Dù thành tích học tập hay ngoại khoá không quá xuất sắc, song Phương Uyên vẫn giành được học bổng du học Mỹ nhờ loạt bí quyết hay ho.
Nhắc đến hội du học sinh săn học bổng, chúng ta thường nghĩ đến các “siêu nhân" sở hữu list thành tích học tập lẫn hoạt động ngoại khóa ấn tượng, chẳng hạn có điểm số luôn dẫn đầu lớp, là chủ tịch CLB hay phải sáng lập tổ chức nào đó… Song ngày nay, quan điểm này đang dần thay đổi khi vẫn có không ít bạn học sinh giật được học bổng du học dù hồ sơ không quá xuất sắc. Tất nhiên, họ cũng phải có những bí quyết riêng để lọt vào “mắt xanh" hội đồng tuyển sinh.
Điển hình như trường hợp của cô nàng Trần Phương Uyên (SN 2004) chính là một trong số đó. Nữ sinh đã nhận được học bổng 80% khi theo học ngành Mathematical Economics (Toán Kinh tế) của trường đại học Gettysburg (Mỹ).
Phương Uyên đang du học Mỹ ngành Toán Kinh tế
Khác với những “thợ săn học bổng” khác, hồ sơ của Phương Uyên không quá nổi trội. Cô nàng chưa từng nhận giải thưởng quốc gia hay quốc tế, điểm GPA là 9.2/10 và 7.0 IELTS. Hoạt động ngoại khóa của 10x cũng chỉ xoay quanh việc tham gia hướng đạo sinh trong 5 năm, trợ giảng piano và tiếng Anh của trung tâm năng khiếu…
Tuy nhiên, hành trình du học Mỹ của Phương Uyên vẫn có rất nhiều điều “đặc biệt” đáng để theo dõi!
Thời cấp 3, Phương Uyên theo học lớp chuyên Sinh của trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Có bố là giảng viên ngành Computer Science (Khoa học Máy tính), cô nàng cũng được định hướng theo học chuyên ngành này. Nữ sinh thấy bản thân hợp với tính toán nhưng không thích kiến thức quá khô khan, đồng thời không hứng thú viết code nên đã quyết định theo đuổi ngành Mathematical Economics (Toán kinh tế).
Trước khi du học Mỹ, Phương Uyên đã đỗ ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM và theo học một kỳ ở 1 ngành liên quan đến Công nghệ thông tin. Tuy nhiên sau đó, nữ sinh thấy bản thân không phù hợp với công việc này.
“Lịch học ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cũng khá căng khi học 5-6 ngày/tuần, học 2 buổi/ngày nên mình bị đuối sức. Cứ về đến nhà là mình mệt lả đi chứ không thể học thêm hay ôn bài. Mình quyết định du học Mỹ từ lúc đó”, Uyên tâm sự.
Uyên từng học 1 kì ở trường đại học tại Việt Nam trước khi quyết định du học
Sau khi đã quyết tâm du học, cô nàng dành ra 3 tháng để chuẩn bị hồ sơ và apply. Nếu không phải lúc bấy giờ thời gian săn học bổng khá gấp rút thì nữ sinh hoàn toàn có cơ hội săn được học bổng có mức tài trợ tốt hơn.
Phương Uyên cho biết các bạn học sinh hoàn toàn có thể tự apply học bổng, bởi thông tin trên mạng đã có đầy đủ cách thức đăng ký. Tuy nhiên nếu muốn nhận được mức tài trợ cao, học sinh cần tìm người review bài luận cho mình.
“Khi tìm trường, bạn nên sắp xếp để hoạt động ngoại khóa và thư giới thiệu phù hợp với những gì trường đang tìm kiếm. Bạn cần tìm hiểu trước về tính chất các trường. Ví dụ như trường thuộc dạng năng động thì các bạn có nhiều hoạt động ngoại khóa sẽ được ưu tiên hơn. Còn trường thiên về thành tích học thuật thì sẽ chọn học sinh có GPA cao, chứng chỉ và bằng cấp”, Uyên chia sẻ.
Về hồ sơ của mình, Uyên tự nhận thấy hoạt động ngoại khóa và điểm số đều không quá nổi trội. Song điều gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh là sự chân thật và tính phù hợp với ngành nghề trong bài luận của Uyên.
