Có nhiều khi chỉ cần nhìn những bức tranh của con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể hiểu được cảm xúc, thậm chí là phát hiện ra những bất ổn của con mình.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tâm lý, bắt đầu từ năm 4, 5 tuổi, trẻ em về cơ bản đã có thể biểu đạt suy nghĩ nội tâm và cảm xúc của mình cho người lớn. Đặc biệt, với những em nhỏ có khả năng sáng tạo cùng sự khéo léo, tinh tế vượt trội mà nói, hội họa có thể được xem là phương thức để các em thể hiện một cách kín đáo những suy nghĩ nội tâm bên trong mình.
Vì vậy, có nhiều khi chỉ cần nhìn những bức tranh của con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể hiểu được cảm xúc, thậm chí là phát hiện ra những bất ổn của con mình.
Câu chuyện được một cô giáo Trung Quốc chia sẻ mới đây cũng vậy. Theo đó, cô giáo yêu cầu "vẽ bức tranh về mẹ" cho học sinh. Tới khi thu bài, đập vào mắt cô giáo là bức tranh vẽ mẹ nguệch ngoạc, không tô màu và có chút kì lạ của cậu bé 5 tuổi.
Trong bức tranh vẽ là hình ảnh người mẹ đang nằm vắt vẻo trên ghế sofa, tay cầm điện thoại. Cậu bé còn nhờ anh trai chú thích thêm từng phần: Điện thoại, thân thể, 2 chân. Đặc biệt, cậu còn khẳng định là mẹ nhìn điện thoại chăm chú, say mê không rời.
Hóa ra, người mẹ của cậu bé này rất thích nằm trên sofa nghịch điện thoại. Hình ảnh này quá quen thuộc tới mức khắc sâu vào tâm trí cậu bé 5 tuổi. Cậu còn không có cách nào khiến mẹ rời mắt khỏi chiếc điện thoại và tập trung vào mình. Cô giáo đã lập tức gọi điện thoại và trao đổi với mẹ của cậu học trò. Cô hy vọng những góp ý của mình sẽ khiến phụ huynh này thay đổi và quan tâm tới con cái nhiều hơn. Dù mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên theo cô giáo, việc cha mẹ chỉ chăm chăm vào điện thoại sẽ ảnh hưởng xấu đến con cái mình.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi những nhà tâm lý học đến từ Trường Đại học Indiana, Mỹ cho thấy những ông bố bà mẹ hay sử dụng điện thoại trong khi trông hay chơi với con có thể khiến con phát triển khả năng tập trung kém. Trong suốt quá trình lớn lên của con, việc tương tác giữa con và bố mẹ rất quan trọng trong việc hình thành tư duy và nhân cách. Bố mẹ thường xuyên chơi với con, hạn chế dùng điện thoại thông minh trước mặt con sẽ mang lại những lợi ích tích cực.
Bậc phụ huynh nên trò chuyện với con nhiều hơn. Lắng nghe con tâm sự, chấp nhận và tôn trọng ý kiến của con bằng cách không phán xét, cho con trọn vẹn được chia sẻ ý kiến của mình. Nếu như công việc bận rộn, chỉ cần 20 - 30 phút ở bên con là đủ. Nhưng khi đó, phải dẹp tất cả công việc, tâm trạng không vui và điện thoại, máy tính sang một bên. Thời gian này, chỉ dành cho trẻ, lắng nghe, chia sẻ mà thôi!