Cúm A có những triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường do đó rất dễ nhầm lẫn. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Cúm A là cúm gì?
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus Cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9.
Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Do đó, bệnh Cúm A lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi tập trung nhiều người như các lễ hội mùa xuân, trường học, khu vui chơi….
Nguyên nhân mắc cúm A
Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.
Ngoài ra, một người còn có thể mắc cúm A khi:
Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt (ly, chén, muỗng, khăn,…) với người bệnh, hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ gia dụng trong gia đình có chứa virus (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng;
Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A, cũng có thể lây bệnh như các loài động vật có vú như lợn, ngựa hay các loại gia cầm.
Tập trung ở những nơi tập trung đông người như công viên, nhà trẻ, trường học, công sở… cũng là điều kiện thuận lợi để lây lan virus.
Diễn biến các giai đoạn của bệnh cúm A
Thời gian ủ bệnh của cúm A dài hơn bệnh cúm mùa thông thường. Thông thường, thời gian ủ bệnh của cúm A có thể từ 2-8 ngày và có thể kéo dài lên đến 17 ngày.
Tuy nhiên, phơi nhiễm nhiều lần với virus có thể dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian ủ bệnh của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời kỳ ủ bệnh 7 ngày áp dụng cho việc điều tra và theo dõi những người đã từng có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A.
Người mắc bệnh cúm A thường đào thải virus trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Trong một số trường hợp có thể dài hơn từ 7-10 ngày.
Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày, bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu; nhưng ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài. Tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn sau khoảng 1-2 tuần.
Cách phòng bệnh
Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt đối với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân cúm tăng bất thường thời điểm này.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.
Lưu ý:
Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến >sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của bản thân đứa trẻ.
Ba mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm A trở nặng sau đây để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:
Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh.
Co giật.
Khó thở, thở nhanh.