Chính vì vậy, chúng có thể cười vui hay khóc òa sau khi nhìn thấy cảm xúc của người lớn thể hiện qua nét mặt, giọng nói.
Bạn có biết rằng trẻ sơ sinh có khả năng nhận biết cảm xúc của người khác từ rất sớm. Bé hiểu được sự thay đổi cảm xúc trên khuôn mặt cha mẹ mình. Điều đó giải thích tại sao khi bạn cười bé cũng cười, khi bạn giận dữ bé cũng lo lắng thậm chí khóc òa. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh có thể nhận biết được bố mẹ mình đang vui vẻ hay tức giận từ khi chúng mới chỉ 6 tháng tuổi.
Trong một thí nghiệm của Phòng nghiên cứu trẻ em ở Geneva (Thụy Sĩ), các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích trên những đứa trẻ 6 tháng tuổi. Các bé được đặt cho ngồi đối diện với một màn hình màu đen nơi mà chúng sẽ được nghe những giọng nói bình thường, vui vẻ hay tức giận trong vòng 20 giây. Sau đó, những đứa bé này sẽ được đặt cho nhìn những khuôn mặt thể hiện những cảm xúc trên trong vòng 10 giây. Một công nghệ theo dõi mắt được sử dụng để đo trường quan sát của trẻ dựa trên giả thuyết là việc nhìn lâu hơn vào một khuôn mặt cho thấy trẻ có thể phân biệt giữa các cảm xúc khác nhau như vui vẻ hay giận dữ.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra bức tranh mô tả kết quả của thí nghiệm. Với 2 bức tranh biểu lộ cảm xúc vui vẻ và tức giận, vòng tròn màu xanh thể hiện thời gian đứa trẻ nhìn chằm chằm vào các khuôn mặt biểu lộ cảm xúc trong khi đường thẳng màu xanh thể hiện tầm nhìn của chúng.
Nghiên cứu trên đã cho thấy rằng, những đứa trẻ dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào những khuôn mặt giận dữ sau khi chúng được nghe những âm thanh thể hiện sự vui vẻ. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy trẻ sơ sinh có thể phân biệt được những cảm xúc khác nhau trước cả khi chúng học nói. Tác giả nghiên cứu Amaya Palama, công tác tại trường đại học Geveva cho biết: "Dựa trên nghiên cứu này, chúng ta có thể kết luận rằng trẻ 6 tháng tuổi có khả năng nhận ra những biểu cảm của sự vui vẻ bất kể những đặc tính vật lý của thính giác và thị giác".
Những đứa trẻ không thích những khuôn mặt thể hiện cảm xúc tiêu cực sau khi chúng được nghe những giọng nói bình thường. Chúng đặc biệt nhìn lâu vào miệng người nói sau khi được nghe những giọng nói thể hiện sự vui vẻ. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh thích những khuôn mặt thể hiện sự vui vẻ hơn là những khuôn mặt tức giận đặc biệt là sau khi chúng nghe một giọng nói bình thường và một giọng nói biểu lộ sự giận dữ. Trẻ sơ sinh cũng biết thể hiện cảm xúc để truyền tải cho người chăm sóc biết nhu cầu của chúng. Chẳng hạn thông qua việc khóc, chúng muốn báo cho mẹ biết chúng cần được cho ăn hay thay tã.
Trong khi trẻ em có khả năng nhận biết cảm xúc từ rất sớm, người lớn lại không nhận ra vẻ dễ thương của chúng cho đến khi chúng được khoảng 6 tháng tuổi. Kết quả của một cuộc nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng này cho thấy người lớn chỉ thấy trẻ đáng yêu nhất khi chúng được khoảng 6 tháng tuổi. Dường như người lớn thấy rằng trẻ mới sinh có thể trông hơi xấu xí và những đặc điểm "dễ thương" của chúng như đôi mắt to tròn, má mũm mĩm hay giọng nói đáng yêu chỉ nhận ra khi chúng được khoảng 6 tháng tuổi.
Nghiên cứu này cho thấy bố mẹ không nên bỏ qua cảm xúc của trẻ sơ sinh hay cho rằng trẻ "không biết gì". Thực tế là mọi buồn vui, giận dữ của người chăm sóc được thể hiện qua nét mặt, giọng nói, trẻ đều cảm nhận và hiểu được hết. Và chính những xúc cảm đó cũng tác động trực tiếp đến cảm xúc của trẻ.