nếu chưa phải là hoàn toàn viên mãn thì ít ra cũng có thể bằng lòng với thực tại. Thế mà nhiều lúc tâm sự với cô bạn thân, Hà vẫn thở dài:
- Không hiểu sao có những lúc chồng một bên, con một bên mà mình vẫn cảm thấy thiếu cái gì. Thời gian cứ trôi đi, ngày nào cũng giống ngày nào mấy lúc mà hết tuổi xuân. Lắm lúc chỉ muốn đi đến một nơi nào đó, gặp một ai đó nói chuyện cho đỡ buồn.
Sáng hôm ấy, một ngày vui hiếm có, Hà không đi dạy học như mọi khi mà đi làm giám thị. Cô >trang điểm kỹ lưỡng hơn mọi ngày. Hôm nay trường phổ thông cơ sở của cô được một trường đại học thuê làm địa điểm thi tuyển sinh và thuê luôn các giáo viên của trường làm giám thị. Đứng trước gương Hà hỏi chồng:
- Anh thấy mặc váy này đi coi thi có được không?
Chồng đang vội chuẩn bị đi làm nên chỉ nói “được được” cho qua chuyện. Hà nguẩy người một cái: “Thế thì hỏi làm gì”.
Ảnh minh họa
Hà được phân công làm giám thị hành lang. Ông chủ tịch hội đồng nhắc đi nhắc lại, yêu cầu các giám thị không đi lại nhiều. Ai ở vị trí của người ấy. Thế là cô đành phải ngồi yên vị ở cái ghế dài kê cuối hành lang. Được hơn một tiếng đồng hồ, cô thấy mỏi lưng thì ít mà buồn vì giám thị không được đọc sách, đọc báo, cũng chẳng có ai mà trò chuyện.
Bỗng từ đầu hành lang, một người đàn ông đang tiến về phía Hà. Cô đăm đăm nhìn từ dáng đi ung dung của anh ta đến chiếc áo sơ-mi cộc tay trắng muốt bỏ gọn gàng trong chiếc quần sẫm màu, nổi rõ một cơ thể cân đối. Anh càng đến gần, cô càng nhìn rõ nước da trắng trẻo, hàng ria mép đen nhánh, xén tỉa gọn gàng. Cô thầm nghĩ giảng viên đại học có khác. Với chiếc phù hiệu “Ban chỉ đạo” cài hờ hững một bên túi ngực, anh lững thững đi dọc hành lang như đếm từng bước, thỉnh thoảng lại gật đầu cháo đáp lại một đồng nghiệp trong phòng thi.
Đến gần Hà, anh nở một nụ cười thân thiện: Chào chị!
Không hỉểu sao, tự nhiên cô thấy mặt mình nóng ran. Đáng lẽ nói “Chào anh!” thì, cô bật thốt ra:
- Em chào anh ạ!
Anh cúi xuống nhặt cái quạt giấy mà cô vừa lúng túng đánh rơi và đưa tận tay cô.
- Em cảm ơn anh ạ!
Chính Hà cũng ngạc nhiên về cách thưa gửi lễ phép của mình. Cứ như cô học trò nhỏ với thầy giáo. Từ lâu lắm, trong ngôn ngữ của cô làm gì có tiếng “ạ” ở cuối mỗi câu. Với chồng, cô toàn nói trống không. Với học trò thì chỉ toàn mệnh lệnh.
Như đáp lại sự lễ độ của cô, anh nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh Hà. Còn Hà như một cái máy, cô nhích khẽ sang bên, cảm thấy mình cười tươi như đứa trẻ được quà. Đến bây giờ Hà cũng không nhớ anh đã bắt đầu câu chuyện như thế nào. Chỉ nhớ chiều hôm ấy, anh lại đến ngồi với cô ở hành lang. Những câu chuyện của anh toàn về >âm nhạc, điện ảnh, văn thơ khác hẳn với người chồng khô khan của Hà.
Hết buổi thi, hai chiếc xe máy đi sóng đôi một đoạn. Đến chỗ ngã ba, anh cười:
- Em về nhé! Hẹn em sáng mai lại gặp !
Hà thấy mình trẻ lại như lần đầu hồi hộp trước tình yêu. Hai chiếc xe đem hai niềm vui rẽ về hai ngả.
Sáng hôm sau, đợi chồng đi làm trước, Hà bắt taxi tới trường. Vì cô nghĩ nếu hôm qua không đi xe của mình chắc thế nào anh cũng sẵn sàng chở mình về tận nhà. Quả nhiên hôm nay xuống đến sân trường anh bảo:
- Đợi anh về cùng nhá!
Cô cười:
- Hôm nay xe máy hỏng, em phải đi taxi.
Anh mừng rỡ:
- Thế thì để anh làm… xe ôm
Còn hơn cả dự đoán của Hà, trên đường về anh mời cô vào một quán giải khát. Ở đó cô được biết đằng sau cái vẻ hào hoa phong nhã của anh là nỗi cô đơn của một người đàn ông có vợ cũng như không. Vì vợ chồng anh sống ly thân từ lâu, sau những mâu thuẫn triền miên, vợ anh đã đi xuất khẩu lao động hàng năm nay không tin tức. Anh mời Hà ghé thăm chơi cho biết nhà.
