Cho rằng ăn trứng vịt lộn giúp bé phát triển cân nặng hiệu quả, nhiều bà mẹ sốt ruột muốn bổ sung món ăn này thường xuyên vào thực đơn của con.
Sự phát triển của trẻ về thể chất, trí tuệ luôn được bất cứ cha mẹ nào quan tâm. Cân nặng của trẻ tất nhiên không ngoại trừ, thậm chí còn là một vấn đề được phụ huynh luôn quan trọng hóa. Đành rằng con thiếu chút cân nặng so với độ tuổi thì không sao nhưng có những trẻ nhẹ cân kéo dài, nhẹ cân quá so với độ tuổi lại khiến người làm cha, làm mẹ không khỏi lo lắng. Trước vấn đề cân nặng, nhiều cha mẹ nghĩ đến việc bổ sung> trứng vịt lộn cho con để tăng cân hiệu quả.
Mới đây một độc giả gửi câu hỏi cho như sau:
Con trai tôi 4 tuổi nặng 13kg, tôi lo rằng điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng và chiều cao cũng như sự phát triển não bộ của bé. Nghe nói ăn trứng vịt lộn sẽ giúp trẻ tăng cân tốt hơn. Xin hỏi bác sĩ, điều này có đúng không? Nếu bổ sung để tăng cân cho con mình, tôi có nên cho ăn đều mỗi ngày được không?
Chào bạn!
Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân rất bổ dưỡng của nước ta. Trong một quả trứng vịt lộn cung cấp 182kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipid, 82mg canxi, 212g photpho và 600mg cholesterol cùng rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt...
Tuy nhiên, với trường hợp của con bạn, bé mới 4 tuổi thì không nên ăn trứng vịt lộn. Trong 100g trứng vịt lộn có khoảng 1.000mcg vitamin A, trong khi nhu cầu hàng ngày của trẻ dưới 5 tuổi chỉ ở khoảng 300-500mcg. Xét tiêu chí ăn một quả mỗi ngày cũng đã vượt chỉ tiêu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nếu cho bé ăn thường xuyên trứng vịt lộn sẽ khiến lượng vitamin A dư thừa, trẻ dễ bị vàng da, bong tróc biểu bì, ảnh hưởng đến sự hình thành của xương, khiến trẻ khó có thể phát triển toàn diện. Chưa kể, đây là món có hàm lượng cholesterol cao, ăn thường xuyên sẽ gây tích lũy cholesterol, là nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ gan, mỡ máu cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, hệ thống tiêu hóa của bé ở tuổi này chưa hoàn thiện, sự chuyển hóa các chất trong hệ thống tiêu hóa của trẻ lúc này chưa thực sự trơn tru, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Do đó, tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn loại thực phẩm này khi đã đủ 5 tuổi trở lên. Trường hợp con bạn bị nhẹ cân thì nên đi khám >dinh dưỡng để phát hiện nguyên nhân gốc rễ và có hướng xử lý đúng đắn nhất.
Chúc bé nhà bạn luôn ngoan khỏe!