Làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn con mình có một chiều cao lý tưởng vì vậy nhiều người cho con uống thật nhiều sữa để tăng chiều cao. Tuy nhiên, chỉ cho trẻ uống sữa là chưa đủ.
Sữa là thực phẩm giàu canxi, phospho và các khoáng chất cùng vitamin thiết yếu như vitamin D, cần thiết cho sự phát triển, duy trì sự khỏe mạnh của xương và ngăn ngừa loãng xương. Chính vì vậy, sữa và các chế phẩm từ sữa sẽ giúp cung cấp chất >dinh dưỡng đảm bảo cho xương của trẻ có thể phát triển tối đa, có thể đạt được mức chiều cao tiềm năng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ có dùng sữa mà chiều cao có thể tăng theo ý muốn.
Tăng trưởng chiều cao có liên quan tới nhiều yếu tố. Trong tổng thể các yếu tố tăng trưởng chiều cao, dinh dưỡng chỉ chiếm 1/3.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi trẻ 3-5 tuổi có thể tăng chiều cao từ 0,5-0,7cm/tháng. Do vậy, dù trẻ không uống sữa thì giai đoạn này vẫn có sự phát triển chiều cao rất tốt. Thế nên không thể lấy sữa ra để nói có thể tăng cường chiều cao vượt trội. Vì sữa cũng chỉ là một thực phẩm trong vô số các thực phẩm bổ sung chất đạm, canxi cho cơ thể.
Thậm chí, uống quá nhiều sữa còn khiến trẻ có cảm giác đầy bụng, không muốn ăn dẫn đến trẻ dần bị thiếu máu, thiếu những chất cần thiết cho cơ thể. Mặt khác, uống thêm sữa khi trẻ đã đủ các chất dinh dưỡng có thể khiến trẻ dễ thừa cân, béo phì, rối loạn tiêu hóa, dư thừa canxi,...
Chiều cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như gen, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, thói quen >luyện tập thể dục thể thao,...
Gen di truyền ảnh hưởng 23% chiều cao của trẻ. Dù đây không phải yếu tố quyết định phần lớn chiều cao nhưng trong trường hợp có các bất thường di truyền bẩm sinh lại có thể làm cho trẻ chậm tăng trưởng.
Một số các bệnh lý di truyền hiếm đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều cao của trẻ (gây lùn), ví dụ: bệnh loạn sản xương-sụn bẩm sinh (gây ra bởi đột biến trên gen FGFR3). Hội chứng Turner gây ra bởi một nhiễm sắc thể X bị thiếu hoặc bất thường làm cho trẻ bị lùn và chậm dậy thì.
Dinh dưỡng là yếu tố chiếm đến 32% trong việc phát triển chiều cao, nhất là chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 3 năm đầu đời. Đây được xem là giai đoạn "kim cương" quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Để có sự tăng trưởng chiều cao liên tục, cơ thể trẻ cần được nhận đầy đủ năng lượng cần thiết hàng ngày, trẻ có tăng cân tốt thì mới tăng chiều cao được. Ngoài vấn đề năng lượng thì những vi chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến tăng trưởng chiều cao đó là vitamin A, vitamin D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt.
Đứng ở góc độ dinh dưỡng, nguyên tắc cơ bản là cho trẻ ăn uống đầy đủ, đa dạng thực phẩm tùy thuộc nhu cầu và theo dõi sự phát triển của trẻ. Như vậy, nếu muốn trẻ phát triển chiều cao tối đa, bổ sung mỗi sữa là chưa đủ.
Yếu tố vận động chiếm 20% đến việc phát triển chiều cao của trẻ. Thay vì để con chơi điện thoại, xem tivi, bố mẹ nên dành thời gian đưa con ra ngoài vận động, tham gia chơi các bộ môn như đạp xe, bơi lội, bóng rổ, bóng đá... vừa giúp trẻ hấp thụ ánh mặt trời, luyện tập cơ thể giúp tay chân linh hoạt, các đầu xương được kích thích và bồi đắp thêm, từ đó chiều cao cũng được cải thiện.
Trẻ muốn cao lớn còn phải được ngủ đủ giấc, nhất là giấc ngủ ban đêm. Hormon tăng trưởng do tuyến yên tiết ra cao nhất là vào ban đêm khoảng 11 – 12 giờ đêm khi mà trẻ đã ngủ say, cho trẻ em ngủ quá muộn, ngủ nhiều ban ngày thì lượng hormon tiết ra rất ít, trẻ thường chậm lớn, chậm phát triển chiều cao.
Vì vậy, vấn đề chăm sóc giấc ngủ cho trẻ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao.
Một số yếu tố khác cũng liên quan đến phát triển chiều cao là môi trường sống. Nếu sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ gặp phải nhiều bệnh tật, khiến trẻ mệt mỏi chán ăn, không bổ sung đủ dinh dưỡng, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Như vậy để trẻ có thể phát triển toàn diện, ngoài việc cho trẻ uống sữa, cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất khác cho trẻ. Trẻ cần được ngủ đủ giấc vào ban đêm, không để trẻ ngủ muộn sau 10h đêm. Tạo điều kiện cho trẻ được sống trong môi trường không ô nhiễm, tăng cường cho trẻ được vận động thể lực từ khi còn nhỏ.