Căn hộ chung cư trên tầng tám. Hành lang vắng ngắt không một bóng người. Cô cũng không nhớ mình ngã vào vòng tay anh như thế nào, chỉ nhớ trước khi ra về vô cùng lưu luyến.
Ảnh minh họa
Từ đó, khi thì trong căn hộ xinh xắn của anh, khi thì trong nhà nghỉ, tuần nào họ cũng gặp nhau ít nhất một lần và Hà bỗng nhận ra tuy đã hơn 30 tuổi nhưng bây giờ cô mới thực sự biết thế nào là tình yêu.
Cũng có lúc, nghĩ đến chồng con khiến Hà day dứt. Nhưng rồi chính cô lại tự bào chữa đâu phải chỉ có mình ngoại tình. Hôn nhân do cha mẹ sắp đặt vì lo con gái ế, làm gì có tình yêu. Đã yêu chồng bao giờ đâu mà gọi là phản bội? Cô lao vào mối tình si mê đó như một người chưa từng yêu, từng sống bao giờ.
Những thay đổi của người vợ không qua mắt được chồng. Nhưng chồng càng nghi ngờ góp ý bao nhiêu thì Hà càng phớt lờ, lao vào cuộc tình vụng trộm như con thiêu thân bấy nhiêu.
Cho đến một hôm chồng Hà theo dõi từ xa thấy tận mắt vợ đi với nhân tình vào nhà nghỉ. Từ hôm đó gia đình cô biến thành địa ngục. Những trận cãi vã diễn ra liên tục và có lần kết thúc bằng một cái tát thúc đẩy Hà viết đơn ly hôn ngay lập tức. Tòa giải quyết rất nhanh vì lá đơn có đủ hai chữ ký, chỉ có đứa con không chia được nhưng cô biết lỗi của mình nên đành nhượng bộ để chồng đạt được nguyện vọng nuôi con.
Từ tòa án ra, cô đi thẳng về nhà người tình. Anh ta hứa là chỉ đợi vợ về là cũng ly hôn và họ sẽ sống bên nhau hạnh phúc suốt đời.
Điều không ngờ là ngọn lửa tình yêu mãnh liệt thế lại nguội đi nhanh đến vậy. Chỉ một tháng sau, những khao khát đam mê tan nhanh như bong bóng xà phòng. Nỗi nhớ của Hà bây giờ lại chuyển sang con.
Có hôm cô nấp từ xa sau một gốc cây nhìn chồng cũ đón con từ vườn trẻ. Nước mắt cô trào ra khi thấy con nhớn nhác tìm mẹ. Mấy tháng sau điều khiến Hà khó hiểu nhất là cô nhận thấy lúc nào Thanh cũng kè kè cái điện thoại bên người kể cả lúc vào buồng tắm.
Có những buổi tối anh ta nói là đi dạo một lúc nhưng cô bắt gặp Thanh đứng dưới gốc cây khuất ánh đèn nói chuyện điện thoại rất lâu. Hà hoang mang không hiểu là anh ta nói với vợ hay một cô nhân tình nào khác? Nhiều lúc cô muốn hỏi nhưng Thanh gạt đi một cách khó chịu. Cô bỗng nhận ra mình sống thế này có danh phận gì đâu mà cũng ghen tuông. Nếu gây ra căng thẳng, anh ta có thể mời ra khỏi nhà bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa
Cho đến một hôm. sau khi Thanh đi dạo buổi tối về, nét mặt anh có vẻ rất căng thẳng. Anh ta nhìn Hà ngập ngừng bảo anh vừa nói chuyện với vợ anh và được biết chỉ mấy hôm nữa cô ấy sẽ về.
Nghe xong Hà thấy xây xẩm mặt mày. Cô đành phải nhắc lại những gì Thanh đã hứa trước đây nhưng anh ta lúng búng:
- Tối qua Thảo khóc hồi lâu trong điện thoại. Cô ây rất hối hận muốn quay về với bố con anh. Căn nhà này của cô ấy mua từ trước khi kết hôn. Cho nên mình phải tạm chia tay đã em ạ. Anh cũng không biết làm thế nào? Hay là ...
Hà hồi hộp nhìn vào mắt Thanh nhưng anh ta cúi nhìn xuống đất:
- Hay là... em lại về... với chồng em?
Nghe người tình nói dứt câu, nước mắt cô giàn giụa nghẹn ngào không nói nên lời! Thanh đâu biết một buổi tối cách đây mấy hôm, Hà nhớ con quá đã lảng vảng đi qua nhà cũ nhìn vào. Không phải trong nhà chỉ có hai bố con mà đã có một bóng phụ nữ đi ra đi vào cười nói với bố con anh. Nước mắt Hà tuôn rơi. Cô hiểu rằng căn nhà đó không còn chỗ nào dành cho mình nữa.