Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết hệ tiêu hóa được xem như bộ não thứ hai của trẻ. Hệ tiêu hóa hoạt động tốt trẻ mới khỏe mạnh lớn lên. Để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cha mẹ cần hiểu và chăm sóc đúng cách.
Hệ tiêu hóa được xem như “bộ não thứ hai” của trẻ. Hệ tiêu hóa làm việc tốt trẻ mới lớn lên khỏe mạnh. Trên thực tế, hệ tiêu hóa ở con người là một bộ phận duy nhất có “não bộ” riêng biệt. Đó chính là hệ thống thần kinh ruột (ENS) gồm khoảng 300 triệu tế bào thần kinh tạo thành mạng lưới chằng chịt bám thành ruột, giữ chức vụ quan trọng và gần như độc lập với hệ thần kinh trung ương.
Theo báo cáo của GS. Valentina S. - Viện Quốc Gia Nghiên cứu Y Sinh MRC thủ đô London (Vương Quốc Anh) các kết nối tế bào thần kinh quan trọng này sẽ giúp hệ tiêu hóa của chúng ta đáp ứng với stress (áp lực do ăn uống, áp lực công việc, áp lực đi học…), đáp ứng với hiệu lệnh trong tiêu hóa (nhu động thức ăn qua các bộ phận để tiêu hóa và hấp thụ thức ăn), đáp ứng miễn dịch (chi phối và giải phóng các tế bào miễn dịch khi có kẻ lạ xâm nhập) và đáp ứng đối nội với lợi khuẩn của hệ vi sinh đường ruột.
Hoạt động của ENS như một bộ cảm biến nên rất nhạy cảm với những tác nhân bên trong và bên ngoài. Trong trường hợp bình thường, khi trẻ ăn no thì ENS sẽ nhận biết và cho nhu động đẩy thức ăn, giúp cơ thể hấp thu chất đạm, chất béo và những chất >dinh dưỡng khác. Kết quả là trẻ đi ngoài đều đặn và phân tốt.
Tuy nhiên, khi xuất hiện áp lực từ bên ngoài (mẹ ép trẻ ăn, tạo không khí căng thẳng trong bữa ăn) thì ENS sẽ nhận biết tình trạng rối loạn. ENS sẽ cho thức ăn đi sai theo nhiều cách như: Đi ngược lại đường miệng (nôn ói), đi thật nhanh xuống hậu môn mà không kịp hấp thụ chất dinh dưỡng (trẻ chậm tăng trưởng hoặc thường xuyên đi phân sống), hoặc không đẩy khí gas làm trẻ không thèm ăn.
Do đó, nếu trẻ bị stress do áp lực nào đó hoặc mệt mỏi thì trẻ sẽ có xu hướng biếng ăn, chậm tăng trưởng, đi ngoài thất thường, táo bón hoặc có phân sống.
Khi có “kẻ lạ xâm nhập” vào đường ruột (vi khuẩn do thức ăn không vệ sinh hoặc tác nhân dị ứng…) ENS sẽ làm nhiệm vụ huy động tế bào miễn dịch và các đối tác chiến lược trong đối nội là hệ vi sinh đường ruột để làm nhiệm vụ tiêu diệt, bảo vệ cơ thể. Quá trình tự vệ này diễn ra vài ngày, nhưng quá trình khôi phục có thể kéo dài lâu hơn từ vài tuần đến vài tháng. Phân của trẻ lúc này có thể nhầy nhụa nhiều màu và có mùi hôi. Một số triệu chứng khác đi kèm như sốt, mệt mỏi, đau bụng và tiêu chảy.
Trẻ em dưới 12 tuổi, các cơ quan tiêu hóa quan trọng như dạ dày, ruột non, ruột già vẫn chưa phát triển đầy đủ. Giai đoạn này trẻ rất nhạy cảm với các loại thức ăn, cách chế biến và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó, cha mẹ nên hiểu cách vận hành hệ tiêu hóa non nớt ở trẻ và làm thế nào để phối hợp với ENS trong quá trình tiêu hóa.
- Khả năng tiết nước bọt chưa đầy đủ
Hệ thống tiết nước bọt chưa tốt có thể làm trẻ ít thèm ăn. Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ cần:
Thay đổi cấu trúc thức ăn theo đúng độ tuổi ăn dặm: Trước 7 tháng tuổi, cấu trúc thức ăn nên thuộc dạng loãng mịn, nhưng sau đó nên tăng dần độ thô. Sau 1 tuổi trẻ cần được giới thiệu cơm nát và thức ăn các dạng tròn, dạng que, dạng hình khối... Phương pháp này sẽ hỗ trợ hoạt động nhai và tiết nước bọt ở trẻ.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên, mẹ nên đa dạng cấu trúc thức ăn trong bữa ăn. Ví dụ: Mẹ cho bé nhiều lựa chọn thức ăn gồm 1 chén cơm, 1 chén thịt/cá, 1 chén súp. Đồng thời, mẹ hãy dạy trẻ cách ăn và thưởng thức theo ý thích của trẻ.