Nữ sinh chia sẻ riêng kinh nghiệm viết bài luận: “Ngay câu đầu tiên cần phải lôi cuốn người đọc, nội dung trọng tâm và độc đáo để hội đồng tuyển sinh thấy rằng họ chưa từng đọc bài luận nào tương tự thế này. Ngoài ra, mình cũng thể hiện được lợi thế với ngành học, chia sẻ những đam mê và cách để mình có thể học giỏi cũng như trở nên thành công”.
Uyên tập trung cho bài luận để gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh
Uyên chọn chủ đề của bài luận là hành trình từ một học sinh có tính cách trẻ con, sau khi tham gia hướng đạo sinh thì đã học được nhiều kỹ năng sống, dần trở nên tự lập và trưởng thành hơn.
Ngoài ra, nữ sinh cũng thể hiện được mối quan hệ với> gia đình đã cải thiện như thế nào. “Hồi đó, mình luôn cảm thấy sống trong gia đình không được hạnh phúc do mối quan hệ với bố không tốt. Bố yêu thương con nhưng tính cách khá khô khan, mình khó tìm được điểm chung và tiếng nói trong gia đình.
Mình viết trong bài luận rằng sau khi tham gia hoạt động ngoại khoá, mình đã dần trưởng thành và thấu hiểu cho nỗi lòng bố mẹ hơn. Mình nhận ra bố mẹ vẫn luôn yêu thương con cái, chỉ là cách thức thể hiện không như mình mong muốn”, Uyên kể lại.
Nhiều bạn du học sinh vừa đặt chân đến Mỹ không thể tránh khỏi cảnh “vỡ mộng” và Phương Uyên cũng là một trong số đó. Nữ sinh từng gặp tình cảnh bạn cùng phòng sống bừa bộn nên đành phải chuyển đi chỉ sau vài tháng ở chung.
Đặc biệt, Uyên cũng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp: “Khi ở Việt Nam, mình nói tiếng Anh khá tốt, thậm chí còn đi dạy. Song sang bên này lại như ‘gà mổ thóc’, không nói chuyện được tự nhiên. Dù bạn bè đã cố gắng nói chậm nhưng mình vẫn không bắt kịp được câu chuyện, chỉ đành ngồi im một chỗ”.
Bù lại, việc học tập với Uyên lại trở nên dễ dàng hơn. Nữ sinh nhận xét giáo trình ở Mỹ và Việt Nam tương đối giống nhau, nhưng khác về phương pháp truyền tải. Ở Mỹ, các giảng viên thường dạy ngắn và đi thẳng vào vấn đề hơn.
Uyên thấy giáo trình ở các trường đại học Mỹ và Việt Nam khá giống nhau, chỉ khác cách thức giảng dạy
Các lớp học duy trì ở mức 20-30 sinh viên nên giảng viên thường nhớ mặt và biết rõ vấn đề của từng bạn. Ngoài ra, sinh viên cũng nhận được sự quan tâm nhiệt tình của thầy cô. Một tháng, nữ sinh sẽ có thời gian gặp trực tiếp giảng viên để được họ giảng bài. Thầy cô cũng sẵn sàng kèm 1-1 với những bạn có học lực còn yếu kém.
“Việc giảng dạy ở trường Mỹ nhẹ nhàng nên mình có nhiều thời gian xem lại bài, đọc thêm tài liệu. Các thầy cô cũng thường phản hồi khá nhanh bài vở của sinh viên. Mình từng email lúc 2-3h sáng nhưng vẫn được trả lời luôn. Đặc biệt, trường khá quan tâm đến vấn đề mental health (>sức khỏe tâm lý) khi mỗi tháng sinh viên đều có một tuần để nghỉ ngơi, xả stress và tham gia thêm hoạt động ngoại khoá”, Uyên chia sẻ.
Bên cạnh chuyện học tập, Uyên còn dành thời gian đi làm thêm để giảm bớt áp lực tài chính cho bố mẹ. Cô nàng dự định trong thời gian tới sẽ cố gắng đạt điểm cao, đồng thời tìm kiếm công việc thực tập sinh để có thể trả được một phần học phí đại học.