Phụ nữ mang thai khi bị chẩn đoán dư nước ối thường tỏ ra rất lo lắng và thường tự suy luận theo logic tự nhiên để giảm lượng nước ối bằng cách “cắt giảm” lượng nước nạp vào người. Vậy thực sự dư ối có nên uống nhiều nước? Cùng tham khảo bài viết sau để có câu trả lời chi tiết nhất.
Dư nước ối là gì?
Dư nước ối là tình trạng người phụ nữ mang thai có quá nhiều nước ối trong thai kỳ. Định nghĩa “quá nhiều” ở đây được xác định như sau:
Xác định qua chỉ số nước ối AFI: Chia tử cung thành 4 phần và hai đường cắt nhau tại rốn. Sau đó, đo bề sâu của khoang ối lớn nhất trong mỗi buồng và tính tổng các số đo trên. Chỉ số AFI bình thường là từ 5 đến 25cm.
Đo túi ối lớn nhất trong tử cung: Đo túi ối lớn nhất theo mặt cắt dọc. Kết quả bình thường là từ 2-8cm. Nếu kết quả lớn hơn 8cm thì được chẩn đoán là dư nước ối.
Tuy nhiên, mức đo trên chỉ mang tính chất tương đối vì lượng nước ối trong tử cung thay đổi tùy thuộc vào thời điểm thai kỳ. Trong ba tháng cuối, nước ối sẽ tăng lên nhiều nhất sau đó mới giảm dần.
Theo nguyên tắc thông thường, nếu AFI>24 và một túi ối lớn nhất >8cm thì được chẩn đoán là dư ối.
Chú ý: Mọi chẩn đoán cần phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây dư ối
Có sáu nguyên nhân chính gây dư ối, bao gồm:
Bất thường thể chất với thai nhi. Ví dụ: khiếm khuyết tủy sống, khiếm khuyết sọ-cột sống, hoặc tắc nghẽn ống tiêu hóa (hẹp thực quản, hẹp hành tá tràng, tắc ruột non).
Thai đôi hoặc đa thai.
Tiểu đường thai kỳ.
Thiếu máu ở thai nhi (bao gồm thiếu máu do không tương thích Rh trong trường hợp mẹ và thai nhi khác nhóm máu).
Khiếm khuyết di truyền, hội chứng truyền máu song thai, hoặc một số vấn đề khác như rối loạn chèn ép phổi.
Chưa rõ nguyên nhân .
Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân đáng lo ngại là bất thường thể chất với thai nhi. Tuy nhiên, nguyên nhân này chiếm tỷ lệ rất thấp.
Đa ối và dư ối có khác nhau không?
Đa ối và dư ối là hai khái niệm chỉ hai mức độ nghiêm trọng về bất thường nước ối. Thông thường, lượng nước ối nằm trong khoảng từ 300ml đến 800ml. Nếu lượng nước ối nằm ở mức 800ml đến 1500ml thì được gọi là dư ối, còn mức nước ối vượt 2000ml thì gọi là đa ối.
Dư nước ối có nguy hiểm?
Chỉ 2% trong tổng số phụ nữ mang thai được chẩn đoán dư ối. Mức độ nguy hiểm của dư ối tùy thuộc vào thời điểm phát sinh trong thai kỳ và mức độ dư ối. Nhìn chung, dư ối phát sinh càng sớm và mức độ dư càng nhiều thì nguy cơ biến chứng khi mang thai và sinh nở càng cao. Một số rủi ro thường gặp khi bị dư ối như sau:
Tăng nguy cơ ngôi thai ngược (do có quá nhiều ối, em bé có thể gặp khó khăn hơn khi quay đầu).
Tăng nguy cơ sa dây rốn (dây rốn tuột ra khỏi tử cung, sa xuống âm đạo trước sinh).
Tăng nguy cơ biến chứng xuất huyết sau sinh.
Vỡ ối sớm, sinh non.
Tăng nguy cơ bong nhau thai sớm (nhau thai bong sớm trước sinh).
Bà bầu dư ối có nên uống nhiều nước?
Nước ối được hình thành từ 3 nguồn bao gồm từ thai nhi, từ màng ối và từ máu mẹ. Do vậy, cần có những xét nghiệm và thăm khám chuyên sâu để xác định nguyên nhân. Việc điều trị từ căn nguyên sẽ mang lại kết quả nhanh và bền vững hơn. Bên cạnh đó, về phần >mẹ bầu, để đảm bảo trao đổi chất trong cơ thể, mẹ bầu cần duy trì uống lượng nước vừa đủ nhưng không nên uống quá 2 lít/ngày. Ngoài ra, tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt để giảm việc cơ thể tích nước.
Thực phẩm làm giảm nước ối là gì?
Bà bầu dư ối nên ăn gì? Thực phẩm là nguồn >dinh dưỡng chính cho thai phụ. Tuy nhiên, thực phẩm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây dư ối hay đa ối. Thông qua thực phẩm, ta có thể tác động gián tiếp đến căn nguyên gây ra dư ối, từ đó giúp cho tình trạng dư ối được khắc phục nhanh hơn. Sau đây là gợi ý một số thực phẩm giúp làm giảm triệu chứng tiểu đường thai kỳ, tăng >sức khỏe cho cả hai mẹ con, qua đó sẽ giúp cho mẹ bầu giảm lượng nước ối:
Thực phẩm: Chọn thực đơn ăn uống cân bằng giữa năm nhóm thực phẩm (đường, tinh bột, chất béo, chất khoáng và vitamin). Tham khảo một số “siêu thực phẩm” cho bà bầu như hạt chia, hạt óc chó, hoa quả các loại, thịt bò, cá chép, lươn, v.v.
Đồ uống: Có nhiều mẹ bầu vẫn băn khoăn dư ối có nên uống nước dừa không? Bị dư ối có nên uống nước râu ngô? Có thể căn cứ vào nguyên nhân gây dư ối để khẳng định rằng, nếu nguyên nhân không phải do tiểu đường thai kỳ hoặc một số bệnh lý từ mẹ thì các mẹ bầu có thể uống nước dừa hay nước râu ngô như bình thường. Chỉ cần chú ý đến số lượng uống hàng ngày không nên quá nhiều để tránh làm tăng lượng đường huyết.
Cách nấu nước râu ngô cho bà bầu dư ối
Nguyên liệu:Râu ngô tươi 20g hoặc râu ngô khô 10g.
Đun nước râu ngô:Cho râu ngô tươi hoặc khô vào trong ấm đun sôi 10 phút. Nếu không có thời gian đun, có thể hãm trong ấm tích như pha trà.
Chú ý: Không nên uống nước râu ngô thay nước lọc hàng ngày. Mỗi lần chỉ nên uống 1 cốc khoảng 200ml.
Nhìn chung, dư ối là một bệnh lý thai kỳ cần được chẩn đoán, theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Thực phẩm thai phụ ăn uống hàng ngày có thể tác động gián tiếp đến một số căn nguyên gây dư ối, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe thai phụ và thai nhi, giúp giảm nguy cơ và hậu quả của việc dư ối. Hy vọng những chia sẻ về dư ối có nên uống nhiều nước trong bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích để sớm khắc phục được tình trạng dư ối trong thai kỳ.