Trẻ sau 1 tuổi mẹ có thể nêm một số gia vị như muối, nước mắm theo lượng thích hợp. Ngoài ra có thể giới thiệu rau thơm, hành tỏi từ tháng thứ 10. Việc thêm gừng, ớt, tiêu và một số rau mùi để nêm canh trong các bữa ăn của bé từ 2 tuổi trở đi có thể giúp tăng tiết nước bọt khi nhai và sự thèm ăn.
- Hệ thống tiết men (enzyme) tiêu hóa chưa hoàn chỉnh
Chất đạm đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với cơ thể trẻ. Đặc biệt là nhóm đạm từ động vật và sữa. Đây là nguồn cung cấp của 9 axit amin thiết yếu. Tuy nhiên, một số nhóm men tiêu hóa chất đạm ở trẻ (nhóm chemotrypsins và carboxypeptidase) chưa hoạt động đầy đủ.
Do đó, việc giới thiệu chất đạm cho trẻ nên đa dạng và theo thứ tự để hạn chế tác nhân dị ứng. Nhóm chất đạm động vật (thịt heo, thịt bò...) sẽ cung cấp thêm phần lớn sắt nguyên tố. Tuy nhiên, nhóm tôm, cua chứa một số protein có khả năng gây dị ứng, vì thế mẹ chỉ nên cho trẻ dùng phần thịt trắng của tôm cua.
Nhóm chất đạm sữa gồm đạm whey và đạm casein. Đạm whey là đạm hòa tan nên dễ tiêu hóa hơn đạm casein. Điều này giải thích vì sao các bé bú sữa mẹ sẽ tiêu hóa tốt hơn vì sữa mẹ được xem là nguồn đạm chất lượng với thành phần whey chiếm đến 70% và casein là 30%.
Mức độ hoạt động của các enzyme tiêu hóa ở trẻ phụ thuộc vào thời gian ăn trong ngày có đều đặn hay không. Do đó, cha mẹ nên nhận biết dấu hiệu trẻ đói và lên lịch bữa ăn cố định. Tránh cho trẻ dùng bữa thất thường. Những lúc phải di chuyển xa, cha mẹ nên mang theo những thức ăn nhẹ để giúp cơ chế tiết men (enzyme) của bé được ổn định. Cần tránh nước ép trái cây trong bữa ăn và ăn trái cây tươi trong bữa tráng miệng.
Củng cố phát triển hệ vi sinh đường ruột - ban đối nội quan trọng
Hệ khuẩn chí đường ruột – những vi khuẩn có lợi sinh sống trong đường ruột của trẻ là bạn đối nội quan trọng khi cần, chúng sẽ hỗ trợ ức chế và tiêu diệt những vi khuẩn xâm nhập bất hợp pháp vào nhà của chúng, tức là đường ruột của trẻ.
Một số chủng vi sinh tốt trong nhà chúng ta là nhóm chủng Bifidobacteria (Bifidus) và Lactobacilus. Các bé bú sữa mẹ sẽ nhận lượng vi khuẩn có lợi tuyệt vời này. Bên cạnh đó, trong một báo cáo đánh giá hệ thống từ Hiệp hội Tiêu hoá - Gan Mật - Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu về probiotics có một số bằng chứng về hiệu quả và tính an toàn của probiotics được bổ sung trong sữa công thức dành cho các trẻ không được bú mẹ. Do đó, những sản phẩm dinh dưỡng cung cấp Probiotics Bifidus BL sẽ giúp trẻ củng cố hệ vi sinh đường ruột rất hiệu quả.
Tránh áp lực lên bữa ăn của trẻ sẽ khiến ENS hoạt động tốt. Cần hạn chế cho trẻ ăn trước màn hình TV hoặc Ipad vì có thể làm trẻ bị sao nhãng lúc ăn.
Luôn tìm cách tâm sự và trò chuyện với trẻ khi trẻ cảm thấy stress. Ví dụ: Khi trẻ đau bụng vào mỗi buổi sáng có thể là một biểu hiện của ENS trong việc đáp ứng stress. Trên cơ sở đó, mẹ hãy tìm nguyên nhân gây ra cơn stress của con. Có thể xuất phát từ áp lực học tập, thi cử hay tranh cãi bạn bè... để giúp con giải tỏa. Cơn đau bụng của con sẽ biến mất.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)