Nhiều gia đình đã áp dụng cho trẻ ăn chay theo bố mẹ khi bố mẹ ăn chay trường vì nghĩ điều đó tốt cho trẻ. Chế độ dinh dưỡng này có phù hợp với trẻ hay không?
Ngày càng có nhiều phụ huynh ăn chay trường cho con ăn chay cùng mình với mục đích nâng cao >sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chế độ >dinh dưỡng này sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ nếu không ăn chay đúng cách.
Theo bác sĩ Georgia Casimir từ Bệnh viện Nhi Queen Fabiola, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu về Ăn chay của Viện Hàn lâm Y khoa Hoàng gia Bỉ, hiện có khoảng 3% trẻ em Bỉ duy trì thói quen ăn chay, tức là loại bỏ các sản phẩm từ trứng, sữa, thịt có nguồn gốc động vật. Chế độ ăn uống này về lâu dài sẽ tạo ra một sự thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng cho cơ thể, dẫn đến chậm phát triển.
Protein và axit béo là những chất cần thiết cho não bộ phát triển nhưng thường bị thiếu trong chế độ ăn chay. Không chỉ thế, ăn chay còn có thể khiến cơ thể thiếu các dưỡng chất thiết yếu khác như vitamin D, vitamin B12, canxi, các vi lượng và chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn ăn dặm tuyệt đối không nên ăn chay vì giai đoạn này trẻ phát triển nhanh, cần nhiều dưỡng chất. Não bộ trẻ em lúc này cần đầy đủ chất béo từ động vật, đặc biệt là Omega 3 để phát triển. Việc ăn thiếu chất đạm có nhiều trong thịt động vật còn có thể gây tình trạng biếng ăn.
Việc ăn chay từ quá sớm không chỉ khiến trẻ thiếu dinh dưỡng toàn diện mà cũng có thể khiến trẻ nạp năng lượng dư thừa. Khi ăn chay, trẻ em chủ yếu tiêu thụ các loại ngũ cốc tinh chế và các sản phẩm phái sinh, chẳng hạn như bánh ngô, mì ống, bánh mì và gạo, trong số những loại khác, cũng đóng góp nhiều calo từ tinh bột. Đây có thể là tiền đề khiến trẻ bị thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, chế độ ăn chay gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của trẻ. Về cơ bản, khả năng thể tích của dạ dày trẻ em là có hạn. Chế độ ăn chay nghiêm ngặt đòi hỏi một lượng lớn thực phẩm giàu năng lượng thấp để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vì vậy, khả năng trẻ bị rối loạn tiêu hóa là khá cao.
Trái ngược với quan điểm Viện Hàn Lâm Y khoa Hoàng gia Bỉ, đại diện Hiệp hội dinh dưỡng Anh cho biết: "Chế độ ăn chay thân thiện với thực vật tạo ra để hỗ trợ cuộc sống lành mạnh cho mọi đối tượng theo từng giai đoạn sống khác nhau". Tại Anh hiện có khoảng 600.000 người ăn chay, chiếm 1,2% dân số năm 2018.
Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ cũng cho rằng "ăn chay theo kế hoạch và chế độ phù hợp vẫn sẽ đủ dinh dưỡng và mang lại sức khỏe tốt, có khả năng phòng ngừa và điều trị một số bệnh tật".
Các nhà nghiên cứu cho rằng protein thực vật như đậu nành, các loại hạt thúc đẩy cơ chế điều chỉnh quá trình tổng hợp cholesterol và thụ thể LDL hay còn gọi là cholesterol xấu. Do đó, trẻ em ăn chay có xu hướng có giá trị cholesterol toàn phần trong máu thấp hơn, chúng cũng cải thiện cân nặng tốt hơn.
Một đánh giá về việc ăn chay ở trẻ em đã kết luận rằng ăn uống lành mạnh khi còn nhỏ có thể làm tăng tuổi thọ do ngăn ngừa được một số bệnh lý liên quan đến cholesterol. Ngoài ra, những người ăn chay có xu hướng áp dụng lối sống tốt như không hút thuốc, không uống đồ uống có cồn, tăng cường vận động và ăn uống điều độ sẽ giúp kéo dài tuổi thọ.
Những người ăn chay thường bổ sung nhiều chất xơ, việc này giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nó cũng giúp phòng ngừa và điều trị một số bệnh từ thời thơ ấu như bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh túi thừa, béo phì, loãng xương, viêm khớp dạng thấp và một số loại ung thư.
Các hiệp hội chuyên gia cũng đồng ý rằng chế độ ăn chay từ thời thơ ấu có thể làm giảm chỉ số khối cơ thể, tỷ lệ tử vong do bệnh tim và mức cholesterol.
Rau là nguồn cung cấp chính các hợp chất hoạt tính sinh học hoặc chất phytochemical có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như beta-carotene, anthocyanin, polyphenol, vitamin C và chất xơ. Vì vậy, khi trẻ em ăn chay thì khi trưởng thành chúng cũng tiêu thụ nhiều hơn các loại thực phẩm chức năng có tác dụng phòng bệnh.
Ngoài những lợi ích về sức khỏe, >luyện tập cho >trẻ ăn chay cũng giúp con yêu quý môi trường và thiên nhiên hơn. Nhiều người cho rằng, cho trẻ ăn chay từ nhỏ sẽ giúp con thiện lành hơn trong cách đối nhân xử thế. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân của một số nhà tâm lý học.
Chính vì vậy, để việc ăn chay đạt được những lợi ích tốt cho trẻ, phụ huynh cần biết kết hợp các thực phẩm một cách hợp lý. Bữa ăn chay đơn điệu chỉ cơm với rau thì nguy cơ thiếu chất rất lớn. Nếu trong điều kiện trẻ phải ăn chay cũng cần đảm bảo cho trẻ khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ các loại thực phẩm từ thực vật giàu dinh dưỡng.
Nên dùng nhiều trứng, sữa, các loại quả, thức ăn có hàm lượng vitamin C để cơ thể tăng khả năng hấp thụ các chất sắt, kẽm… Cùng với đó, bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc bổ cho trẻ nhưng nên tuân theo ý kiến bác sĩ.