Đôi khi cha mẹ cáu giận với trẻ chỉ vì những lý do hết sức bình thường mà không biết rằng hậu quả của việc này về lâu dài lại rất nghiêm trọng.
Rất nhiều cha mẹ than phiền rằng con mình bướng bỉnh: sao trẻ cứ nói KHÔNG với mọi thứ, từ đồ ăn đến việc ạ hay chào mọi người? Hay sao trẻ không bao giờ biết ngồi một chỗ, chạy đi chạy lại lung tung? Sao trẻ khóc làm nũng, vòi mẹ, không chịu ai bế bồng?
Không ít người mẹ đôi lúc muốn phát điên vì con, không biết bé nghĩ gì, lúc thì vui vẻ, lúc thì lầm lì, lúc thì khóc bướng bỉnh, lúc thì chả chịu ăn gì hết. Em mệt mỏi, em phải cáu gắt với bé.
Chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực", cho biết: Những cáu kỉnh của người mẹ có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Báo cáo của GS. Perkins, ĐH Y Michigan cho biết: Những cáu kỉnh hay bực nhọc của người mẹ hoặc người chăm sóc đều có thể ảnh hưởng đến phát triển một số vùng chức năng não của trẻ, liên quan đến trì hoãn học và phân tích ngôn ngữ. Hơn nữa, việc hormone tăng trưởng ở trẻ không ổn định cũng cho thấy liên quan đến trạng thái dễ hay nóng giận của người mẹ.
Một cuộc khảo sát của tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Dubai (DFWC) cho thấy 1/4 trẻ em đang bị la hét một cách bạo lực luôn cảm thấy sợ hãi khi ở nhà. Trong đó, có đến 8% trẻ em nói điều này xảy ra thường xuyên với chúng.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc la hét là "vũ khí" lợi hại để kết thúc những việc làm sai trái hay quậy phá của bọn trẻ. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn sai. Theo bà Aisha Al Midfa, người đứng đầu các chương trình và các cuộc nghiên cứu của Quỹ DFWC, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng việc la hét con trẻ, có thể họ không nhận ra những ảnh hưởng bề nổi trước mắt nhưng những tác động tiêu cực về mặt tâm lý lâu dài là hệ quả tất yếu.
Về việc trẻ bướng bỉnh, chuyên gia Anh Nguyễn lý giải như sau:
Bạn có biết không? So với các phần khác, não là cơ quan phát triển nhanh nhất trước 5 tuổi. Sự hình thành của các nơ-ron thần kinh trước 5 tuổi là rất lớn.
Sự bướng bỉnh của trẻ được giải thích là có liên quan đến sự học hỏi và phát triển của não bộ. Những việc làm của trẻ đôi lúc làm người mẹ phát điên và cáu kỉnh, nhưng bên trong nó là một chuỗi những liên kết được hình thành.
Trẻ thích sự bừa bãi
Trẻ rất thích sự bừa bộn, quậy "banh nhà", bày đủ thứ và rất bừa bộn trong bữa ăn, tèm lem mặt mũi tay chân.
Cách mẹ ứng xử: Nhớ rằng bừa bộn là đặc tính của trẻ con vì ở đó trẻ đang ghép những bức tranh về đồ vật bằng cách làm nó bị xáo trộn. Người lớn học mọi thứ theo trình tự và sắp xếp cụ thể, nhưng trẻ con thì không học như vậy, trẻ con học theo sự sắp xếp ngẫu nhiên, càng ngẫu nhiên càng giúp trẻ học được nhiều khía cạnh của vật thể. Bạn nên nhớ rằng: Trẻ không hề biết vật thể này trước đó giống như người lớn.
Báo cáo của GS.BS. Perry, L.K., ĐH Wisconsin-Madison, Mỹ đã cho thấy: Những trẻ được để cho tự do, bừa bộn, tèm nhem trong bữa ăn thì có sự phát triển tốt hơn về ngôn ngữ liên quan đến thức ăn, so với các bé bị ép đút cho ăn. Hơn nữa, trẻ cũng ít biếng ăn hơn.
