Đắm chìm trong mạng xã hội và internet, những người trẻ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình. Họ ăn facebook, ngủ tiktok, gặp gỡ tán gẫu qua các kênh mạng xã hội… vô tình con trẻ ngày càng rơi tõm vào một thế giới ảo.
Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần bước vào siêu thị chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người lăm lăm trên tay một chiếc smartphone để chụp ảnh rồi hì hục vừa đi vừa tranh thủ “úp” lên “phây” hoặc zalo cho… nóng. Hãy thử lướt qua tiktok, Instagram hay Facebook… ai cũng dễ dàng bắt gặp một xã hội thu nhỏ, với đủ đầy hỉ, nộ, ái, ố; thượng vàng hạ cám. Để thỏa trí tò mò và đam mê khám phá, kể cả những giờ học, thậm chí là giờ ăn, trước khi đi ngủ, các tín đồ cũng tranh thủ tối đa để “ghé thăm” địa chỉ quen thuộc cho “đỡ nhớ”.
Một số “tín đồ cuồng” của mạng xã hội cho biết đã dành hơn 8 tiếng trong một ngày cho việc lên facebook, thậm chí có bạn còn cập nhật liên tục thông tin lên facebook ở tất cả các thời điểm trong ngày. Có người ban ngày phải học thì dành cả thời gian ban đêm để “lướt phây”.
Trên mạng, người ta vô cảm và thực dụng hơn gấp nhiều lần. Không ít trang facebook lợi dụng nỗi đau của người khác, giở trò câu like rẻ tiền. Người dùng facebook thì vô tình tiếp tay cho kẻ trục lợi đạt được mục đích. Vô hình chung, giới trẻ đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân và bạn bè trở nên xa cách. Và nguy hiểm hơn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.
Không thể phủ nhận những tính năng >giải trí và tác động “cực lớn” của mạng xã hội trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè. Dùng mạng xã hội, mọi người có thể có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng. Nhưng vì sống trong thế giới “phẳng” và “ảo” nên rất nhiều bạn trẻ bị phụ thuộc vào nó đến mức không hiểu mình là ai và phải sống thế nào khi bước ra ngoài “đời thực”.
Ai cũng biết, hầu hết mọi người chỉ chia sẻ những khoảnh khắc lung linh của bản thân trên Facebook. Do đó, một số bạn trẻ cảm thấy cuộc sống của mình sao mà tẻ nhạt và đáng thất vọng hơn những con người lúc nào cũng có những niềm vui để “khoe” trên mạng xã hội kia.
Anh Trung, giám đốc một công ty tâm sự: “Con tôi đã cố tự sát chỉ vì nó nghĩ nó bất hạnh hơn những người bạn khác. Hôm đó tôi thấy con thức rất khuya, điện trên phòng vẫn bật sáng, tôi đi sang để bảo con đi ngủ thì rụng rời khi thấy con mình nằm trên giường, cổ tay bị cắt một vệt dài đang chảy máu lênh láng. Đưa con đi cấp cứu may mà thằng bé qua khỏi. Cũng sau hôm đó, khi cháu đang nằm viện tôi tìm thấy bức thư của nó để ngay trên mặt bàn.
Nó viết: “Sao lúc nào cũng thấy mọi người sống vui vẻ thế, còn tôi, cuộc sống này thật tẻ nhạt biết bao khi chỉ suốt ngày học, học và làm theo lệnh của người lớn. Thật đáng chán..”. Sau khi bình phục tôi phải dẫn thằng bé đến với bác sỹ tâm lý. Bác sỹ cho biết, vì tiếp xúc với rất nhiều điều lung linh của bạn bè trên mạng xã hội, nhưng khoảnh khắc vui tươi, đi chơi, ăn tiệc hoặc khoe thành tích, khoe khoảng khắc vui vẻ bên người thân cho nên thằng bé nghĩ rằng chỉ có nó là đơn độc, bất hạnh. Lỗi này cũng thuộc về anh chị thiếu quan tâm đến con..”.
Công bằng mà nói, mạng xã hội không có tội. Sự ra đời và thịnh hành của các trang mạng này thực sự mang lại nhiều tiện ích cho công việc cũng như quan hệ của mỗi cá nhân. Mọi người dễ dàng tìm hiểu, trao đổi thông tin, chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi cần thiết… một cách nhanh chóng với chi phí rẻ nhất. Một tiện ích không thể không nhắc tới đó là khả năng kết nối tuyệt vời, giúp mỗi người mở rộng phạm vi kết bạn hay tìm kiếm, liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp của mình. Nếu sử dụng có chừng mực và đúng mục đích, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giải trí hoàn hảo và lành mạnh.
Làm bạn cùng con, đó là cách tốt nhất để con trẻ không bị đắm chìm vào >thế giới ảo. Ngày nay, các ông bố bà mẹ đi làm cả ngày giao con cái cho người giúp việc, học hành thuê gia sư, đẩy con cái đến các lớp học thêm, học năng khiếu… Không có điều kiện tiếp xúc nhiều khiến sự gắn kết giữa con cái - bố mẹ ngày càng trở nên lỏng lẻo. Trẻ thực sự trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình, không có người để trò chuyện, tâm giao nên càng trở thành bạn thân thiết của máy tính, internet, game, truyện… ngoài ra còn có một số rắc rối trong cuộc sống cần được chia sẻ nhưng chúng lại không có bố mẹ ở bên để giải quyết những rắc rối đó. Làm cha mẹ, đừng quên làm người bạn thân thiết đồng hành của con cái, chia sẻ vui buồn, rèn luyện kỹ năng ứng xử với cuộc sống cho con, hướng cho con tự quyết định những vấn đề cần thiết phù hợp với lứa tuổi để con thực sự tự tin.
Bắt con học nhiều, học vô tội vạ là đặt gánh nặng lên vai con, vì vậy bố mẹ phải biết cân bằng thời gian học cho con trẻ để chúng có thời gian vui chơi, giao lưu với bạn bè. Khi trẻ nhận thấy việc giao tiếp trong cuộc sống thực hấp dẫn hơn trên mạng xã hội, tự chúng sẽ thấy những việc chúng làm trên mạng xã hội là vô bổ, mất thời gian.
Hướng con cái đến những giá trị truyền thống cũng là một việc nên làm. Vào các dịp lễ tết, hãy cho con một cái tết cổ truyền đầm ấm và để con tiếp xúc với những trò chơi dân gian thú vị, hấp dẫn. Sự giao tiếp trong một cộng đồng “người thực việc thực” bao giờ cũng khiến con trẻ cảm thấy sảng khoái và say mê hơn.