Lo sợ đường ruột trẻ còn non yếu không tiêu thụ được chất béo, nhiều người không cho dầu, mỡ vào chế độ tập ăn dặm của trẻ. Tuy nhiên, quan niệm này có thật sự đúng?
Thiếu mỡ, trẻ dễ suy >dinh dưỡng, thấp còi
Nhắc đến chất béo, chúng ta thường có suy nghĩ nó không tốt cho >sức khỏe. Chính vì thế, khi chăm sóc trẻ nhỏ, nhiều cha mẹ tìm cách hạn chế chất này trong bữa ăn của trẻ, đặc biệt là trẻ mới bắt đầu ăn dặm.
Chị Đinh Ngọc Ánh, Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là con trai tôi bắt đầu tập ăn dặm. Tôi muốn cho con ăn luôn bột mặn và sẽ nêm nếm dầu mỡ đầy đủ, thế nhưng, mẹ tôi lại nói, lúc mới tập ăn thì không nên cho trẻ ăn dầu mỡ, vì rất dễ bị tiêu chảy. Điều này khiến tôi thực sự băn khoăn”.
Không chỉ chị Ánh, nhiều người cho rằng, trẻ ăn dầu mỡ sẽ bị tiêu chảy. Quan điểm này xuất phát từ suy nghĩ đường ruột của trẻ còn non nớt, không thể tiêu thụ được chất béo. Chính vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy, đường ruột kém, nhiều người cũng cho trẻ kiêng dầu mỡ.
Trên thực tế, đây là quan điểm không có cơ sở khoa học. Bởi lẽ, trong các loại sữa, và ngay cả sữa mẹ cũng đã có một hàm lượng chất béo nhất định. Thế nên, sẽ không có chuyện đường ruột của trẻ không tiêu thụ được chất béo. Ngược lại, nếu loại bỏ chất này ra khỏi chế độ ăn hàng ngày, trẻ thậm chí còn bị thiếu hụt dinh dưỡng, lâu dần có thể suy dinh dưỡng.
Giải thích về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi trẻ được 6 tháng, nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng nhiều hơn. Đó là lý do vì sao chúng ta bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Nếu 1g chất đạm, tinh bột, đường chỉ cung cấp 4kcal, thì 1g chất béo cung cấp đến 9kcal. Thế nên, nếu không được cung cấp lượng chất béo hợp lý, trẻ dễ thiếu năng lượng và rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương. Ngoài ra, chất béo cũng là dung môi để cơ thể trẻ có thể hấp thụ nhiều hơn các vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin A, D, K, DHA… Do đó, càng không nên tìm cách hạn chế chất này trong thực đơn hàng ngày của trẻ.
Trẻ thừa cân, béo phì vẫn cần chất béo
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga, khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm sẽ cần khoảng 2,5ml dầu mỡ/bữa (khoảng nửa thìa cà phê); tầm 7-8 tháng sẽ cần khoảng 5ml (1 thìa cà phê). Trẻ khoảng 1 tuổi thì lượng dầu mỡ mỗi bữa sẽ khoảng 1,5 thìa.
Với trẻ thừa cân, béo phì, nhiều người nghĩ rằng không nên cho ăn dầu mỡ. Tuy nhiên, vì trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên vẫn cần đến chất béo để làm nguồn dẫn, hòa tan các vitamin và khoáng chất. Tất nhiên, trẻ thừa cân thì hàm lượng này nên giảm bớt so với bình thường.
Ở Việt Nam, chúng ta thường sử dụng dầu ăn nhiều hơn mỡ. Thế nhưng, chế độ dinh dưỡng lý tưởng sẽ cần xen kẽ cả dầu và mỡ với tỷ lệ: 70 - 30; tức là cứ 2 bữa ăn dầu sẽ có 1 bữa ăn mỡ. Đối với dầu thực vật, chúng ta nên dùng luân phiên các loại dầu nành, dầu mè, ôliu, hướng dương… để giúp cân bằng dinh dưỡng. Riêng với mỡ động vật, mỡ gà là tốt nhất vì nó giúp cân bằng các axit amin.
Dầu, mỡ là thực phẩm quen thuộc với mỗi người, thế nhưng, sử dụng nó như thế nào cho đúng cách thì không phải ai cũng biết. Thừa mỡ không chỉ gây béo phì mà còn gây ra một loạt các hệ lụy khác với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá ít hoặc cắt bỏ hoàn toàn dầu, mỡ ra khỏi chế độ ăn hàng ngày, nó sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Nếu không được cung cấp lượng chất béo hợp lý, trẻ dễ thiếu năng lượng và rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương. Ngoài ra, chất béo cũng là dung môi để cơ thể trẻ có thể hấp thụ nhiều hơn các vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin A, D, K, DHA… Do đó, càng không nên tìm cách hạn chế chất này trong thực đơn hàng ngày của trẻ.