Bà bầu bị chóng mặt là một trong những hiện tượng khá phổ biến trong giai đoạn thai kỳ. Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng chóng mặt chỉ là bởi huyết áp thấp và không đáng lo thì thật sự bạn đang quá chủ quan với sức khỏe của cả mẹ và bé đấy. Vậy tại sao lại có hiện tượng bị chóng mặt khi mang thai? Cần làm gì để khắc phục tình trạng khó chịu này.

Thu Hiền 16:26 02/03/2020

Hiện tượng bà bầu bị chóng mặt

Bà bầu bị chóng mặt, thường có cảm giác choáng váng là hiện tượng hầu hết >mẹ bầu cũng gặp khi mang thai, hiện tượng này thường xảy ra trong khoảng ba tháng đầu khi mang thai. Ở giai đoạn này, hệ thống tim mạch thai phụ có những thay đổi rất đáng kể, mạch máu mở rộng để có thể đưa máu, chất >dinh dưỡng đến bào thai, nhịp tim cũng tăng lên, tốc độ đưa máu nhanh hơn, lượng máu ở cơ thể người mẹ gần như tăng cao gấp đôi nhằm đáp ứng đủ những nhu cầu của cả mẹ và bé. Điều này giúp cho máu về tĩnh mạch chậm, làm huyết áp bị giảm đi trong khi mang thai.


Huyết áp của thai phụ cũng sẽ giảm trong thời gian đầu khi mang thai - Ảnh minh họa: Internet

Hệ thống tim mạch, thần kinh của thai phụ sẽ điều chỉnh để có thể phù hợp với tất cả thay đổi trên. Tuy vậy, việc điều chỉnh này nhiều khi lại không kịp thời, làm mẹ có cảm giác choáng váng, chóng mặt.

Huyết áp của thai phụ cũng sẽ giảm trong thời gian đầu, giảm đến mức thấp nhất trong khoảng giữa của thai kỳ và bắt đầu tăng, trở về bình thường khi bước vào giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy bà bầu bị hoa mắt chóng mặt là một hiện tượng khá phổ biến, nhưng nếu xảy ra thường xuyên, thậm chí khiến mẹ bầu bị ngất đi, rất có thể là dấu hiệu về việc >sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thai phụ lúc này nên đi khám chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân của bệnh.

Làm gì để khắc phục tình trạng mẹ bầu chóng mặt

Nếu bà bầu bị chóng mặt, hoa mắt khi mang thai. Có thể khắc phục theo những cách dưới đây để cải thiện cảm giác khó chịu này.

Nhanh chóng nằm hoặc ngồi ngay

Nếu thấy cơ thể có cảm giác khó chịu, hoa mắt, chóng mặt. Tốt nhất, thai phụ nên nằm xuống ngay để tránh không bị ngã, hoặc từ từ dừng lại mọi việc đang làm lại dang dở và từ từ ngồi xuống để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Không đứng lâu hoặc ngồi xuống và đứng lên đột ngột

Khi mang thai, cần tránh việc phải đứng quá lâu hoặc đang ngồi rồi lại đứng lên nhanh. Cơ thể thai phụ khi đó sẽ không kịp điều chỉnh lại lượng máu đang dồn ở dưới, mẹ bầu vì thế sẽ có thể bị hoa mắt và chóng mặt.

Cần tránh việc phải đứng quá lâu hoặc đang ngồi rồi lại đứng lên nhanh - Ảnh minh họa: Internet

Không nên nằm ngửa

Khi mang thai, tử cung của mẹ bầu cũng lớn dần lên, nhất là khoảng ba tháng giữa và cuối của chu kỳ, từ đó tạo áp lực lớn lên những cơ quan chính trong cơ thể như tim, phổi, thận, làm cho máu lưu thông trở nên chậm hơn. Nếu mẹ bầu lại thường xuyên nằm ngửa khi ngủ sẽ càng làm trầm trọng hơn, huyết áp giảm và nhịp tim tăng lên, khiến cho mẹ bầu bị hoa mắt và chóng mặt. Vì thế, trong quá trình mang thai, hãy hạn chế tối đa nằm ngửa mà thay vào đó hãy nằm nghiêng sang hai bên, tốt nhất là nằm nghiêng về phía bên trái cùng với một chiếc gối được kê ở dưới hông.

Bổ sung đủ nước và ăn uống đủ chất

Cung cấp cho cơ thể không đủ nước và khoảng cách giữa những bữa ăn cũng sẽ là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng bà bầu bị chóng mặt. Vì thế, hãy uống đủ nước mỗi ngày, trung bình mẹ bầu phải uống từ 8-10 ly/ngày, có những bữa ăn nhỏ đều đặn để có thể đẩy lùi được chứng chóng mặt trong khi mang bầu.

