Nhai mớm cơm cho con là thói quen của khá nhiều bậc ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng đây là hành động có nguy cơ lây nhiễm hàng loạt bệnh nguy hiểm từ người lớn.

08:27 23/10/2023

Trẻ nhỏ mới bước vào giai đoạn tập ăn, chức năng nhai chưa hoàn thiện nên các bà mẹ thường nhai cơm cho nát rồi mớm cho trẻ. Khi nhai cơm, một loại men có trong nước bọt của người lớn có tác dụng làm cho cơm có vị ngọt, trẻ ăn cơm nhai chỉ việc nuốt nên có rất nhiều bé thích được ăn cơm nhai.

Tuy nhiên, bác sĩ Lê Thị Trúc Phương - Bác sĩ tiêm chủng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho rằng các mẹ không nên nhai cơm mớm cho trẻ, bởi trẻ sẽ có nguy cơ lây nhiễm hàng trăm bệnh khác nhau.

“Hành động nhai mớm cơm cho trẻ, các phụ huynh cần hạn chế vì thói quen này không đảm bảo vệ sinh, không tốt cho >sức khỏe của trẻ. Khi trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai, có thể bị lây nhiễm một số bệnh qua con đường ăn uống, đường hô hấp. Trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên khi có cơ hội xâm nhập, vi khuẩn, vi rút sẽ lây lan và trẻ phát bệnh rất nhanh”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ không phải cứ người lớn nào có biểu hiện hoặc được chẩn đoán mắc bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa mới truyền bệnh cho trẻ. Trên thực tế, có rất nhiều người mang bệnh mà không biết, được gọi là người mang trùng nghĩa là trong cơ thể họ đã có sẵn mầm bệnh. Chính vì thế, khi nhai cơm mớm cho trẻ người lớn có thể vô tình truyền bệnh sang cho bé.

Một nguy cơ nữa mà người lớn có thể truyền bệnh cho con qua việc nhai cơm là các bệnh về răng miệng. Thống kê của ngành y tế cho thấy có đến hơn 90% người Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng nên nguy cơ truyền bệnh cho trẻ là rất lớn. Ngoài ra, người bị các bệnh mạn tính như HIV, viêm gan B,C cũng có thể truyền bệnh cho trẻ qua việc nhai cơm, dù trường hợp này hiếm khi xảy ra.

Vì vậy, các bác sĩ cho rằng không nên cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai mà cho trẻ ăn các thức ăn chế biến phù hợp với từng nhóm tuổi, lứa tuổi sao cho dễ tiêu hoá và hấp thu.

Ngoài ra, người Việt khi ăn uống thông thường có thói quen chấm chung một bát nước mắm/bát muối, dùng đũa của mình tiếp thức ăn cho người khác để tỏ sự tôn trọng với người lớn và sự hiếu khách. Một số người còn dùng đũa đang ăn của mình "khua khoắng" hết miếng này đến miếng khác trên đĩa thức ăn, bát canh trước khi gắp được một miếng ưng ý.

Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để đưa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo để hạn chế lây nhiễm vi khuẩn từ người mang mầm bệnh sang người khỏe mạnh cần có thói quen đảm bảo vệ sinh cá nhân trong ăn uống như: Không dùng chung nước chấm, nếu tiếp thức ăn cho người khác nên dùng đôi đũa mới (đũa chỉ dùng để tiếp thức ăn), món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc thìa (muỗng) sạch dùng chung.

Khi dùng đũa cá nhân tránh để đũa chạm vào những phần thức ăn còn lại, gắp nhanh, dứt khoát, không khua khoắng đảo lộn thức ăn.

Theo Thúy Ngà/Gia Đình Việt Nam