Sữa chua làm từ sữa mẹ không những an toàn đối với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ mà còn rất giàu dinh dưỡng. Dưới đây là cách làm sữa chua từ sữa mẹ cực đơn giản.

Cúc Nguyễn 15:18 09/10/2020

Cách làm sữa chua từ sữa mẹ với nguyên liệu sẵn có, công thức đơn giản, không chỉ an toàn cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ mà còn giúp trẻ bổ sung rất nhiều chất >dinh dưỡng cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Trong bài viết sau, mời các bạn cùng Phunuvagiadinh tìm hiểu cách làm sữa chua từ sữa mẹ ngon nhất, đảm bảo đặc sánh, không bị tách nước.

Cách làm sữa chua từ sữa mẹ thơm ngon, bổ dưỡng - Ảnh minh họa: Internet

Nên cho trẻ dùng sữa chua từ sữa mẹ từ độ tuổi nào?

Theo một số nghiên cứu, sữa chua chứa lượng lớn protein, chất đạm, chất đường, các loại vitamin và khoáng chất đa dạng, giúp tăng cường sức đề kháng, tăng trưởng chiều cao, giúp xương chắc khỏe hơn. Đặc biệt, sữa chua còn chứa các probiotics lợi khuẩn giúp chuyển hóa lactose, giảm hầu hết các triệu chứng cơ thể không chấp nhận lactose. 

Việc cho trẻ sử dụng sữa chua đúng cách, liều lượng hợp lý cực kỳ có lợi cho hệ tiêu hóa và đường ruột của trẻ, giúp trẻ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng độ tuổi phù hợp để bé ăn được sữa chua là 7-8 tháng tuổi. Lúc này, hệ cơ quan bên trong cơ thể đứa trẻ đã gần như hoàn chỉnh, đường ruột của bé cũng dẫn hoàn thiện. 

Trẻ từ 7-8 tháng tuổi là có thể bắt đầu ăn sữa chua - Ảnh minh họa: Internet
  • Trẻ dưới 1 tuổi: ăn được khoảng 50g/ngày, loại trắng không đường.
  • Trẻ từ 1-2 tuổi: ăn được khoảng 80g/ngày, loại sữa chua ít đường hoặc sữa chua kết hợp trái cây.
  • Trẻ từ 3 tuổi trở lên: ăn được khoảng 100g/ngày (tương đương 1 hộp), loại sữa chua có đường, ít đường, không đường hoặc kết hợp với trái cây.

Cách làm sữa chua từ sữa mẹ thơm ngon

Cách làm sữa chua bằng sữa mẹ cũng tương tự như cách làm sữa chua thông thường, chỉ khác ở thành phần sữa mẹ. Với nhiều mẹ, lượng sữa tích trữ trong tủ đông khá nhiều, các mẹ có thể quay nóng để cho trẻ dùng trực tiếp hoặc chế biến thành các món ăn dặm đổi khẩu vị cho trẻ, chẳng hạn như sữa chua.

Nguyên liệu chuẩn bị

  • 200ml sữa mẹ.
Nguyên liệu làm sữa chua từ sữa mẹ - Ảnh minh họa: Internet
  • 1 hộp sữa chua không đường (cho loãng ra ở nhiệt độ thường).
  • Một vài hũ thủy tinh rửa sạch, tiệt trùng.
  • Nồi cơm điện.

