Thành tựu nuôi dạy con của bà mẹ Hàn Quốc được tạp chí New York Times so sánh ngang với với gia đình nổi tiếng Kennedy. Phương pháp nuôi dạy con của bà mẹ này được đánh giá là gia đình nào cũng có thể áp dụng.
Nuôi dạy 6 con đều là tiến sĩ tại ĐH Harvard và ĐH Yale, trở thành các giảng viên, hiệu trưởng và chủ tịch của các trường đại học danh tiếng, đó là thành quả >nuôi dạy con của bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh khiến cả thế giới phải nể phục.
Cây bút của New York Times dành lời khen có cánh cho gia đình bà: "Gia đình thành công này phải được so với gia đình nổi tiếng Kennedy trong lịch sử Mỹ''. Thậm chí Bộ trưởng Mỹ đã bình chọn gia đình bà Hesung là ''Đối tượng nghiên cứu giáo dục gia đình người Mỹ gốc Á''.
- Con gái Kyungshin: Tốt nghiệp Harvard, có bằng Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts, hiện là giáo sư hoá học tại ĐH Chung-Ang, Hàn Quốc
- Con gái Jingzhu: Tốt nghiệp trường Y ĐH Yale, từng là Thư ký của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Massachusetts, hiện là phó hiệu trưởng của trường Y tế Công cộng Harvard
- Con trai Dong Zhu, có bằng tiến sĩ y khoa tại ĐH Harvard và tiến sĩ triết học tại MIT
- Con trai Hong Zhu, sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard đã theo tiếp tục theo học tại ĐH Oxford của Vương quốc Anh, tiếp tục lấy bằng tiến sĩ Luật tại ĐH Harvard. Hiện ông là hiệu trưởng trường Luật Yale.
- Con gái Qing En, có bằng Tiến sĩ tại ĐH Harvard. Cô từng là Phó Giáo sư tại trường Luật ĐH Columbia
- Con trai Dingshu tốt nghiệp Khoa Xã hội học Đại học Harvard, nhận bằng MFA từ Trường Nghệ thuật ở New York.
Khi giới truyền thông phỏng vấn Hesung Chung Koh về >bí quyết nuôi dạy con, người phụ nữ này cho rằng vợ chồng bà không bao giờ đốc thúc các con học hành. Tuy nhiên có một điều được bà luôn nhắc các con mình, đó là phải trở thành những người tâm huyết trong mọi công việc.
Bà Hesung chụp cùng các con
Những phương pháp 2 vợ chồng bà Hesung dạy con rất đơn giản, gia đình nào cũng có thể áp dụng:
Hình thành nhân cách cho con song hành với việc phát triển tài năng
Nhiều người thường khen thành tích học tập của 6 người con do bà Hesung giáo dục. Tuy nhiên một số người cho rằng chính nhờ tài năng phi thường mà họ dễ dàng thành công hơn người bình thường.
Theo bà, ý kiến cho rằng thành công do tài năng là chuyện phiến diện. Tài năng đóng vai trò quan trọng để tạo nên những thành tựu nhưng lý do cơ bản để chúng không đi chệch hướng đó chính là nhân cách.
Trong quá trình giáo dục con cái, mỗi bậc cha mẹ cần phải hiểu tài năng quan trọng đối với một người nhưng quan trọng hơn đó là nhân cách. Trẻ em phải trở thành người tốt trước khi thành người tài. Tính cách giúp một người làm việc chăm chỉ hơn, cởi mở hơn và mạnh mẽ hơn.
Một lần, khi cháu gái - con của cậu con trai thứ 3 - hỏi: "Bà ơi, cháu đang quyên góp cho quỹ AIDS, bà ủng hộ cháu chút tiền nhé". Bà rất hạnh phúc. Dù rất bận, bà vẫn ghé ngân hàng, gửi một số tiền cho những người kém may mắn. Sau đó ít lâu, cô cháu gái hào hứng khoe: "Bà ơi, cháu đã kêu gọi được 40.000 USD rồi". Với một sinh viên năm nhất Đại học Yale, không dễ để kêu gọi được ngần đó tiền.
Đừng chỉ biết giục con đi làm bài tập, hãy tạo cơ hội cho con có thể giúp người khác, như gieo những hạt giống, lặng lẽ chăm bón, sẽ đến ngày nó nảy mầm, phát triển.
Niềm vui và cảm giác thực hiện việc này mang tới cho trẻ mong muốn tham gia các hoạt động hữu ích trong tương lai. Hơn nữa, nhân cách tốt dễ thu phục lòng người hơn tài năng.
Trẻ cần luôn có mục tiêu: Việc học và các nỗ lực của mình là để giúp những người kém may mắn. Khi điều đó bám rễ, lớn lên và trở thành niềm tin, trẻ sẽ có sức mạnh không giới hạn.
Các con bà đều tham gia rất nhiều việc vì cộng đồng: gây quỹ cho các gia đình là nạn nhân sóng thần, hỗ trợ bệnh nhân AIDS, xây nhà cho người nghèo, tư vấn pháp lý cho những nhóm yếu thế...
Hình thành thói quen học tập cho con
Quan tâm đến việc học của con nhưng vợ chồng bà Hesung không bao giờ ép con phải học mà hình thành thói quen học tập và hướng dẫn cụ thể về phương pháp học tập.
Ở trường tiểu học, những đứa trẻ chăm chỉ tự học chưa chắc đã giỏi bằng đứa trẻ được cha mẹ ngồi kiểm tra luyện đề. Nhưng những đứa trẻ bị cha mẹ ép làm bài tập sau tiểu học sẽ khó có thể trở nên xuất sắc. Bởi ở bậc trung học, nhiều nội dung không phải bố mẹ nào cũng có thể làm được. Thêm vào đó, khi lớn lên, trẻ sẽ cứng đầu hơn, các biện pháp cưỡng chế sẽ không còn tác dụng. Lúc này nếu không có sự hăng say trong học tập, trẻ khó có thể trở thành những học sinh ưu tú.
