"Khoảng trống" trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ thành niên đã dẫn tới hậu quả đáng tiếc, trẻ phải tìm tới cái chết để giải quyết khủng hoảng tâm lý, theo chuyên gia.

Thanh Nguyệt 06:00 10/04/2022

Thời điểm trẻ tự tử chỉ là "giọt nước tràn ly"

Tiến sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết ngay trong ngày hôm qua, bác sĩ đã nhận được cuộc gọi của khoa cấp cứu mời hội chẩn bệnh nhân vị thành niên tự tử. Mỗi lần nhận được những cuộc điện thoại như vậy tiến sĩ Loan cảm thấy rất trăn trở. "Khoảng trống" trong việc chăm sóc >sức khỏe tâm thần cho trẻ thành niên đã dẫn tới hậu quả đáng tiếc, trẻ phải tìm tới cái chết để giải quyết khủng hoảng tâm lý, theo chuyên gia.

Theo tiến sĩ Loan, trong khoảng 2 tuần nay, Bệnh viện nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trường hợp tới cấp cứu tự tử với nhiều lý do khác nhau. Cả 3 trường hợp này đều là trẻ vị thành niên tuổi từ 12-16 tuổi.

Bệnh nhân tìm tới cái chết với lý do khác nhau như bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai; bị bố mẹ thu điện thoại, ức chế tâm lý nên đã tự tự... Hay như trường hợp bị bố mẹ mắng, bệnh nhi cảm thấy không còn sự yêu thương nên đã uống thuốc paracetamol để tự tử.


TS Loan đang tư vấn khám cho bệnh nhân, ảnh Ngọc Minh.

"Khi phân tích những trường hợp bệnh nhân này, chúng tôi đều thấy có đặc điểm chung: Bệnh nhân đã có những sự ức chế, khủng hoảng về tâm lý một giai đoạn kéo dài. Đối với 3 trường hợp tôi chia sẻ trên thì có 2 cháu trong gia đình bố mẹ ly thân. Do gia đình có sự chia ly nên tâm lý của trẻ tuổi vị thành niên cũng bị ảnh hưởng.

Trong một năm qua chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 10 trường hợp trẻ tự tử tới cấp cứu thì đều có đặc điểm những sự kiện xảy ra tại thời điểm tự tử chỉ là "giọt nước tràn ly". Còn trẻ đã có những bất ổn tâm lý từ trước đó kéo dài mà không được bố mẹ phát hiện can thiệp kịp thời", tiến sĩ Loan chia sẻ.

Có quan điểm cho rằng giới trẻ hiện nay "yếu đuối" nên dễ dàng tìm đến cái chết. Về vấn đề này, TS Loan khẳng định trẻ không yếu đuối mà do có quá nhiều yếu tố bên ngoài như môi trường, xã hội, mạng internet tác động đến trẻ. Để đi đến quyết định tự tử trẻ thường có những bất ổn tâm lý trước đó.

Sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức

Theo tiến sĩ Loan, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần hiện nay chưa được bố mẹ quan tâm đúng mức, đầy đủ. Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa "sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật".

Như vậy, chăm sóc sức khỏe tinh thần là phần không thể thiếu để đảm bảo con người có một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc chú ý tới chăm sóc sức khỏe tinh thần chưa được cộng đồng và các bậc cha mẹ quan tâm đúng mực. Có thể thấy khi trẻ bị sốt, ho, bị bệnh lý thực thể, bố mẹ có thể lập tức đưa con đi khám ngay. Nhưng khi trẻ có bất ổn tâm lý như buồn bã, lo âu, chán nản… thì phụ huynh thường chậm trễ đưa con đi khám.

Thực tế trong quá trình thăm khám, tiến sĩ Loan đã gặp những trường hợp trẻ có những bất ổn về tâm lý một vài năm mới được cha mẹ đưa đến khám. Thậm chí cha mẹ đưa trẻ đi khám khi trẻ đã có hành vi tự sát.

Tiến sĩ Loan cho biết giai đoạn vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, giai đoạn trẻ đang hình thành nhân cách, có những thay đổi về tâm lý, sinh lý. Trong quá trình phát triển như vậy, trẻ có thể gặp các vấn đề như vấn đề về tâm lý, tâm thần, sức khỏe sinh sản, dậy thì...

Theo đánh giá của WHO, tự tử là 1 trong 4 nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết ở trẻ vị thành niên. Tại Việt Nam cũng có một số nghiên cứu có khoảng 6,3% trẻ có những suy nghĩ về cái chết và khoảng 4,6% đã lên kế hoạch để tự tử, 5,8% đã có hành vi tự tử.

Khoa sức khỏe Vị thành niên đã có một khảo sát năm 2020-2021 trên 1.111 học sinh trung học cơ sở ở các trường tại Hà Nội. Theo đó, tỷ lệ trẻ gặp vấn đề rối loạn trầm cảm chiếm tới 26,1%, stress 33%, rối loạn lo âu 38%.

Yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ dễ rối loạn tâm lý?

Theo tiến sĩ Loan, Khoa Sức khỏe Vị thành niên đã tiếp nhận trẻ vị thành niên tới khám với nhiều vấn đề như: rối loạn cảm xúc: trầm cảm, lo âu, tự gây tổn thương cho bản thân, tự tử; rối loạn hành vi: chống đối, bỏ nhà ra đi, trộm cắp; rối loạn tâm lý do stress vì áp lực học tập, bất đồng quan điểm với cha mẹ, mâu thuẫn với bạn bè, bị bạn bắt nạt…; tình trạng nghiện game, nghiện chất.

 

Tiến sĩ Loan cho biết có một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị rối loạn tâm lý khi bị stress hơn so với các bạn khác như:

1. Từ bản thân các trẻ:

Thứ nhất, là nhóm trẻ có tính bốc đồng, khó kiểm soát được cảm xúc của mình, cảm xúc không ổn định;

Thứ 2, nhóm trẻ thiếu các kỹ năng sống;

Thứ 3, nhóm trẻ có các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: bị bạo hành về thân thể, tinh thần và tình dục.

Thứ 4, nhóm trẻ mắc bệnh mãn tính (bệnh thận, bệnh lý về máu, bệnh tim mạch…);

Thứ 5, nhóm trẻ LGBT

2. Từ phía gia đình:

Trong gia đình có bố mẹ trầm cảm thì con sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn, hoặc gia đình bố mẹ có những vấn đề chia ly, cuộc sống không hay phúc…

Tiến sĩ Loan khuyến cáo cộng đồng, cha mẹ hãy lưu tâm hơn tới vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ đặc biệt khi trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Nếu chăm sóc tốt ở giai đoạn này thì khi trưởng thành trẻ sẽ có một sức khỏe toàn diện, khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần. Ngược lại nếu như không có sự quan tâm đúng mức, trẻ sẽ phát triển lệch lạc, chịu ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời.

Một điều nữa tiến sĩ Loan cũng lưu tâm tới bố mẹ là hãy chăm sóc, hỗ trợ con phù hợp với lứa tuổi vì mỗi lứa tuổi có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau. Đặc biệt đối với lứa tuổi vị thành niên, hãy chăm sóc và hỗ trợ trẻ theo nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe, cùng thảo luận và chia sẻ các vấn đề có liên quan tới trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần có kiến thức để nhận diện sớm những dấu hiệu bất ổn từ trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo Ngọc Minh/Tổ quốc