Điều này không có nghĩa là mẹ muốn để bé làm gì thì làm. Hãy quy định thời gian ăn cho bé, dưới 30 phút là lời khuyên từ các bác sĩ.
Trẻ bày bừa trò chơi thì quy định thời gian chơi cho bé. Khi kết thúc, khuyến khích bé cùng dọn dẹp với bạn.
Trẻ thích sự lặp lại
Bạn có lúc sẽ bực mình rằng vừa đưa cho trẻ cái điều khiển TV, bé thả xuống đất, bé cười. Lần đầu, mẹ cũng cười và nhặt lên cho bé. Bé lại thả xuống, lại cười 1 kiểu ban đầu với mẹ, và cứ thế 4-5 lần, mẹ trở nên cáu và la bé. Bé khóc.
Cách mẹ ứng xử: Hãy khoan việc cáu giận và la bé, bạn hãy nhớ lại rằng: Tại sao bé lại cần hành động lặp lại? Sao mà phiền phức thế?
Câu trả lời nằm ở não bộ đang giúp trẻ phát triển 1 kĩ năng, trong trường hợp này là độ cao và thấp. Khi thả rơi 1 vật làm bé rất thích thú do khác biệt về không gian cao - thấp. Hành động lặp lại là giúp bé ghép mảnh ghép độ cao trong não bộ. Lời khuyên là bạn nên hiểu và không la bé, bên cạnh đó, bạn có thể chủ động chơi trò chơi thả rơi vật thể với bé, chọn một vật có thể có sự tương quan để trẻ học như "con chim" chẳng hạn, bay thấp và bay cao.
Trẻ thích 1 đặc điểm
Bạn than phiền rằng: Tại sao trẻ chỉ chọn đúng một món nào đó dù đưa các món khác, càng làm trẻ bực tức hơn.
Người lớn thích nhiều thứ lắm, thích đẹp, thích rẻ, thích ngon chẳng hạn. Trẻ con thì một vật chỉ có 1 điểm làm trẻ thích. Không ai biết trẻ thích điểm nào, do đó, đừng cố thay thế vật đó cho đến khi tự trẻ nhận ra vật khác có 1 đặc điểm làm trẻ thú vị.
Cách ứng xử của mẹ: Dạy trẻ về đặc điểm đồ vật là cách chủ động cho trẻ học hỏi thêm đa dạng đồ vật. Hãy chọn đặc tính đặc trưng nhất của vật đó mà dạy trẻ. Ví dụ, xe hơi thì kêu bin bin, con thỏ có đôi tai dài. Có thể so sánh cho bé xem: con thỏ có đôi tai dài nè, còn tai của con thì ngắn nè (để tay bé lên tai của bé để bé sờ, sau khi bé sờ tai con thỏ đồ chơi).
Tôi hiểu mỗi ngày người phụ nữ chịu rất nhiều áp lực từ công việc, từ gia đình, và cũng từ chính những hành động ngây ngô bướng bỉnh của trẻ. Tuy nhiên, hãy nhớ về điều này mỗi khi bạn chuẩn bị bực mình với trẻ.
1. Hãy hiểu rằng sự bướng bỉnh hay sự đòi dai dẳng của trẻ là có lí do.
2. Hãy im lặng 3 phút, đếm 1 - 2- 3, hít thở nhẹ nhàng, hơi thở của tiếng đếm thứ 3 hít sâu và thở hết hơi ra. Điều này sẽ làm bạn bình tĩnh hơn, nó cũng giúp điều hòa nhịp tim cũng như sự căng thẳng của bạn.
3. Áp dụng một số luật và nguyên tắc ở trên trong những tình huống tương tự. Nếu cảm thấy trẻ quá bướng thì nên giao công việc cho ai đó (chồng chẳng hạn). Sau đó, bạn đi suy nghĩ/ làm công việc khác 5-10 phút, rồi quay lại với bé. Đừng cố gắng chịu đựng một mình.
4. Mọi chuyện đều sẽ tốt lành. Hãy tin điều này, mỗi ngày con trẻ sẽ lớn khôn với tình yêu và sự hi sinh của bạn.