Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ nào cũng muốn con khỏe mạnh, thông minh, có tương lai tươi sáng. Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều cha mẹ đã quan tâm đến việc trí thông minh, chỉ số IQ của trẻ.
Đối với trẻ 3 tuổi, mẹ có thể theo dõi một số biểu hiện dưới đây để đánh giá chỉ số thông minh của con.
Khả năng vận động tinh
Mức độ phát triển khả năng vận động của trẻ sẽ thay đổi theo từng độ tuổi. Kỹ năng vận động là những hoạt động mà bé sử dụng các cơ nhỏ để điều khiển bàn tay, ngón tay, giúp con thực hiện nhiều động tác khó. Chẳng hạn như cầm nắm đồ chơi, vẽ tranh, cầm bút, viết chữ, cắt kéo...
Khả năng vận động tinh sẽ phát triển thông qua quá trình học hỏi từ người lớn, tiếp xúc với nhiều loại vật liệu trong thực tế.
Ở trẻ 3 tuổi, các hoạt động tinh của con càng rõ ràng thì chứng tỏ bé càng thông minh. Bởi khi đó não bộ và hệ thần kinh của trẻ phát triển, bé có thể học hỏi các kỹ năng mới một cách nhanh chóng, bao gồm cả những kỹ năng khó.
Theo các chuyên gia, trẻ 3 tuổi có thể thực hiện các vận động tinh như vặn nắm cửa, rửa tay, tự cầm muỗng xúc đồ ăn, tự xếp hình, tự cầm bút viết, tự bóc vỏ kẹo, cắm ống hút sữa....
Vốn" ngôn ngữ của trẻ
Khi trẻ 3 tuổi, hầu hết các bé đã nói khá rõ ràng, mạch lạc. Trẻ học được nhiều từ mới và cải thiện kỹ năng phát âm. Con hiểu được 1000 từ trở lên. Từ 36 tháng trẻ có thể thu nhận được 1500 đến 2000 từ một năm.
Những đứa trẻ thông minh sẽ có thành tích vượt trội trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Hàng ngày con có thể tiếp thu thêm 4-6 từ mới. Các từ vựng liên quan đến các sự vật, sự việc phổ biến hoặc những người quen thuộc; các từ chỉ hành động, các từ mô tả, định lượng, từ để hỏi. Ngoài ra còn tăng thêm lượng từ nối câu như "và, bởi vì, nhưng, nếu…". Các từ vựng liên quan đến con số, cảm xúc, đồ chơi quen thuộc, tên người thân...
Bên cạnh đó, trẻ sẽ cho thấy khả năng thấu hiểu ngôn ngữ của bản thân qua các cuộc hội thoại, bài hát, bài thơ... Hiểu cách giải thích về các sự vật, hiện tượng khi có sự hỗ trợ hoặc quan sát trực tiếp.
Ngoài ra, trẻ sẽ biết cách chia sẻ những trải nghiệm cá nhân thông qua lời nói. Ví dụ như con có thể nói ra cảm xúc của mình, đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc về thế giới quan... Kỹ năng giao tiếp của con cũng được hoàn thiện, phát triển.
Khả năng ghi nhớ
Những trẻ thông minh thường có thể lưu giữ một lượng lớn thông tin và ghi nhớ trong một thời gian dài. Ngay từ những năm đầu đời, bé có thể sở hữu trí nhớ vô cùng sắc bén. Trẻ có khả năng ghi nhớ nơi giấu đồ chơi, bánh kẹo.
Bên cạnh đó, bé còn dễ dàng nhớ những địa điểm đã ghé thăm trước đây, tên của nhiều người và thậm chí cả vị trí cụ thể của những đồ vật mà người lớn thường không nhớ đã để ở đâu.
Với óc quan sát nhạy bén, khả năng phân loại ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và các chi tiết khác nhau, trẻ thông minh thường nổi bật hơn những bé cùng tuổi. Trong khi những trẻ khác có thể quên một số điều nhất định, trẻ thông minh thường nhớ từng thông tin chi tiết đã được bộ não xử lý.