Gia đình hạnh phúc, con cái hòa thuận luôn là điều mà ai cũng hằng mong muốn. Tuy nhiên trong cuộc sống, đôi khi vẫn có những cãi vã bởi những vấn đề nội bộ phát sinh và sự mâu thuẫn giữa các anh chị em trong gia đình là một vấn đề khá phổ biến. Vậy phụ huynh cần làm gì để giải quyết những vấn đề nan giải này?

Thanh Nguyệt 10:09 24/02/2022

Đừng phớt lờ con trẻ

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nếu như một đứa trẻ liên tục cảm thấy cha mẹ phớt lờ những phàn nàn về việc anh, chị em của nó hay quấy phá đồ đạc của mình, trẻ có khuynh hướng bỏ cuộc hay chán nản, hoặc sẽ tự mình giải quyết và làm gia tăng sự căng thẳng. Các rắc rối cần được giải quyết để chúng không liên tục trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn. Nhưng mối bận tâm lớn nhất là khi vấn đề không được nhận diện, khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, rằng mình không quan trọng, không có tiếng nói. Để giải quyết tình trạng đối nghịch này, cha mẹ phải biết lắng nghe con trẻ, không nên lờ đi thực trạng mà cần có hành động quyết đoán.

Thỏa hiệp

Thỏa hiệp không có nghĩa là nhượng bộ. Thỏa hiệp là sự cho phép con làm điều con muốn trong khuôn khổ cho phép, trong giới hạn đặt ra và hoàn toàn phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhau. Không ai có quyền xâm phạm đến sự riêng tư của ai. Trên một phương diện, trẻ em là một cá thể độc lập, có suy nghĩ có lập trường riêng và chúng cũng muốn được thể hiện quyền tự do đó. Vậy hãy cho trẻ thoái mái lựa chọn dưới sự kiểm soát. Cha mẹ đừng nên tạo áp lực và bắt trẻ phải nghe theo bởi có những quyết định mà trẻ hoàn toàn nhận thức đúng.

Hãy suy nghĩ thực tế

Chút tranh cãi đều là một phần trong cuộc sống gia đình. Đó cũng là một điều không thể thiếu trong quá trình phát triển mối quan hệ ruột thịt. Các con có thể cãi nhau rất nhiều, nhưng cuối cùng vẫn sẽ là những người bạn tốt nhất của nhau. Vì vậy, đừng nổi cáu với chúng mà hãy từ từ tìm chìa khóa để giải quyết những xung đột đó. Hãy vừa là cha mẹ, vừa là bạn bè của con cái.

Quan tâm các con như nhau

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trẻ thường đánh cãi nhau vì muốn được bố mẹ chú ý. Một nguyên nhân nữa là chúng cảm thấy ghen tỵ vì bố mẹ quan tâm các con không giống nhau. Chính vì thế các bậc phụ huynh nên thể hiện tình cảm với các con như nhau, không phân biệt, không thiên vị để chúng cảm nhận được mình được yêu thương giống nhau.

Tạo một môi trường sống hòa thuận

Cả bố và mẹ phải chung sức xây dựng một gia đình có không khí thuận hòa giữa các anh chị em. Trước hết, cha mẹ phải trở thành tấm gương mẫu mực, đối xử hòa thuận với nhau. Bởi vì, trẻ sẽ học cách chung sống hòa thuận từ cha mẹ chúng đầu tiên. Đừng mong chờ trẻ hành xử tốt nếu người lớn không làm gương cho chúng. Cần tránh không cho trẻ chơi những trò chơi hoặc những hoạt động kích thích đánh nhau. Môi trường hòa thuận là cái nôi rất tốt để hình thành nhân cách của trẻ.

Theo Thảo Nguyên (T/H)/Nhịp sống miền Tây