Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng là căn bệnh khá phổ biến, gây khó chịu cho trẻ và cha mẹ phải lo lắng. Hãy cùng tìm hiểu cách chữa trị bệnh nhiệt miệng của trẻ. 

Cúc Nguyễn 07:47 22/02/2020

Nhiệt miệng là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, với đối tượng trẻ sơ sinh khi gặp phải bệnh này chưa thể sử dụng các biện pháp điều trị thông thường bởi hệ miễn dịch của trẻ trong giai đoạn này còn yếu. Bài viết xin chỉ ra những dấu hiệu khi trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng và phương pháp điều trị hiệu quả.

Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng - Ảnh minh họa: Internet

Thế nào là nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh? 

Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng hay còn gọi là lở miệng là tình trạng tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc nướu răng khiến cho trẻ cảm thấy đau, khó khăn khi ăn hoặc bú sữa. Khi bị nhiệt miệng, trẻ sơ sinh có cảm giác khó chịu, hay quấy khóc, bỏ bú hoặc bỏ ăn làm cho các bậc cha mẹ cảm thấy rất lo lắng. 

Hiện tượng nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có thể do một số nguyên nhân sau: 

  • Do cắn vào nướu, niêm mạc má hay lưỡi tạo ra các tổn thương ở vùng miệng. 
  • Ăn các thức ăn quá nóng gây loét niêm mạc 
  • Do một số loại virus như herpes simplex làm trẻ sơ sinh bị nấm miệng, loét miệng. 
  • Một số trẻ bị thiếu các chất >dinh dưỡng như kẽm, sắt, axit folic hoặc các vitamin A, B, C, PP làm giảm sức đề kháng trong cơ thể của trẻ, tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển.
  • Trẻ bị một số bệnh về chân tay miệng, nhiễm trùng về tai mũi họng, thủy đậu… cũng là nguyên nhân khiến >trẻ bị nhiệt miệng. 
Có nhiều nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng 

Khi bị nhiệt miệng sẽ có những vết loét bên trong miệng, bề mặt của lưỡi hoặc trên nướu răng của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu phổ biến thường gặp ở căn bệnh này như:

  • Trên bề mặt lưỡi có vết loét hoặc những mụn nhỏ.
  • Sưng lợi: trẻ bị nhiệt miệng sưng lợi, sưng nướu hoặc răng, có thể chảy máu. 
  • Sốt: trẻ bị nhiệt miệng và sốt. 
  • Trẻ đau miệng, bỏ ăn hoặc bỏ bú, hay quấy khóc.
Sưng, loét tại môi, lưỡi là những dấu hiệu của bệnh nhiệt miệng - Ảnh minh họa: Internet

Cách điều trị nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh 

Do trẻ sơ sinh còn quá nhỏ nên không thể sử dụng phương pháp điều trị cho uống thuốc khi chữa nhiệt miệng. Do đó, cha mẹ cần áp dụng những cách chữa trị phù hợp, hiệu quả cho trẻ.

  • Cho trẻ súc miệng bằng nước ấm và nước muối pha loãng: Mẹ cần dùng rơ miệng để thấm nước muối sinh lý vào vết loét trên miệng của trẻ. Lưu ý cần làm một cách nhẹ nhàng tránh làm cho trẻ đau, giãy giụa.
  • Sử dụng một số loại thuốc mỡ an toàn cho trẻ nhỏ để làm dịu và lành vết loét. Tuy nhiên trước khi sử dụng, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem thuốc có phù hợp với trẻ hay không.
  • Dùng siro chữa nhiệt miệng cho bé, nên cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, chia ra uống nhiều lần trong ngày.
  • Cho trẻ bú nhiều hơn để bù nước bởi mất nước có thể làm cho tình trạng nhiệt miệng trở nên nghiêm trọng.
  • Khi trẻ đang uống sữa thì nên làm mát sữa để giảm cảm giác đau đớn cho trẻ. 
Sử dụng rơ lưỡi chấm nước muối sinh lý chữa nhiệt miệng cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, mẹ cũng có thể áp dụng một số mẹo dân gian để chữa nhiệt miệng cho trẻ:

  • Sử dụng lá rau ngót: Lá rau ngót rửa sạch, giã nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Sử dụng rơ miệng hoặc bông gạc nhúng nước rau ngót rồi chấm vào chỗ sưng, loét của bé. Bôi ngày từ 2 đến 3 lần cho trẻ.
  • Củ cải: có tác dụng rất hiệu quả trong điều trị nhiệt miệng cho trẻ. Bạn cạo vỏ củ cải, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ rồi đem xay hoặc giã nhuyễn. Lọc lấy nước củ cải hoặc cho thêm một ít nước sôi để giảm vị cay. Lấy rơ miệng hoặc bông chấm nước của cải vào vết sưng tấy, loét miệng ở trẻ nhỏ. Làm đều đặn nhiều lần trong ngày để giảm các triệu chứng nhiệt miệng cho trẻ.
Nước lá rau ngót chữa nhiệt miệng cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Biện pháp phòng nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh 

  • Thường xuyên vệ sinh miệng cho trẻ mỗi ngày bằng nước muối sinh lý loãng. 
  • Sử dụng rơ lưỡi đều đặn để vệ sinh miệng cho trẻ. 
  • Luôn đảm bảo giấc ngủ đều đặn cho bé vì trong giai đoạn này giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ.
  • Cho trẻ bú sữa hoặc ăn theo những giờ nhất định trong ngày.

Ngoài ra, khi trẻ đang bú sữa mẹ thì chế độ ăn uống của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Vậy trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng mẹ nên ăn gì?

  • Củ cải: Bạn có thể chế biến các món ăn như luộc, nấu với củ cải hoặc đem xay củ cải lấy nước uống.
  • Uống nước ép rau má hoặc râu ngô bởi các loại nước này có tính mát, có tác dụng giải nhiệt tốt cho trẻ đang bị nhiệt miệng.
  • Rau ngót, mồng tơi: Đây là những loại rau có tính mát, bạn nên sử dụng các loại rau này để nấu canh.
  • Mẹ cũng nên chọn các loại thịt có tính thanh mát như thịt vịt trong các bữa ăn hàng ngày thay vì sử dụng các loại đạm động vật khác.
Mẹ nên sử dụng các thực phẩm có tính mát khi trẻ bị nhiệt miệng - Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là những tìm hiểu về dấu hiệu cũng như cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích để bạn đọc có thể áp dụng cho bé nhà mình một cách an toàn, hiệu quả.

Cúc Nguyễn | Theo Phụ nữ sức khỏe