Khi con không nghe lời, nhiều cha mẹ có xu hướng quát mắng, chỉ trích hoặc dùng hình phạt, lấy uy quyền của người lớn để dạy dỗ con.

00:19 22/07/2023

Khi dùng bạo lực với con dù dưới hình thức lời nói hay hình phạt cũng đang đồng nghĩa với việc bạn dạy trẻ rằng, bạo lực là cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề. Trẻ nhỏ như những trang giấy trắng, tờ giấy ấy thay đổi ra sao sẽ tuỳ thuộc vào phương pháp nuôi dạy và giáo dục của bố mẹ, thầy cô và nhà trường. 

Phần lớn những năm tháng đầu đời, con ở bên bố mẹ toàn bộ thời gian, đây chính là lúc mà trẻ học và hình thành nên thói quen cũng như tính cách của bản thân mình. Có lẽ vì thế mà việc giáo dục con trong thời kỳ này cũng vô cùng quan trọng.

Những đứa trẻ thường xuyên phải nghe những câu dưới đây từ bố mẹ về lâu dài sẽ hình thành nên tính cách tự ti, buồn chán chính bản thân mình. Trong tương lai, các con sẽ yếu đuối và khó thành công. Không chỉ thế, cha mẹ thường xuyên nói ra 3 câu này là thừa nhận sự thất bại trong >cách >nuôi dạy con cái, khi không thể ép con nghe lời đã thốt ra những lời nói làm tổn thương bé. 

1. "Dốt quá, chẳng được tích sự gì"

Khi một đứa trẻ bị nói là dốt, con sẽ tự dán nhãn cho mình cụm từ đó. Nhiều cha mẹ trong lúc nóng giận hay thốt ra những câu như thế này. Họ cho rằng đây chỉ là một lời chỉ trích, mỉa mai đơn giản. Nói ra như một cách giúp bản thân giải toả nhưng bố mẹ lại không hề biết con mình sẽ chịu tổn thương như thế nào. 

Đôi khi, cha mẹ nói ra câu này chỉ để trút bực bội, lấy uy quyền người lớn để quát nạt con trẻ. Thế nhưng hậu quả sẽ khiến trẻ tự ti, nghi hoặc bản thân, thậm chí là cảm thấy bố mẹ không yêu mình, không dành tình yêu thương cho mình nữa. 

Nói câu này cũng thể hiện sự bất lực và thất bại trong việc giáo dục con cái. Tốt nhất khi nóng giận, phụ huynh nên để bản thân bình tĩnh lại. Trước khi nói ra những lời trách móc, hãy đặt mình vào vị trí của con. Việc con phải hình thành nỗi sợ hãi chính là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rạn nứt.

2. "Con nhìn em con đi, con làm chị mà không giỏi bằng em"

Có thể bố mẹ nghĩ việc so sánh này khiến con cảm thấy hổ thẹn mà cố gắng hơn, thế nhưng nó lại gây ra tác dụng ngược. Đầu tiên là con cảm thấy tự ti, buồn chán, tự trách bản thân vì không bằng em mình. Tiếp đến sẽ làm rạn nứt mối quan hệ giữa các con. 

Bố mẹ đều hiểu rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, có tài năng, phẩm chất và tính cách không giống nhau. Có đứa thích hội hoạ nhưng có bé lại mê toán học... Quan trọng nhất là bố mẹ nên khơi gợi, hướng con tìm kiếm tài năng phù hợp với bản thân mình. 

Chính vì vậy, việc so sánh là không hợp lý. Đừng lấy một ai đó ra làm hình mẫu rồi bắt con mình phải noi theo. Hãy tôn trọng sở thích hay niềm đam mê của con, biến nó trở thành động lực và luôn ủng hộ bé trên hành trình của mình. 

3. "Không hiểu sao lại sinh ra một đứa con như thế này"

Khi nói ra câu này, bố mẹ có nghĩ đến bản thân đã từng mong ngóng, yêu thương con thế nào khi bé mới chào đời. Một đứa trẻ trên hành trình trưởng thành phải trải qua rất nhiều giai đoạn, bao gồm cả khủng hoảng tâm lý. Khi con gặp khó khăn và thất bại, nếu bố mẹ trách móc như vậy thì làm sao chúng đủ dũng cảm để đương đầu với những khó khăn ngoài kia?

Câu nói này người ngoài nghe cũng cảm thấy đau lòng chứ chưa nói đến một đứa trẻ. Cảm giác bản thân thừa thãi, không được bố mẹ coi trọng, thấp kém so với anh em bạn bè là một điều rất tồi tệ. Bố mẹ giỏi không có nghĩa là con phải như vậy và ngược lại. Thế nên thay vì trách móc bố mẹ hãy định hướng, đưa ra lời khuyên phù hợp cho các con.

Khi tức giận hãy kìm chế và giữ bình tĩnh. Những câu thốt ra trong lúc nóng giận thường sẽ làm tổn thương người khác vô cùng. Đặc biệt là với những đứa trẻ, chúng xứng đáng được nghe những lời yêu thương hơn là quở trách, quát tháo.

 

 

Theo Thảo Hương/Tổ Quốc