Cú sốc tinh thần khi ngoại tình bị phát hiện thường là nguyên nhân khiến cặp đôi tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhà tâm lý.
Có trường hợp người phản bội hồn nhiên khẳng định nghi vấn của vợ/chồng mình dẫn đến kết cục không mong muốn. Hoặc >ngoại tình bị bắt quả tang tại trận và những phản ứng quá khích của hai bên với nhau khiến cho vợ chồng phải đi trị liệu.
Kịch bản khác phổ biến hơn là hai vợ chồng mang nghi vấn đến phòng trị liệu nhờ phân xử. Bên có lỗi không thừa nhận việc ngoại tình, chỉ công nhận rằng mình có một loại quan hệ nào đó với người thứ ba.
Trong tất cả các trường hợp, quy trình tham vấn trị liệu cho cặp đôi có thể đi theo các bước như sau:
Thu thập thông tin, sơ cứu tâm lý
Mục tiêu của buổi làm việc đầu tiên là thu thập những thông tin cơ bản về cuộc >hôn nhân, tình huống xảy ra có phải là lần đầu tiên hay không, tìm hiểu cảm giác của 2 người sau sự kiện và nâng đỡ tâm lý cho người bị phản bội.
Ví dụ với tình huống một người chồng ngoại tình mới bị phát hiện 5 ngày. Sau buổi làm việc, nhà tâm lý cho hai bên thống nhất một bản hợp đồng viết tay dưới sự chứng kiến của nhà tâm lý rằng sẽ không có bất kỳ một cuộc gặp nào với người thứ ba và không có thêm bất kỳ một xung đột thể chất nào giữa hai người. Người vợ chỉ rõ rằng cô sẽ không muốn nghe bất kỳ một từ nào về kẻ thứ ba và người chồng đồng ý. Người chồng sẽ không có bất cứ một liên lạc cá nhân nào tiếp theo và phải thật chân thành. Họ thống nhất rằng người chồng sẽ gửi một email cho người thứ ba và người vợ có quyền đọc.
Nhà tâm lý thêm một số câu tạo động lực và hy vọng cho cặp đôi như mối quan hệ của họ sẽ tiếp tục, họ sẽ vượt qua những vấn đề này, và bất cứ hình thức giải quyết thô bạo nào vào thời điểm này là sai trái. Nhà tâm lý cũng khẳng định người chồng có thể đủ sức mạnh để sửa sai nếu như người vợ cho anh một cơ hội. Bên cạnh đó, nhà trị liệu khuyến khích người vợ tìm kiếm trợ giúp từ bạn thân và quan tâm hơn đến sức khoẻ của cô. Nếu có vấn đề gì phát sinh, họ có thể gọi điện trước buổi gặp tiếp theo.
Đánh giá, phân loại vấn đề
Bước tiếp theo, nhà tâm lý cần phân loại vụ ngoại tình. Liệu rằng vụ việc này là ngoại tình lãng mạn hay ngoại tình tránh xung đột. Trên cơ sở đó, nhà tâm lý đi sâu tìm hiểu quan điểm của từng người về vấn đề, nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của văn hóa gia đình gốc.
Trở lại với cặp đôi, trong buổi tiếp theo nhà tâm lý dành thời gian để vợ chồng nói về những khúc mắc trong quan hệ bên cạnh vụ việc ngoại tình. Họ cho biết hai người dành quá ít thời gian cho nhau và trong vài năm gần đây, người chồng có vẻ tránh gần gũi, tránh nói chuyện với vợ. Người chồng trong một khoảng khắc giận giữ đã nói thẳng rằng người vợ quá nhàm chán khi lúc nào cũng chỉ nói về những đứa nhỏ hay về những gì bạn bè cô đang bàn tán.
Văn hóa gia đình gốc của hai vợ chồng cũng được nhà tâm lý làm rõ. Người chồng là con cả trong gia đình có 4 anh em. Bố anh là người trăng hoa đã bỏ rơi mẹ và gia đình khi anh đang học THPT. Người chồng là người lo tài chính cho gia đình riêng nhưng cũng nặng gánh tài chính với gia đình chung. Còn người vợ lớn lên trong sự nuôi nấng của ông bà ngoại. Bố mẹ cô đi làm xa nhiều năm và không có mối quan hệ gắn bó với con. Quan hệ của họ cũng có nhiều mâu thuẫn với nhiều vụ việc đánh chửi nhau trước mặt cô. Người vợ quyết định sẽ phải sống một cuộc hôn nhân hoàn hảo hơn thế. Đó chính là lý do cô cảm thấy tình cảnh của mình thật khó chấp nhận.
Nhà tâm lý cũng giúp họ nhận ra mầm mống vấn đề xuất hiện từ 3 năm trước khi người vợ đang mang thai. Tuy nhiên thời điểm đó họ có nhiều thời gian bên nhau, cùng nhau chăm sóc cho đứa con sắp ra đời và cùng bàn bạc với nhau để thiết kế nội thất cho ngôi nhà. Đó là một ký ức đẹp của cuộc hôn nhân.
Xác định mục tiêu
Trong bước này, nhà tâm lý phải thống nhất được với hai vợ chồng về những mục tiêu chung mà họ muốn đạt được trong thời gian tới.
