Khi phát hiện con trộm tiền hay đồ vật, nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy xấu hổ và nổi giận, chửi bới, thậm chí dùng đòn roi để răn đe, đánh mắng trẻ. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả.
Tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ đều có xu hướng tò mò và khao khát những gì mình không thể có. Vì vậy, trẻ ở mọi lứa tuổi từ mẫu giáo tới vị thành niên đều có thể xuất hiện tính "tắt mắt" ăn trộm.
Tuy nhiên, việc đánh mắng khi trẻ có hành vi ăn trộm vặt không giúp trẻ hiểu ra lỗi sai. Thay vào đó, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới thói “tắt mắt” dựa trên độ tuổi, sự trưởng thành của trẻ, những gì chúng đã đánh cắp và bối cảnh.
Ảnh minh họa
Lý do phổ biến dẫn đến thói "tắt mắt" ở trẻ
Thiếu kiến thức và hiểu biết
Việc trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo lấy đồ của người khác là điều thường thấy. Ở độ tuổi này, chúng chưa hiểu rõ về việc ăn cắp ảnh hưởng đến người khác như thế nào và nó có thể gây hại ra sao.
Tiến sĩ Candice W. Jones, một bác sĩ nhi khoa ở Sanford (Florida) cho biết: "Trẻ mới tập đi trải qua giai đoạn "của tôi". Chúng có thể lấy thứ gì đó nhưng đó không thực sự là hành vi ăn cắp".
Trẻ cũng có thể lấy thứ gì đó từ cửa hàng chỉ vì chúng không hiểu cách thức hoạt động của quyền sở hữu. Khái niệm mua một thứ gì đó có thể không được nhận thức đầy đủ cho đến khi trẻ học mẫu giáo hoặc sau này.
Đây không phải tính xấu mà đó giống như một trải nghiệm và nếu được điều chỉnh sớm thì trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn không, trẻ rất dễ biến điều này thành tính cách xấu, thói quen.
Arthur Lavin, Tiến sĩ - Bác sĩ Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, áp lực từ bạn bè trở nên phổ biến và mạnh mẽ hơn từ 6 hoặc 7 tuổi trở đi. Trẻ có hành vi ăn trộm vì học theo bạn bè hoặc bị bạn bè gây áp lực buộc phải lấy hàng từ cửa hàng hoặc lấy trộm tiền và tin rằng mình có thể không bị phát hiện.
Đôi khi, trẻ ăn cắp vì muốn có những món đồ đẹp mà mình không được phép có hoặc không thể mua được. Một số khác lấy cắp đồ để bán lấy tiền dùng vào những việc mà mình thích như chơi điện tử, ăn quà vặt…
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, nhiều khi trẻ học tính xấu ăn trộm từ chính những người lớn trong nhà. Nếu cha mẹ có tính tắt mắt, trẻ cũng bị ảnh hưởng tính cách. Điều này cũng hay xảy ra ở các cha mẹ hay xin xỏ.
Với những gia đình có cha mẹ thường tò mò đồ đạc của người khác để xin, trẻ có khả năng cũng xin như vậy vì nghĩ bình thường. Trẻ sẽ không có thói quen tôn trọng các vật riêng tư của người khác.
Rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc các vấn đề >sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần gây ra hành vi như ăn cắp. Một đứa trẻ đang phải vật lộn với các vấn đề về tình cảm hoặc gia đình, chẳng hạn như đối mặt với cái chết hoặc cuộc ly hôn của cha mẹ chúng, có thể bắt đầu hành động bằng cách ăn cắp.
Một đứa trẻ đang đối phó với chứng trầm cảm hoặc một tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể sử dụng hành vi trộm cắp như một cách để đối phó.
Đặc biệt, với trẻ ở tuổi dậy thì cùng với sự thay đổi và phát triển đột ngột về mặt tâm sinh lý thì thường xuất hiện một số tật xấu điển hình như trẻ có hành vi ăn trộm vặt, nói dối.
Ở độ tuổi này, trẻ có tâm lý muốn trở thành người lớn, được thừa nhận, được tôn trọng. Trẻ cũng muốn khẳng định mình và được tự do làm những gì bản thân thích. Từ đó, trẻ nghĩ ra những “chiêu trò” hòng thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Chẳng hạn như, nói dối cha mẹ là đi học để trốn đi chơi với nhóm bạn, lấy trộm tiền của phụ huynh để đi chơi, mua đồ,… Đây là nhu cầu muốn khẳng định mình và được thừa nhận.
Ảnh minh họa
Làm gì khi phát hiện con có thói “tắt mắt”?
Việc giúp trẻ con và trẻ vị thành niên hiểu được tại sao ăn cắp là xấu và chúng sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng thế nào nếu tiếp diễn là rất quan trọng. Hãy cho trẻ biết việc làm xấu này ảnh hưởng tới mình ra sao, chẳng hạn không người tốt nào muốn làm bạn với con và điều này cũng ảnh hưởng tới việc học tập, làm việc về sau… >Cha mẹ hãy nhấn mạnh tới sự tổn thương tình cảm như hành vi này của con khiến cha mẹ xấu hổ, đau lòng. Ngoài ra, trẻ cần được giáo dục việc ăn cắp nếu quá sẽ trở thành tội phạm, thậm chí đưa vào trại giáo dưỡng trẻ em vị thành niên…
Đối với trẻ ăn cắp khi đã ở độ tuổi vị thành niên càng cần nghiêm khắc. Hãy yêu cầu trẻ phải trả lại cùng hình phạt làm những công việc gia đình.
Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên để tâm đến con cái và quan sát những hành vi, cách cư xử của chúng. Chính cha mẹ phải làm gương, đồ đạc của ai người đó sử dụng và không động chạm vào đồ của người khác trong gia đình.
Cha mẹ cũng cần tôn trọng đồ dùng của trẻ. Đừng thản nhiên lấy đồ của chúng cho người khác hoặc đem cho, nếu muốn cần hỏi ý kiến trẻ.
Nếu trẻ có hành vi ăn trộm kéo dài thì nên phản ánh vấn đề này với chuyên gia tâm lý, bác sĩ để tìm hiểu gốc rễ vấn đề mà từ đó có giải pháp ngăn chặn.