Vai trò của cha mẹ không phải là ngồi ép con học mà phải truyền cho con khát khao ''con muốn học''. Ngay từ những năm cấp 1, vợ chồng bà Hesung đều để con tự làm bài tập. Nếu thực sự không làm được, chúng cần tìm đến cô giáo để có được giải đáp. Phương pháp này giúp trẻ độc lập trong suy nghĩ và có thể tự đúc kết được phương pháp học tập của mình.
Tạo không khí đọc, học ở nhà
Để làm quen với việc học, trước hết các bậc phụ huynh phải tạo được môi trường học tập tốt. Trong nhà của bà Hesung, có đến 19 bàn làm việc. Sau khi rửa bát mỗi tối bà thường ngồi vào bàn học bài. Sau khi dỗ con trẻ ngủ, bà cũng lại ngồi vào bàn làm việc. Nhìn thấy mẹ làm việc chăm chỉ, trẻ sẽ tự biến việc học thành một phần của cuộc sống.
Cha mẹ cần dạy con rằng học không phải là điều đặc biệt, đó là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nếu bố mẹ cũng ngồi vào bàn học, con cái sẽ làm vậy. Rõ ràng nói ''Chúng ta cùng học nhé'' sẽ hiệu quả hơn bảo ''Con học đi''
Khi các con của bà đi học về, trước tiên chúng sẽ hoàn thành bài tập, sau đó xuống thư viện dưới tầng hầm đọc sách chúng thích và cuối cùng là ra ngoài chơi.
Cha mẹ cần phải hành động và dẫn dắt làm gương nếu muốn truyền cảm hứng học tập cho con
Tôn trọng tính cách và chú ý đến những mặt tốt của con
Khi nuôi dạy con cái, cha mẹ cần hiểu rằng mỗi đứa trẻ sẽ có một tính cách khác nhau. Nhận biết tính cách của con và áp dụng những phương pháp giáo dục không phù hợp với từng đứa trẻ dẫn đến việc nuôi con trở nên cực đoan.
Người con trai thứ 2 của bà Hesung là một đứa trẻ không hứng thú với chuyện đọc sách. Hai anh em cùng nhau đến thư viện, người em thì mượn 4-5 cuốn sách nhưng anh lớn chỉ mượn 2-3 cuốn và đọc không xong. Tuy nhiên bà phát hiện ra con trai mình là một đứa trẻ có đầu óc khoa học nhưng lại rất ít đọc sách thông qua những thói quen từ nhỏ của con.
Bà không trách con, mặc dù vẫn hy vọng thói quen đọc sách của cậu được cải thiện. Bà tự nhủ: "Sở thích của mỗi đứa trẻ là khác nhau và đây là tích cách của con. Tôi đã cố gắng để ý đến những mặt tốt hơn của trẻ để khám phá ra những tính cách tốt''.
Vậy nên, cha mẹ không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Bởi trẻ em rất nhạy cảm và mất tự tin vì những so sánh này. Cha mẹ cần động viên và khen ngợi để con phát triển những thế mạnh của mình.
Khuyến khích con rèn luyện thể chất
Theo bà Hesung, bố mẹ chỉ chú trọng việc học của con nên ngoài học chính, còn có học thêm buổi tối, học bổ túc cuối tuần... Thế nhưng, bố mẹ hãy quan tâm thực sự đến năng lực của con và dành nhiều thời gian rèn luyện thể chất cùng con vì đó sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp con đi tới thành công.
"Con trai đầu lòng của tôi khi sinh ra khá yếu ớt và thường xuyên tháng nào cũng phải đi khám vài lần. Tôi luôn cảm thấy khổ tâm và không biết nên làm thế nào để cải thiện >sức khỏe của con. Sau khi nghĩ thông suốt, dù là con gái hay con trai, tôi đều đưa ra nguyên tắc: 3 tuổi là tuổi bắt đầu phải chú trọng rèn sức khỏe.
Đầu mùa thu, các con tôi sẽ được làm quen với nước lạnh. Ban đầu là rửa tay, sau đó là cánh tay, rồi xuống cẳng chân, tiếp theo là tắm toàn thân. Thời gian thích nghi khoảng 1 tháng bắt đầu từ con số 25 độ C. Những ngày tiếp theo, tôi hạ dần dần một độ và sau 1 tháng rèn luyện như vậy, các con tôi đều có thể chịu được khi tiếp xúc với nước 0 độ C. Nhờ vậy, các con tôi thích nghi với thời tiết rất nhanh và ít ốm.
Mỗi buổi sáng, bất chấp thời tiết có thế nào, tôi đều khuyến khích các con chạy 3km mỗi ngày. Ngoài ra, các con còn tham gia nhiều bộ môn thể thao khác như leo núi, võ thuật, nâng tạ..."
Bà Hesung Chun Koh sinh năm 1929 tại Seoul. Bà học khoa Tiếng Anh, Đại học nữ sinh Ewha tại Hàn Quốc. Khi là sinh viên năm thứ hai, bà được học bổng sang Mỹ, sau đó học tiến sĩ chuyên ngành Nhân học xã hội tại Đại học Boston.
Bà gặp chồng là tiến sĩ Kwang Lim Koh khi cùng dạy tại Đại học Yale. Cả hai là những giáo sư đầu tiên người châu Á tại trường này. Chồng bà sau này là đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ trong những năm 1960. Dù trong sự nghiệp hay làm mẹ, dù ở cơ quan hay ở nhà, bà cũng gặt hái được những thành công đáng nể.