Những chia sẻ kinh nghiệm thực tế rất hữu ích của thầy Trần Nhật Minh giúp phụ huynh có cái nhìn toàn cảnh để sớm có định hướng phù hợp cho con thi vào lớp 6.
Với những gia đình có con đang học năm cuối tiểu học, chuyện cho con thi trường nào hay ôn luyện vào lớp 6 ra sao luôn "rục rịch" ngay từ sớm. Trên thực tế, nếu có nguyện vọng cho con vào các trường điểm, trường chất lượng cao thì việc để "nước tới chân mới nhảy" rất dễ khiến con không theo kịp. Tuy nhiên, trong việc chuẩn bị cho con "vượt vũ môn" thành công, vẫn có nhiều lầm tưởng của phụ huynh khi chuyển cấp vào lớp 6.
Thầy giáo Trần Nhật Minh, sáng lập và chủ nhiệm CLB Toán bồi dưỡng - MathExpress đã chỉ ra 5 điều lầm tưởng hay gặp nhất. Những chia sẻ kinh nghiệm thực tế rất hữu ích của thầy Trần Nhật Minh giúp phụ huynh có cái nhìn toàn cảnh để sớm có định hướng phù hợp cho con.
1. Cấp 2 có trường chuyên
Điều này hoàn toàn không đúng. Ở cấp THCS không hề có trường chuyên hay các lớp chuyên. Việc sử dụng từ "chuyên" cho trường hay cho lớp chẳng qua chỉ là 1 sự quen miệng mà thôi. Chính xác thì ở cấp 2 có các trường thuộc hệ Chất lượng cao, có thể kể đến như CLC Cầu Giấy, CLC Thanh Xuân, CLC Nam Từ Liêm.
2. Chuyên Ngoại ngữ và THCS Ngoại ngữ
Có lẽ mọi người nhập nhèm nhất về tên gọi 2 trường này. Chuyên Ngoại ngữ là trường chuyên cấp 3, trực thuộc ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc Gia HN, còn THCS Ngoại ngữ là thuộc khối cấp 2. Do vậy khi thi vào lớp 6 mà nói Chuyên Ngoại ngữ, chuyên Ngữ hay kể cả là CNN2 là không chính xác. Những thành tích, thương hiệu mà chúng ta nghe nói đến về Chuyên Ngoại ngữ cho đến giờ hoàn toàn là của khối cấp 3, còn THCS Ngoại ngữ mới thành lập 3 năm, hiện còn chưa hết 1 khóa nên chưa có đầu ra.
Điều này cũng xảy ra tương tự với Ams 3 và Ams 2.
3. Cứ học nhiều thầy cô "có tiếng" là sẽ thi đỗ
Việc ôn thi cần lựa chọn địa chỉ uy tín là đúng rồi, nhưng điều đó không có nghĩa là có bao nhiêu chỗ uy tín là bố mẹ cho con đi học bằng đủ, bằng hết. Giáo viên giỏi không đồng nghĩa với 100% tấm vé thi đỗ chuyển cấp mà đúng hơn là 1 phương tiện giúp các con có thể đi đúng, đi nhanh; còn đi có đến đích hay không còn tùy vào cả yếu tố học sinh, gia đình. Và mỗi học sinh cũng chỉ cần lựa chọn 1, hay cùng lắm là 2 thầy cô giỏi để theo (tốt nhất là chỉ cần 1 là đủ), vì nếu học quá nhiều chỗ cùng lúc thì dễ dẫn đến quá tải, chỉ có số lượng mà không đạt chất lượng, hay nay học chỗ này, mai học chỗ kia, nhảy như châu chấu đủ các nơi thì kiến thức sẽ trở nên không có hệ thống và bị đứt gãy liên tục.
4. Chỉ cần ôn, luyện đề "cấp tốc" trước vài tháng vẫn thi tốt
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần dành ra 2-3 tháng "cày" dạng đề của 1 trường nào đó là vào phòng thi làm vô tư. Đây là quan niệm sai lầm hết sức vì để làm tốt được 1 đề thi là sự kết hợp của kiến thức, kỹ năng được rèn luyện trong cả 1 quá trình chứ không phải kiểu chỉ đi học cuốn chiếu, cấp tốc vậy là đủ. Có thể là có những chia sẻ kiểu "con tôi không học gì nhiều vẫn thi đỗ", hay "con tôi chỉ đi học mấy tháng cuối vẫn thi đỗ" thì thầy Minh nói luôn là những chia sẻ như vậy hoặc là "chém gió", phi thực tế; hoặc là có nhưng chỉ là số rất ít và không mang tính chất kinh nghiệm đại chúng.
5. Con học tốt môn nào thì đầu tư học thật nhiều môn đó để gỡ cho các môn kia
Thầy Trần Nhật Minh
"Việc có những phụ huynh cho con đi học 1 môn tới 5 buổi/tuần là hoàn toàn thừa thãi và bất hợp lý. Tốt nhất vẫn là học đều và vừa đủ, còn việc học lệch hay không có kế hoạch hợp lý thì sẽ mang lại những hệ quả xấu, không chỉ là ở kỳ thi chuyển cấp mà còn là cả quá trình về sau".
Việc có những phụ huynh cho con đi học 1 môn tới 5 buổi/tuần là hoàn toàn thừa thãi và bất hợp lý. Tốt nhất vẫn là học đều và vừa đủ, còn việc học lệch hay không có kế hoạch hợp lý thì sẽ mang lại những hệ quả xấu, không chỉ là ở kỳ thi chuyển cấp mà còn là cả quá trình về sau.
Đây là suy nghĩ khá phổ biến với những phụ huynh nghĩ rằng "con chỉ học tốt môn A, còn môn B, C thì kém" nên dồn sức cho con gần như chỉ học 1 môn, với hy vọng rằng môn đó sẽ là môn gỡ điểm. Thực tế thì đúng là trong các môn thi, luôn có 1 môn được cho là thế mạnh, nhưng nếu nói về gỡ điểm thì gỡ ở 1 mức độ nào đó thôi, kiểu như 9 gỡ cho 7, chứ bảo 9 gỡ cho 3, 4 thì khó.
Thêm nữa với cách ra đề và điểm chuẩn như những năm gần đây thì có thể thấy việc học đều là rất quan trọng, với mức điểm trung bình ở ngưỡng 7,5 đến xấp xỉ 8 thì hầu như không có môn nào gánh được môn nào cả. Vì vậy, việc có những phụ huynh cho con đi học 1 môn tới 5 buổi/tuần là hoàn toàn thừa thãi và bất hợp lý. Tốt nhất vẫn là học đều và vừa đủ, còn việc học lệch hay không có kế hoạch hợp lý thì sẽ mang lại những hệ quả xấu, không chỉ là ở kỳ thi chuyển cấp mà còn là cả quá trình về sau.