Đôi khi, hành vi chưa đúng của con cái xuất phát từ phương pháp giáo dục của cha mẹ.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, tốt bụng, được mọi người yêu mến. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng sở hữu tính cách thân thiện, đối xử tốt với mọi người xung quanh. Nguyên nhân có thể từ một số hành động sau của bố mẹ.
Mỗi khi thấy con chưa ngoan, nhiều phụ huynh tặc lưỡi "thôi trẻ con ấy mà, làm gì đã biết gì đâu". Và thế là trẻ nhỏ sẽ tiếp tục lặp lại lỗi lầm đó vào những lần sau. Điều này không chỉ gây ra sự phiền toái cho những người xung quanh mà còn tạo ra thói quen không tốt vì trẻ cho rằng "mình muốn làm gì cũng được vì mình là trẻ con".
Đây cũng là kiểu nuông chiều mà nhiều gia đình gặp phải khi cố gắng bao bọc, bảo vệ con khỏi mọi lỗi lầm mà bé gây ra. Cha mẹ nên nhớ rằng, đó không phải là yêu thương mà là dạy trẻ trở nên ích kỷ, ỷ lại vào sự che chở của ba mẹ. Lớn lên, những đứa trẻ này sẽ không biết cách xin lỗi, càng không hiểu phải đối mặt với sai lầm và sửa chữa nó như thế nào.
Khi con trẻ gây ra lỗi lầm, cha mẹ không đánh mắng nhưng tuyệt đối không bỏ qua. Hãy tìm thời điểm để nói với con về sai và đúng. Cho con biết con nên làm gì khi sai, một lời xin lỗi và không tái phạm chuyện đó vào những lần tiếp theo là điều hoàn toàn cần thiết. Trẻ càng nhỏ càng phải dạy, đừng để tới khi con phạm phải chuyện nghiêm trọng hơn thì hối hận cũng đã muộn rồi.
Người xưa thường có câu "Tiên học lễ, hậu học văn", ý muốn nói đến tầm quan trọng của đạo đức con người. Một con người chưa cần biết họ giỏi giang ra sao, tài năng thế nào, chỉ cần họ sống nhân, nghĩa thì đã có phúc đức dồi dào.
Lòng biết ơn là một trong những yếu tố quyết định nhân cách của một người trong tương lai. Chính vì vậy, hơn cả trí tuệ, dạy con lòng biết ơn là điều các bậc cha mẹ nên làm. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu cho thấy, khi trẻ có lòng biết ơn, con sẽ có xu hướng suy nghĩ những điều tích cực, từ đó giúp chúng thêm yêu đời, hạnh phúc.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều cha mẹ bỏ quên điều này. Họ cho rằng, con xứng đáng nhận được mọi thứ mà không cần biết ơn về những gì mình có. Những đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ hình thành tính cách vô ơn, không biết quý trọng và cảm thông với mọi người xung quanh, thậm chí ngay cả gia đình của mình.
Ngày nay, cha mẹ có điều kiện hơn nên việc >nuôi dạy con cái cũng không còn giống như xưa. Họ làm mọi thứ để con được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Một số đứa trẻ vì thế mà không biết coi trọng giá trị của đồng tiền và sự vất vả của cha mẹ. Chúng coi việc tiêu tiền, dùng đồ xa xỉ, shopping... là hiển nhiên. Chính vì vậy, việc dạy dỗ lòng biết ơn có thể trở thành trận chiến khó khăn.
Nghiên cứu cho thấy rằng lòng biết ơn có liên quan đến hạnh phúc ở trẻ em trong độ tuổi lên 5. Điều này có nghĩa việc truyền lửa cho con về lòng biết ơn khi còn nhỏ có thể giúp chúng lớn lên trở thành những người hạnh phúc. Phần lớn các nghiên cứu về lòng biết ơn tập trung vào người lớn. Song lợi ích của lòng biết ơn lại dành cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, dạy con về lòng biết ơn không phải điều dễ dàng. Đây là khái niệm khó hiểu đối với trẻ nhỏ và có thể gây khó chịu khi cố gắng áp dụng khái niệm quan trọng này. Phụ huynh có thể khuyến khích con nói "Cảm ơn" một cách thường xuyên. Cha mẹ nên cho con thấy rằng dù điều tồi tệ có xảy ra, cuộc sống vẫn còn nhiều điều tươi đẹp để chúng cảm thấy biết ơn.