Năm 1958, trên cầu Hà Lý (Hải Phòng), chàng sinh viên du học ở Bắc Kinh đã thề ước với cô nữ sinh kém 10 tuổi. Yêu xa suốt 3,4 năm, tình cảm của cả hai vẫn luôn mặn nồng, son sắt.
Năm 1958, khi ông Huỳnh Lứa sang Bắc Kinh du học ngành sử học thì được anh trai mai mối với bà Hồ Thị Tuyết Mai, khi đó đang là cô nữ sinh 16 tuổi, học trường Trưng Vương, Hà Nội. Anh trai ông Lứa là cấp dưới của cha bà - một vị lãnh đạo ngành đường sắt ở Hà Nội.
Lần đầu nhìn thấy bà Mai qua bức ảnh chụp chân dung đen trắng, ông Lứa đã xao xuyến, rung động. "Thấy hình là rung động, tuổi tôi lúc đó còn trẻ, mới 26. Sau khi nhìn thấy tấm ảnh của ông anh trai gửi sang Bắc Kinh, tôi làm ngay bài thơ gửi về Hà Nội. Bức thư ngắn nhưng tình cảm tôi khi ấy đã rất sâu đậm", ông Lứa hồi tưởng.
Dù chưa gặp mặt nhưng nhận thư ông, bà Mai cũng đã nhen trong lòng tình cảm đặc biệt. Cả hai trao đổi qua những dòng thư, cho đến 4 tháng sau, ông Lứa đi tàu liên vận từ Bắc Kinh về Việt Nam gặp bà. Lần đầu ra mắt, cha mẹ bà Mai cũng rất ưng lòng khi thấy bạn trai con gái có dáng vẻ khôi ngô, đĩnh đạc, gương mặt hiền lành, khiêm tốn.
Vài hôm sau, ông bà tình cờ lại gặp nhau ở Hải Phòng. Năm ấy, trên cầu Hà Lý (Hải Phòng), hai người mới thực sự bắt đầu hẹn hò.
"Ông nói với tôi, anh rất quý em, em có đồng ý làm bạn với anh không? Tôi chỉ cười, nói rằng em cũng muốn là bạn với anh. 10 ngày sau, ông trở về Bắc Kinh, từ đó chúng tôi viết thư, yêu xa", bà Mai nói.
Ngày ông đi, bà vùi khóc hai ngày liền, không thiết ăn uống. Thấy không ổn, cha bà dỗ dành: “Cha biết con buồn, nhưng con phải ăn uống chứ. Con mà có chuyện gì thì thằng Lứa ra sao?”. Nghe nhắc tới ông, bà lại phấn chấn, lấy lại tinh thần.
4 năm yêu xa, ông bà trao nhau tình cảm mặn nồng qua những dòng thư gửi xuyên biên giới, có khi phải mấy tháng mới nhận được hồi âm.
Song, đang tuổi trăng rằm cập kê, bà Mai ở nhà được nhiều người để ý. Thậm chí có người còn đến đặt thẳng vấn đề làm sui, đem quà tặng tới. Nhưng giữ lời hẹn thề son sắt với ông, bà cương quyết bảo với bố mẹ: "Ba má đem trả quà lại đi, không thì con không ăn cơm nữa đâu".
Có lần ông buồn giận, hiểu lầm, bà cũng rầu rĩ, vẽ phác họa tâm trạng não nề qua dòng thư khi “nửa kia” không tin tưởng lòng chung thủy của mình. Nhận được thư, ông Lứa đã tức tốc về nước, trên tay cầm một chiếc khăn tặng bà, thay cho lời xin lỗi...
Năm 1962, một đám cưới nhỏ diễn ra dưới sự chúc phúc của> gia đình họ hàng hai bên. Lấy chồng năm 20 tuổi, bà Mai học cách quán xuyến gia đình nhỏ. Gia đình bà Mai vốn theo nề nếp truyền thống, dặn dò con cái rất kỹ.
"Mẹ tôi dạy phải chăm sóc chồng như thế nào, tôn trọng chồng ra sao. Thậm chí luôn phải coi chồng cao hơn mình một cái đầu, khi hỏi phải dạ thưa đàng hoàng.
Có một lần, buổi trưa ngồi ăn cơm, tôi dùng đũa bếp bới cơm, một tay cầm đũa, một tay cầm chén bới và đưa cho chồng. Má tôi nhìn tôi một cái, sau khi ông đi làm, má gọi vào bảo: Hôm nay con làm má buồn quá. Tại sao con đưa cơm cho chồng bằng một tay?
Bây giờ tôi nhớ mãi lời dặn ấy. Con gái, con dâu của tôi vẫn theo nếp nhà như vậy, đưa cơm cho chồng bằng 2 tay", bà Mai nói.
Ông bà có 4 người con, trong đó, người con thứ 2 đã mất vì sinh thiếu tháng, con thứ 3 hiện đang là kiến trúc sư ở Úc, con út đang làm luật sư. Ba đứa con sinh ra và lớn lên trong thời chiến gian khó nhưng thừa hưởng đức tính cần cù, hiếu học của cha mẹ.
Ông Huỳnh Lứa sau này là Phó giáo sư, Tiến sĩ sử học, từng được phân bổ làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM. Đại gia đình mỗi người một lĩnh vực, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.
60 năm hôn nhân bền vững, ông bà luôn dành cho nhau tình cảm bền chặt như thuở đôi mươi. Bí quyết để vợ chồng thuận hòa được ông bà đúc kết qua 20 chữ vàng: Tự trọng, tôn trọng, bình đẳng, trung thực, thủy chung, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, hợp tác.
Ông vào tuổi 90, bà năm nay cũng bước sang 80 nhưng >sức khỏe vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Sáng nào ông bà cũng dậy sớm, bà pha trà, ông ngâm thơ, đọc sách báo. Có khi bà thuộc thơ giỏi hơn ông, nhưng nếu vờ đọc sai thì y như rằng sẽ bị ông “thổi còi”, nhẹ nhàng chỉnh đốn. Thơ là sợi dây tơ hồng, là “chiếc bình giữ nhiệt” giúp tình yêu của ông bà luôn nồng ấm, đong đầy…