Khi cảm xúc của con được bộc lộ bằng việc khóc, nói "nín ngay" dễ khiến trẻ bị ức chế tâm lý.
Nhiều phụ huynh chia sẻ con mình rất hay khóc, việc con quá "mít ướt", dễ rơi nước mắt khiến nhiều bố mẹ khó kìm chế cảm xúc của mình. Thông thường, hoặc là cha mẹ quát con "nín ngay" hoặc bỏ đi chỗ khác mà không quan tâm đến cảm xúc của bé. Tuy nhiên, 2 cách làm này đều gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ.
Trên thực tế, khóc là một cách biểu lộ cảm xúc của từng người. Một em bé nếu phải kìm chế cảm xúc của mình bằng cách ngưng khóc sẽ nảy sinh trong lòng sự ấm ức. Việc không cho con khóc hay quát nạt, mắng mỏ đều góp phần tạo ra những đứa trẻ có tính cách hoàn toàn trái ngược sau khi trưởng thành.
Trong giai đoạn dưới 3 tuổi, con bắt đầu hình thành tình cảm và cảm xúc của mình. Bố mẹ có thể dễ thấy bé hay mè nheo, đòi hỏi, khóc lớn bởi những lý do rất bình thường. Đó là cách con tìm hiểu và biểu hiện suy nghĩ của bản thân. Do tư duy của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ chưa hiểu chuyện như người lớn và thường biểu hiện những phản ứng của mình theo cách của chính mình.
Mặt khác, nguyên nhân trẻ khóc nhè còn có thể là do bố mẹ bận công việc, bớt dành thời gian quan tâm bé như trước đây. Chính vì thế nên bé cảm thấy bố mẹ giảm bớt tình thương dành cho mình, không còn chìu chuộng mình như khi còn nhỏ nên trẻ sẽ khóc.
Ngoài ra, trẻ hay bị đánh mắng, bị tước quyền thể hiện cảm xúc khi làm bất cứ việc gì... cũng khiến con dễ khóc hơn.
- Hạn chế thể hiện cảm xúc: Khóc là một trong những cách giúp trẻ thể hiện cảm xúc của mình. Nếu một em bé bị giới hạn điều đó sẽ dần e ngại, không dám biểu lộ chúng trong tương lai. Con sẽ không dám khóc, không dám nói ra những điều mà mình suy nghĩ. Từ đó, mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ cũng sẽ khó gắn kết hơn.
- Không thể tự giải tỏa áp lực: Với những đứa trẻ, khóc có thể là cách giúp con cảm thấy bớt buồn, bớt căng thẳng hay khó chịu. Thường sau khi khóc, bé sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Lúc đó, bố mẹ có thể bình tĩnh, nhẹ nhàng trò chuyện với con. Những em bé không được khóc dần sẽ nảy sinh tâm lý giữ kín mọi thứ, cho đến khi không thể chịu đựng được nữa. Điều này thật sự rất nguy hiểm.
1. Ôm con vào lòng
Đó là điều mà trẻ cần nhất khi con khóc. Dù cho đang rất tức giận, bố mẹ nên ngừng lại khi con khóc. Chắc chắn bé sẽ cần được ôm ấp, vỗ về và an ủi trong tình huống đó. Thay vì thờ ơ, mặc kệ chúng khóc đến khi nào muốn nín thì thôi. Điều này sẽ mang lại cho chúng một cảm giác an toàn khổng lồ. Hãy để chúng cảm thấy rằng cha mẹ là người ủng hộ mình, có vậy chúng mới có thể trở nên bản lĩnh và mạnh mẽ hơn.
2. Đánh lạc hướng bằng một câu chuyện khác
Khi đang khóc, bé sẽ khó mà kìm nén nếu cứ mải nghĩ về chuyện vừa xảy ra. Thay vào đó, bố mẹ có thể hướng con tới một việc khác khiến bé cảm thấy vui vẻ hơn như đưa con đi ăn, đi chơi, đi dạo hoặc làm điều gì đó mà bé cảm thấy hứng thú.
Bố mẹ cũng nên dành thời gian cho trẻ nhiều hơn. Vì tư duy của trẻ chưa hoàn thiện như người lớn nên cha mẹ cần dành thời gian tiếp xúc với trẻ nhiều hơn. Qua đó, cha mẹ sẽ hiểu trẻ muốn gì, cần gì, cảm nhận sự việc ra sao, suy nghĩ theo chiều hướng như thế nào. Từ đó, bạn sẽ nắm bắt được tâm lý của trẻ mà động viên, khuyên nhủ, an ủi, khen ngợi,... trong từng tình huống cụ thể để giúp bé mạnh mẽ hơn, hạn chế khóc nhè hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên khơi dậy sức mạnh nghị lực của trẻ, khuyến khích trẻ suy nghĩ lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn. Bạn có thể khen mỗi khi trẻ dũng cảm vượt qua một điều gì đó mà không khóc. Bạn có thể thưởng cho bé một món quà khi trẻ cười nhiều hơn và ít khóc hơn.