Nắm được 8 giai đoạn phát triển EQ của con, cha mẹ sẽ dễ dàng phát triển chỉ số trí tuệ cảm xúc của trẻ.
Trong 2 năm đầu đời, bé sẽ cảm thấy choáng ngợp khi bắt đầu học những nhiệm vụ phức tạp hơn như nhận biết, thấu hiểu, điều khiển cảm xúc của bản thân. Con muốn gì sẽ không đơn thuần thể hiện bằng việc khóc nữa, bé sẽ có nhiều kĩ năng mới phức tạp hơn. Vì vậy đây là giai đoạn cha mẹ cần nắm được sự phát triển cảm xúc của trẻ để con có được cách giáo dục tốt nhất.
1. Giai đoạn từ 2-3 tháng tuổi: Nụ cười
Nếu như khóc thể hiện nhu cầu mong muốn của trẻ thì nụ cười là cách chúng giao tiếp với người thân. Trẻ từ 2-3 tháng tuổi bắt đầu có nhận thức về xung quanh. Con sẽ mỉm cười với mẹ, hoặc những thứ chúng cảm thấy yêu thích. Đây là cảm xúc tích cực, cha mẹ cần tương tác với con nhiều hơn để chúng phát huy điều này.
2. Giai đoạn từ 3-6 tháng: Nói bi bô
Khi người lớn giao tiếp với trẻ, chúng sẽ bi bô đáp lại. Đôi môi nhỏ xinh của con mấp máy và phát ra những âm thanh mà chẳng ai hiểu được nội dung. Cha mẹ đừng coi thường hành động này của trẻ. Bởi nó là sự kết nối giữa bé và môi trường xung quanh. Bằng sự giao tiếp đó, con sẽ phát triển ngôn ngữ và cảm xúc của riêng mình.
3. Giai đoạn 7-9 tháng: Biết tạm biệt, bắt chước 1 số trò chơi đơn giản
Giai đoạn này trẻ giao tiếp nhiều hơn với mọi người và thế giới xung quanh. Con thích thú khám phá những điều mới lạ. Khi nghe bài hát mình yêu thích, trẻ có thể vẫy tay hoặc vỗ tay. Ngoài ra con biết chơi 1 số trò đơn giản, ví dụ như "chi chi dành dành", ú oà… Khi người lớn chơi với trẻ, chúng sẽ thích thú và cười khoái chí. Đặc biệt con biết vẫy tay tạm biệt khi phải rời xa đối tượng con yêu thích. Chính những cảm xúc từ vui vẻ đến việc học cách rời xa này giúp trẻ trưởng thành hơn, thông minh và năng động hơn.
4. Giai đoạn 12-15 tháng: Cho đi, nhận lại
Giai đoạn này nhiều bé đã được mẹ cho đi học sớm. Lúc này con sẽ phải đối mặt với cảm xúc phải rời xa cha mẹ, ngôi nhà thân yêu để đến với môi trường khác lạ. Ngoài ra bé cũng biết làm 1 số việc vặt mà cha mẹ nhờ và có cảm giác vui vẻ, thích chí khi hoàn thành công việc đó và được khen. Bé cũng biết cho đồ vật đi và cúi đầu cảm ơn khi được nhận quà…
5. Giai đoạn 15 tháng: Tự tin giao tiếp hơn
Nếu như những giai đoạn trước bé vẫn còn sợ hãi khi gặp người lạ, hoặc bám mẹ thì đến giai đoạn này con trưởng thành hơn 1 chút. Chúng tự tin hơn khi tiếp xúc với người lạ mặt. Trẻ biết hôn gió - đây cũng là cách con nói lời tạm biệt với những thứ mình yêu thích. Và con cũng biết tỏ thái độ gay gắt với người mà trẻ không ưa.
6. Giai đoạn từ 16-18 tháng: Ôm hôn
Những biểu đạt cảm xúc của bé đã bắt đầu hình thành rõ nét hơn thông qua những cái ôm đầy yêu thương. Bé có thể chạy đến bên mẹ, hôn lên má với ánh mắt trìu mến vô biên để bộc lộ cảm xúc yêu thương của mình dành cho mẹ cho dù không có bất cứ sự kiện đặc biệt nào. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển cảm xúc tích cực của trẻ.
7. Giai đoạn 18 tháng: Mè nheo
Ở giai đoạn này trẻ đã nhận thức được khá nhiều cảm xúc. Từ vui, buồn, tức giận, dỗi, tủi thân đến sợ hãi. Những đứa trẻ được cha mẹ chiều chuộng, chúng còn nhận ra rằng mè nheo, khóc lóc chính là "vũ khí" để chúng có được thứ mình mong muốn. Dạy con ở giai đoạn này cha mẹ cần nghiêm khắc hơn trước. Đừng vội đầu hàng con vô điều kiện khiến trẻ học được cách ra lệnh và sinh hư.
8. Giai đoạn 18-24 tháng: Sợ ở một mình
Giai đoạn này trí tưởng tượng của trẻ phong phú hơn. Vì thế chúng bắt đầu tưởng tượng ra những thế lực đen tối, ma quái đe dọa chúng và sợ hãi khi ở một mình. Mặt khác con cũng thích chơi trò hóa trang như làm công chúa, hoàng tử… Chính những trò chơi đóng vai này giúp con học được nhiều điều nhất là học cảm nhận cảm xúc của người khác và nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhân vật con yêu thích.