Cung cấp cho cơ thể không đủ nước - Ảnh minh họa: Internet

Bổ sung vitamin cho cơ thể

Thiếu máu là nguyên nhân tất yếu làm cho đầu óc của thai phụ có cảm giác chóng mặt, hoa mắt bởi lượng oxy lên não và những cơ quan khác bị sụt giảm. Để có thể khắc phục tình trạng này, nên đảm bảo một chế độ ăn uống nhiều chất sắt và sử dụng vitamin bổ sung dinh dưỡng và chất sắt phù hợp.

Không vận động quá sức

Việc tập luyện thường xuyên hay vận động quá mức, căng thẳng có thể sẽ khiến cho mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, dễ mất thăng bằng. Ngoài ra, việc mặc quần áo chật hay ở trong phòng có nhiệt độ cao cũng không tốt cho mẹ bầu trong thai kỳ. Mẹ hãy >luyện tập từ từ, vận động nhẹ nhàng, vừa đủ và mặc quần áo thoải mái, tránh nơi đông đúc để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé cũng như hạn chế chứng chóng mặt.

Nếu thấy áp dụng những biện pháp trên vẫn không mang lại hiệu quả, hiện tượng bà bầu bị chóng mặt vẫn kéo dài, thậm chí là đi kèm theo đó là nhiều triệu chứng khác thì mẹ bầu hãy nhanh chóng đến kiểm tra sức khỏe và thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý và phát hiện kịp thời bệnh mà thai phụ có thể gặp phải.

Thực phẩm bà bầu bị chóng mặt nên ăn

Có thể nói, chế độ ăn uống trong quá trình mang thai cũng đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé cũng như giúp mẹ bầu khỏe mạnh, tránh gặp phải những dấu hiệu của bệnh có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Với trường hợp bà bầu bị chóng mặt, dưới đây là những thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung vào trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Gừng

Gừng là thực phẩm có tính ấm, có công dụng giúp tăng cường lưu thông máu đến não, cải thiện các triệu chứng bị chóng mặt rất hiệu quả. Thai phụ có thể dùng trà gừng hay đun gừng tươi cùng với nước dùng để uống khi cảm thấy chóng mặt. Ngoài ra, việc sử dụng ô mai hoặc dùng kẹo gừng cũng sẽ giúp mẹ bầu giảm tình trạng trên.

Gừng có công dụng giúp tăng cường lưu thông máu đến não - Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm giàu vitamin C, chất sắt

Một trong các nguyên nhân gây ra triệu chứng chóng mặt khi mang thai là do thiếu máu, thiếu sắt. Vitamin C có công dụng giúp cơ thể hấp thu được chất sắt tốt hơn, từ đó tăng cường được lượng máu vào trong cơ thể. Những loại thực phẩm có thành phần chất sắt dồi dào có thể kể đến như: cá hồi, thịt bò, lòng đỏ trứng gà, rau xanh các loại (rau bina, cải xoăn, cải xanh..), hạt sấy khô các loại: hạnh nhân, hướng dương, hạt điều….

Những thực phẩm giàu hàm lượng vitamin C có nhiều trong các loại quả như cam, chanh, dứa, cà chua, khoai lang, bông cải…

Tăng cường được lượng máu vào trong cơ thể với thực phẩm giàu chất sắt - Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm giàu hàm lượng vitamin B6

Vitamin B6 là thành phần dưỡng chất rất cần thiết trong việc tham gia vào trong quá trình tổng hợp hemoglobin, có công dụng chuyển hóa glycogen thành glucose nhằm duy trì lượng đường huyết. Do vậy, vitamin B6 sẽ giúp cải thiện những triệu chứng bà bầu bị chóng mặt, buồn nôn một cách hiệu quả. Để tăng cường vitamin B6 vào trong cơ thể, mẹ bầu nên chăm ăn các loại ngũ cốc, thịt lợn, gà, cá ngừ, đậu các loại, quả óc chó, bơ,..

Vitamin B6 sẽ giúp cải thiện những triệu chứng bà bầu bị chóng mặt - Ảnh minh họa: Internet

Dùng nước mật ong

Mật ong và đường sẽ giúp cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể mẹ bầu một cách nhanh chóng. Từ đó, cải thiện được tình trạng chóng mặt, mệt mỏi của bà bầu. Nếu cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, hãy pha một cốc nước mật ong loãng (hoặc nước đường) để cải thiện tình trạng chóng mặt.

Trên đây là một vài lưu ý về tình trạng bà bầu bị chóng mặt mà thai phụ cần chú ý trong quá trình mang thai. Tuy đây là hiện tượng khá phổ biến nhưng không vì thế mà xem nhẹ. Điều quan trọng là phải bổ sung cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, tránh vận động mạnh trong suốt giai đoạn thai kỳ. Nếu thấy bên cạnh việc chóng mặt còn có đi kèm bất cứ biểu hiện bất thường nào, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Thu Hiền | Theo Phụ nữ sức khỏe