Cách làm sữa chua bằng sữa mẹ cho bé

  • Bước 1: Cho phần sữa mẹ trữ đông ra bát, rã đông rồi cho vào nồi, đun nóng khoảng 2-3 phút, tắt bếp khi thấy sữa sôi lăn tăn ở xung quanh mép nồi. Hoặc bạn cũng có thể dùng nhiệt kế đo khoảng 65 – 70 độ C. Chú ý không đun sôi sữa vì sẽ làm mất đi các dưỡng chất bên trong.
  • Bước 2: Chờ khi phần sữa mẹ nguội bớt, còn khoảng 40 – 45 độ C thì thêm ¼ hộp sữa chua không đường vào. Khuấy đều tay một cách nhẹ nhàng cho đến khi sữa chua tan hết, hòa quyện vào sữa mẹ. Lưu ý không khuấy mạnh quá, gây ảnh hưởng tới hoạt động của vi khuẩn có lợi trong sữa chua.
Khuấy đều cho sữa chua tan hết vào sữa mẹ - Ảnh minh họa: Internet
  • Bước 3: Cho hỗn hợp vào các hũ thủy tinh, dùng màng bọc thực phẩm đậy kín. Sau đó, xếp các hũ sữa chua vào nồi cơm điện, cho nước ấm khoảng 40-45 độ C vào nồi, lưu ý để nước ngập khoảng ⅓ hũ. Bật nồi cơm điện ở chế độ ủ ấm (warm) trong thời gian khoảng 7-8 tiếng.
  • Bước 4: Sau khi ủ xong, bạn sẽ thu được những hũ sữa chua thơm ngon, đặc sánh. Hãy dùng nắp đậy kín hũ lại rồi cho vào, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh - Ảnh minh họa: Internet

Công thức làm sữa chua từ sữa mẹ không bị tách nước

Nhiều mẹ cảm thấy bối rối, không biết vì sao và làm sao để khắc phục hiện tượng sữa chua từ sữa mẹ bị tách nước. Dưới đây là một vài lưu ý mà các mẹ cần nhớ:

  • Chỉ làm sữa chua từ sữa mẹ được vắt trực vào bình hoặc sữa trữ đông trong tủ lạnh. Với những loại sữa mẹ được trữ đông, cần thanh trùng bằng cách đun nóng đến khi có bọt lăn tăn là được. Tuyệt đối không dùng lại sữa mẹ trữ đông đã hâm nóng 1 lần hoặc dư lại nhiều lần.
  • Khi khuấy sữa chua men cái vào sữa mẹ, cần thực hiện nhẹ tay, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của các vi khuẩn có lợi.
Chú ý khuấy sữa đều tay để tránh ảnh hưởng tới các men vi sinh - Ảnh minh họa: Internet
  • Nếu phần sữa chua cái cho vào sữa mẹ vẫn còn lạnh hoặc chưa loãng ra thì rất dễ làm sữa chua bị tách nước.

>>> Xem thêm:

- Hướng dẫn cách làm sữa chua phô mai dẻo ngon trọn vị

- Cách làm sữa chua uống tại nhà đơn giản và thơm ngon nhất

Lưu ý khi cho bé ăn sữa chua từ sữa mẹ

  • Không dùng sữa mẹ hoặc sữa chua men cái không rõ nguồn gốc, bị hỏng hoặc hết hạn vì chúng có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị rối loạn, đi ngoài.
  • Tiệt trùng các dụng cụ trước khi làm sữa chua. 
  • Trước khi chế biến, cần làm ấm sữa chứ không nấu sôi.
  • Nhiệt độ để ủ sữa chua nên ở mức phù hợp, không nên nóng quá hay lạnh quá vì men sẽ bị ảnh hưởng, tốt nhất là khoảng 40-45 độ C. Tránh di chuyển hũ thủy tinh khi ủ vì sẽ gây ảnh hưởng tới sự đông đặc, phá hỏng kết nối, từ đó làm sữa chua bị tách nước.
  • Theo dõi phản ứng của trẻ khi trẻ ăn sữa chua. Nếu thấy trẻ có phản ứng lạ như đi ngoài, đau bụng thì hãy ngừng cho trẻ sử dụng.
  • Nếu không sử dụng, hãy bảo quản sản phẩm trong tủ lạnh, đậy kín nắp để tránh vi khuẩn. Sử dụng tối đa không quá 2 ngày vì để lâu sẽ mất dinh dưỡng, thậm chí bị hỏng. Thời điểm tốt nhất để ăn sữa chua là sau bữa chính 20 phút.

Trên đây, chúng tôi đã hướng dẫn các bạn cách làm sữa chua từ sữa mẹ đơn giản và thơm ngon nhất. Mong rằng bài viết hữu ích cho các mẹ đang chăm con, tận dụng được nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé yêu của mình!

Cúc Nguyễn | Theo Phụ nữ sức khỏe