Những đứa trẻ có chỉ số IQ lẫn EQ cao thường bộc lộ sớm, nếu thường xuyên để ý sẽ phát hiện ra qua những câu nói dưới đây.

H.V (t/h) 05:00 05/10/2022

Vì sao lại thế này?

Trẻ em thường biểu hiện trí thông minh thông qua sự tò mò về thế giới xung quanh và cường độ đặt các câu hỏi chi tiết để thỏa mãn “cơn khát” kiến thức. Sự tò mò này vượt ra ngoài sự quan tâm đơn giản đối với một chủ đề và có thể mở rộng sang các khía cạnh dường như nằm ngoài phạm vi của một bài học. Cha mẹ sẽ thường xuyên nhận được “mười vạn câu hỏi vì sao” của trẻ. Những câu hỏi này đa phần đều nhiều và rộng hơn những gì các bậc phụ huynh có thể trả lời.

 Ảnh minh họa

Mặc dù đôi khi việc trẻ đặt các câu hỏi có thể khiến cha mẹ khó chị nhưng đừng “bóp nghẹt” sự tò mò của trẻ. Vì điều này có thể làm mất động lực và dập tắt các nỗ lực giao tiếp trong tương lai. Điều mà phụ huynh nên làm là trả lời thật chính xác hoặc tìm kiếm câu trả lời, kèm theo các bằng chứng minh họa, vì con bạn có thể sẽ yêu cầu điều đó.

Trên thực tế, khả năng đặt những câu hỏi “hóc búa” được đánh giá là một đặc điểm tốt, cần phải được nuôi dưỡng và phát huy. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy dấu hiệu này ở trẻ thông minh khi bé còn nhỏ, nhưng lại hiếm khi bắt gặp điều này ở những đứa trẻ lớn hơn.

Con/cháu/em cảm ơn

Nếu thấy đứa trẻ biết nói lời cảm ơn với người đã giúp đỡ mình thì đây là đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép và hiểu chuyện. Trẻ là người có trí tuệ cảm xúc cao, biết quan tâm và giúp đỡ người khác.

Lời cám ơn là một cụm từ quen thuộc với mọi người chúng ta. Lời cám ơn thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Nó còn là cách thể hiện sự văn minh, tôn trọng xuất phát từ tấm lòng chân thành của bản thân với người khác.

 Ảnh minh họa

Trẻ sớm biết nói lời cảm ơn chứng tỏ trẻ rất hiểu chuyện, thông minh và chắc chắn lớn lên con sẽ là người tử tế. Vì thế, khi thấy con thường xuyên nói lời cảm ơn, cha mẹ có thể mừng thầm và hãy khích lệ việc làm tốt này của trẻ.

 

Con có thể làm điều này không?

Một đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh, được giáo dục tử tế sẽ có những hành động rất nề nếp. Khi trẻ đến một nơi khác, luôn “thám thính” tình hình trước sau đó mới quen dần với môi trường. Khi trẻ đến nhà người khác chơi, trẻ sẽ không tự ý làm bất cứ điều gì mà không có sự cho phép của người lớn.

Đó là những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao sẽ thường hỏi ý kiến người khác trước khi làm điều gì đó. Chẳng hạn như: "Cô ơi, cháu có thể ăn bánh được không?", "Bà ơi, cháu có thể lấy đồ chơi trong giỏ được không?"… Là cha mẹ, chắc chắn bạn cảm thấy tự hào trước những lời nói ấy của con.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

H.V (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe