Thời điểm con chuẩn bị bước vào lớp 1 là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của chính các con và cũng là giai đoạn khó khăn, nhiều lo lắng của các bậc phụ huynh.
Đối với các bé mẫu giáo việc chuẩn bị bước chân vào lớp 1 dường như là bước ngoặt lớn. Ở giai đoạn này, các bé sẽ phải đối diện với những thay đổi lớn như môi trường học, phương pháp giảng dạy, xã hội xung quanh, thói quen sinh hoạt,... Quá trình chuyển giao này còn ảnh hưởng nhiều đến sự tìm tòi học tập, tính chủ động trong việc tiếp thu kiến thức và hình thành phẩm chất của trẻ. Do đó, để các bé không quá bỡ ngỡ khi chuyển cấp, ba mẹ cần có những chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bố mẹ nên làm công tác tư tưởng trước cho con về ngôi trường mới mà con sắp đặt chân vào. Cần nói cho trẻ biết đó là nơi sẽ cho con kiến thức, mở ra trước mắt con nhiều điều thú vị. Tuyệt đối không dọa con theo kiểu: “Chuẩn bị phải học hành nghiêm túc rồi đấy. Lơ mơ là chết với mẹ”.
Đặc biệt trong ngày đầu đưa con tới trường, cha mẹ cần tạo cho con cảm giác an tâm. Hãy nắm chặt bàn tay nhỏ bé của con, để dù lát nữa cha mẹ có buông tay ra, trẻ vẫn còn cảm thấy hơi ấm hoặc sức mạnh tinh thần từ bàn tay của cha mẹ. Có những phụ huynh chở con đến cổng, thả con hoặc ấn con vào bên trong rồi điềm nhiên đi về mặc cho con khóc hết nước mắt vì sợ hãi.
Hành động theo kiểu: “Giúp nó tự lập” như thế sẽ dẫn tới sự sợ hãi phải đến trường trong trong những ngày tiếp theo của trẻ. Tuy nhiên, cũng không nên thập thò ở cổng hoặc ở cửa lớp vì không yên tâm về con. Làm như vậy, trẻ sẽ càng bịn rịn và mất tập trung.
Nếu ở mẫu giáo, các hoạt động chủ yếu là chơi thì lên tiểu học lại chủ yếu là học. Ở mẫu giáo, các em có thể chạy chỗ nọ chỗ kia trong lớp hoặc nói chuyện với bạn này bạn nọ, đôi lúc là vừa chơi vừa hát nhưng lên lớp 1, phải học nhiều hơn, học nhiều môn lại ngồi trong một thời gian khá lâu (từ 45 - 60 phút) cho nên đòi hỏi trẻ ngay lập tức vào khuôn khổ là điều tương đối khó.
Lên lớp 1, trẻ phải bắt đầu làm quen với những nội quy chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn. Các hoạt động giáo dục mang tính bài bản và toàn diện hơn. Vì thế, sẽ không tránh khỏi trẻ bị thay đổi một số thói quen. Không ai khác, cha mẹ phải là người giúp trẻ hình thành thói quen mới.
Ví dụ, trước khi con vào lớp 1, để tránh cho con sự lúng túng, bố mẹ nên tập cho con thói quen ăn, ngủ đúng giờ. Thậm chí cả thói quen đi vệ sinh vào một giờ nhất định bởi ở mầm non, buồn đi vệ sinh lúc nào trẻ có thể chạy vào nhà VS nhưng lên lớp 1, khu VS có thể sẽ ở xa khu học tập, lại chỉ được đi vào giờ ra chơi. Không ít trường hợp có trẻ tè ra quần trong giờ học.
Cha mẹ cũng cần dạy con biết đối mặt với những điều chưa từng có ở bậc mầm non ví dụ như bị phạt. Mỗi thầy cô sẽ có một cách phạt học trò khác nhau nếu như trẻ vi phạm nội quy của trường, lớp. Cần phải để trẻ thấy chúng đã mắc sai lầm gì và đó là cách để chúng tiến bộ. Cha mẹ nên thường xuyên hỏi chuyện con, chia sẻ những suy nghĩ hay lo lắng trong con những buổi học đầu tiên.
Trước môi trường học tập mới, thầy cô, bạn bè mới trẻ đã lúng túng lắm rồi. Vì vậy, trong những ngày đầu con vào lớp 1 cha mẹ đừng nên hỏi con được mấy điểm mà hãy hỏi con học được những gì.
Trong thời đại công nghiệp như hiện nay, số phụ huynh quan tâm tới hứng thú học tập của con không nhiều. Họ cho rằng học là một nhiệm vụ bắt buộc không phải thích hay không mà được. Tuy nhiên, với trẻ mới vào lớp 1 thì điều này lại vô cùng quan trọng. Việc chuyển từ học hát, học múa sang viết chữ, làm toán với thời lượng dài hơn, khó hơn khiến không ít trẻ không bắt nhịp được với các bạn. Từ đó dễ nảy sinh tâm lí chán học, sợ học. Bố mẹ hãy bỏ thời gian học cùng con.
Ví dụ: “Nay cô dạy con bài gì thế? Có thể kể lại cho mẹ nghe được không?”. Thậm chí khi cần, bố mẹ còn phải tỏ ra không biết kiến thức đó để bé giảng lại... Như vậy, bé vừa dễ thuộc bài, lại chủ động tự tin trong việc tiếp thu kiến thức. Việc con học ở nhà cha mẹ cũng nên để trẻ thích nghi dần dần. Bởi ở mẫu giáo đi học về trẻ không phải làm bài tập còn lên lớp 1, trẻ có thể sẽ có nhiều bài tập cần làm trong buổi tối.
Đi học cả ngày, tối lại phải thức khuya làm bài tập nên trẻ có thể sẽ thiếu kiên nhẫn hoặc mất tập trung. Nếu trẻ không thể cố được, cha mẹ nên cho con đi ngủ. Đừng “ép dầu ép mỡ” con phải thức đến 11-12h như sinh viên đại học.
Việc thay đổi môi trường học tập, thói quen sinh hoạt nhất định sẽ có những ảnh hưởng tới >sức khỏe. Ví dụ, ở mẫu giáo, khi đói, trẻ có thể chạy ra balo lấy bánh hoặc sữa ăn nhưng lên lớp 1 lại không được như vậy. Hay món ăn các cô Tiểu học nấu không giống với khẩu vị của chúng khi còn ở mẫu giáo; bài vở nhiều, thức khuya để học cũng gây căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, cha mẹ cần đảm bảo >dinh dưỡng cho con. Đa dạng các món ăn trong bữa cơm gia đình. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ là điều kiện tốt nhất để thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh.