Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ như cái miệng giếng nhưng với đứa trẻ nó là cả một bầu trời. Tất cả mọi vấn đề của trẻ đều là sự thật, khủng hoảng tâm lý cũng là thật.
Có một câu nói thật sự gây ám ảnh: “Trẻ con không yêu cầu được sinh ra, vậy nên đừng mặc định chúng nợ ta cả đời. Có vô số đứa trẻ trong quá trình trưởng thành, linh hồn luôn muốn nhảy xuống những cây cầu. Chỉ là thân thể kiên trì ở lại, tê tê dại dại thành người lớn”.
Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ như cái miệng giếng nhưng với đứa trẻ nó là cả một bầu trời. Tất cả mọi vấn đề của trẻ đều là sự thật, khủng hoảng tâm lý cũng là thật.
Với trẻ em, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý thường nặng nề, nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến một khởi đầu “ảm đạm” cho cuộc đời của đứa trẻ đó. Vì đâu nên nỗi?
Vốn dĩ trẻ em phải được tận hưởng cuộc sống vô tư, vui vẻ. Nhưng khi một đứa trẻ bắt đầu cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt, suy nghĩ tiêu cực, điều đó có nghĩa trẻ đang sống những ngày không hạnh phúc.
Trẻ em ngày nay không giống ngày xưa. Thời xưa, trẻ con sống trong những con phố hay ngôi làng rộng thênh thang, bạn bè nô nghịch mồ hôi mướt mát, ánh sáng chan hòa, hàng cây xanh lá… Hai chữ “ngột ngạt” không được biết đến nhiều.
Ngày nay phố xá bê tông, những ngôi nhà cách nhau hàng rào và tường gạch, bọn trẻ cách nhau những cái màn hình, học thật nhiều, nô đùa ít hơn, dễ lạc hơn vào thế giới mạng, nơi các em có thể không phải nói, không giao tiếp hàng giờ liền.
Không được bố mẹ hiểu, không được lắng nghe. Ở thời đại này đó là điều rất khủng khiếp với bất cứ đứa trẻ nào.
Nhiều bậc cha mẹ sẽ nói, con trẻ thì gặp áp lực tâm lý gì, căng thẳng thực sự chỉ người lớn mới gặp phải. Trên thực tế, phụ huynh có áp lực của phụ huynh, con trẻ có áp lực của con trẻ.
Ví dụ, trẻ sẽ bị áp lực học tập, áp lực xã hội, bị đuổi học, bị bắt nạt, áp lực tranh giành quyền lợi vì bố mẹ sinh con thứ,... Đây đều là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý ở trẻ.
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của Internet, tất cả các loại thông tin đều có thể bị đẩy đến tầm mắt của trẻ, môi trường trẻ tiếp xúc cũng sẽ làm “chín” những suy nghĩ của trẻ, kể cả với suy nghĩ về cuộc sống.
Giống như một số đứa trẻ, chúng bỏ nhà đi khi còn nhỏ, hoặc chọn cách tự tử để giải thoát cho bản thân. Những thứ này thực sự bị ảnh hưởng bởi TV và Internet.
Cha mẹ cần phát hiện và cắt đứt những biểu hiện suy nghĩ xấu ở trẻ càng sớm càng tốt, kịp thời đưa ra những định hướng sống đúng đắn cho trẻ.
Có nhiều bậc cha mẹ luôn cấm kỵ con cái nói về chuyện sinh tử, khi nghe con nói “chán đời quá” là lập tức ngắt lời. Hoặc, đối mặt với một số cảm xúc trong cuộc sống của trẻ, cha mẹ sẽ cười nhạt cho rằng trẻ đã suy nghĩ quá nhiều. Cả hai thái độ này đều sai.
Là cha mẹ, chúng ta phải nhìn nhận những việc làm và hành động của con cái một cách nghiêm túc với những suy nghĩ này. Chúng ta có thể hỏi con tại sao con lại nghĩ như vậy, con gặp khó khăn gì gần đây và giúp con phân tích, giải quyết, tức là hãy kiên nhẫn, lắng nghe, bao dung các con khi còn có thể… Hãy để cái cây được lên từ chồi đá, đừng cố quá mà bứt gốc nó cao lên…Mọi vấn đề của trẻ đều là sự thật.
Trẻ em đôi khi bi quan và chán thế giới vì có quá nhiều điều tiêu cực xung quanh. Là cha mẹ, bạn phải bảo vệ trái tim của trẻ và kể cho trẻ nghe những câu chuyện về nghị lực tích cực hơn nữa, để trẻ hiểu rằng thế giới vẫn tốt đẹp và thiện lương sẽ chiến thắng cái ác.
Hoặc cha mẹ có thể thường xuyên mua một số cuốn sách về năng lượng tích cực cho trẻ, kiểm tra môi trường mạng mà trẻ tiếp xúc,…