Ở trong giai đoạn này, người chồng trở nên lung lạc khi thừa nhận đã suy nghĩ về người thứ ba mặc dầu không liên lạc gì. Nhà tâm lý phải thách thức người chồng bằng cách hỏi anh đặt bao nhiêu nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân so với mối tình ngoài luồng. Động viên hai vợ chồng rằng đây là giai đoạn chuyển hoá bình thường khi một mối quan hệ đang trên đà quay lại quỹ đạo cũ. Thống nhất với hai vợ chồng về một mối quan hệ mà người vợ trở thành một đối tác bình đẳng và cả hai bên đều nỗ lực để đương đầu với sự nhàm chán cũng như đơn điệu chứ không cố gắng lẩn tránh nó.
Chấp nhận những quan điểm và hành vi mới
Trong các phiên làm việc tiếp theo, nhà tâm lý hỏi cả hai vợ chồng xem họ có những điểm mạnh nào để khắc phục sự nhàm chán trong hôn nhân. Vợ sẽ nói về những điểm mạnh của chồng và ngược lại. Cả hai đều cho rằng vợ là người sống có trật tự, thích kiểm tra hết các khả năng trước khi ra quyết định. Chồng thì có vẻ tự phát hơn nhưng lại có khiếu hài hước và khiến cho cả hai cười đùa suốt.
Nhà tiếp tục yêu cầu vợ chồng viết ra giấy vài điều mà họ mong muốn nhất cho mối quan hệ. Sau đó đem những điểm mạnh đã được bàn thảo để áp dụng cho những điều hai vợ chồng mong muốn. Sau bước này, hai vợ chồng cho biết họ đã quyết định trong 12 tháng tới sẽ đi nghỉ hẳn một tháng.
Nhà tâm lý rất tin vào kế hoạch này và tiếp tục đưa vào đó cả những mục tiêu mà cặp đôi đã nói ra trong các phiên trị liệu. Người vợ sẽ chịu trách nhiệm về địa điểm và thời gian sau khi tham khảo lịch làm việc, tài chính từ chồng. Người chồng sẽ thêm vào các ý tưởng sáng tạo, bất ngờ trong từng ngày họ đi nghỉ.
Duy trì trạng thái tích cực
Qua quá trình trị liệu, cặp đôi dần nhận ra rằng hành vi của người này có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Nhà tâm lý ở giai đoạn này sẽ giúp họ đưa ra danh mục những hành động nên và không nên làm. Với cặp đôi của chúng ta, nhà tâm lý động viên người vợ tiếp tục bộc lộ quan điểm mỗi khi xảy ra vấn đề và người chồng sẽ lắng nghe. Hai người ngừng tranh cãi và đi đến một quyết định chung; Hai người tiếp tục có những kỷ niệm vui bên nhau. Ngoài ra, họ sẽ tránh việc đồng ý với nhau chỉ để khỏi phải cãi cọ; chồng sẽ không đắm chìm trong công việc và không nói gì khi về nhà.
Kéo dãn hỗ trợ và kết thúc
Cho đến khi nhà tâm lý nhận ra cặp đôi có tiến triển và có thể duy trì được trạng thái tích cực, phiên làm việc sẽ được kéo dãn ra từ 1-3 tháng/ buổi. Nhiệm vụ của nhà tâm lý là tiếp tục động viên những cố gắng của cặp đôi. Nếu những ký ức ám ảnh quay lại, người vợ vẫn cảm thấy ghen tuông hay người chồng cảm thấy cáu giận vì không có cách nào để giảm bớt đau khổ cho vợ thì nên động viên rằng cần ít nhật là 1 năm để sự việc phôi phai.
Cuối cùng, trước khi kết thúc can thiệp, dù muốn hay không nhà tâm lý cũng chuẩn bị cho tình huống nếu ngoại tình tiếp tục xảy ra. Với cặp đôi, nhà tâm lý có thể hỏi người vợ sẽ làm gì nếu như cô phát hiện chồng tiếp tục ngoại tình. Người vợ trả lời rằng mình sẽ bỏ anh ngay lập tức. Nhà tâm lý nói rằng để đảm bảo tuyệt đối người chồng sẽ không ngoại tình nữa, chỉ có một cách là cô bỏ anh ngay tại thời điểm này. Nếu không, cô sẽ phải mạo hiểm tin tưởng và hướng đến những cảm xúc tích cực. Hiện tại, khi một trong hai vợ chồng nhắc đến chủ đề ngoại tình, người đó sẽ phải trả cho người kia 10.000đ và họ sẽ thảo luận xem vì sao họ lại nhắc lại chủ đề đó.
Lời kết: Giúp đỡ cặp đôi giải quyết một cuộc ngoại tình quả là một công việc tinh tế. Nó liên quan đến việc giải quyết cú sốc tâm lý cấp trước cá nhân nghĩ đến việc tái thiết mối quan hệ. Ngay cả khi khủng hoảng ban đầu đã qua đi, vấn đề thỉnh thoảng vẫn sẽ xuất hiện lại cản trở quá trình trị liệu, khiến cho cả hai thoái chí tự tìm kiếm vỏ bọc cho mình. Vai trò của nhà tâm lý là giúp những người muốn ở cạnh nhau đương đầu với các sự việc xảy ra sau khi ngoại tình bị phát hiện. Ngoại tình phải chấm dứt, nhưng người kia cũng phải ngừng đem nó ra đay nghiến. Nhà phải luôn đóng vai là người truyền hy vọng, đây là việc khó nhất khi giải quyết những tình huống ngoại tình. Tuy nhiên, một khi cặp đôi thấy họ đã vượt qua được chuyện đó, họ sẽ tìm ra những vấn đề sâu xa hơn trong mối quan hệ và xây dựng được nền tảng quan hệ mới vững chắc hơn.