Nhiều bà mẹ thường chia sẻ kinh nghiệm đốt vía cho trẻ sơ sinh khi con có hiện tượng quấy khóc, bỏ bú, giật mình. Đây là những mẹo thông thường để đuổi đi 'vía dữ' được lưu truyền trong dân gian.
Dân gian quan niệm có sự tồn tại của vía lành và vía dữ trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều trẻ sơ sinh khi vô tình bị "phải vía" tức gặp phải vía nặng sẽ có dấu hiệu liên tục quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú khiến cha mẹ đứng ngồi không yên. Lúc này, nhiều bà mẹ thường học theo cách làm của người xưa, dùng những vật dụng có sẵn đốt vía cho trẻ.
Đốt vía cho trẻ sơ sinh (đốt phong long) là cách làm dân gian phổ biến ở nhiều vùng miền nước ta. Vật dùng để đốt vía có thể là dao, kéo, bó tỏi, bó dâu tằm, trái bồ kết.
Khi thấy trẻ khóc ngằn ngặt, nhiều bà mẹ sẽ đặt một con dao hoặc cái kéo đầu giường bé nằm ngủ để xua đuổi những vía dữ ảnh hưởng đến bé.
Nhiều người quan niệm tỏi có tác dụng trừ tà ma. Khi cho trẻ đi chơi xa nhiều gia đình thường bỏ sẵn củ tỏi trong túi áo quần trẻ em. Khi trẻ “phải vía” khóc triền miên, mẹ dùng vài củ tỏi ta treo ở đầu nằm của bé (giường, nôi…).
Trẻ sơ sinh chưa đầy tháng có dấu hiệu khóc nhiều, dỗ mãi không dứt, các bà mẹ nhiều nơi thường hái một bó dâu tằm tươi hoặc bó xương rồng treo trước cửa sổ. Theo quan niệm dân gian, dâu và xương rồng là những loại cây có thể đuổi được tà ma, những khí xấu đeo bám làm trẻ hay quấy khóc.
Trẻ gặp phải vía dữ, hay quấy khóc, dân gian còn mách mẹ dùng 1 chòm gai bồ kết và 3 cây dứa gai treo giữa cửa sổ. Sau đó sử dụng chậu nhôm đựng than hoa đốt, tiếp đến cho 4 quả bồ kết vào chậu để xông cho hết khí xấu trong nhà.
Ngoài ra, dân gian còn truyền lại nhiều kinh nghiệm >đốt vía cho trẻ sơ sinh thông dụng khác như: Dùng quần đen của bà già hoặc của người lớn tuổi để đầu giường; Dùng mớ tóc rối sau khi chải đầu vuốt lên người trẻ sơ sinh; Đốt chiếc nón lá cũ thành tro rồi bế trẻ bước qua 7 lần đối với bé trai, 9 lần đối với bé gái hoặc giữ lại cuống rốn trẻ sơ sinh treo lên cửa sổ để tránh vía dữ của khách đến thăm.
Những >cách đốt vía cho trẻ sơ sinh thông dụng nói trên thường nhằm trấn an tâm lý cho phụ huynh. Cách làm này chỉ mang tính chất tham khảo theo kinh nghiệm dân gian và vẫn chưa được kiểm chứng.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết ở góc độ khoa học, hiện tượng trẻ sơ sinh hay quấy khóc có thể lý giải theo nhiều nguyên nhân: Trẻ lạ nhà; Ban ngày trẻ hoạt động nhiều làm ban đêm khó ngủ, quấy khóc; Trẻ thiếu vitamin D... Cha mẹ cần theo dõi tình trạng >sức khỏe và lượng sữa bé bú hàng ngày để biết tình trạng sức khỏe của bé, không nên quá tin tưởng vào những kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian.