Đây là những lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái.
Nhiều đứa trẻ luôn có một đối thủ vô hình từ nhỏ là "con nhà người ta". Từng có một khảo sát công bố, 57,7% cha mẹ thường xuyên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Họ luôn đặt ra những câu hỏi: "Tại sao con mình không học giỏi giống con nhà người ta?", "Sao con mình không chăm ngoan?", "Sao điểm con lại không cao như vậy?",…
Cha mẹ luôn mong con mình phải xuất sắc như "con nhà người ta". Nhưng có bao giờ cha mẹ suy nghĩ đến việc biến con mình thành "con nhà người ta"? Hay đặt câu hỏi những đứa trẻ ưu tú được nuôi dạy như thế nào?
Một học giả ở Trung Quốc đã đưa ra 7 lời khuyên nuôi dạy trẻ hữu ích dành cho các bậc phụ huynh. Áp dụng theo các cách này sẽ tạo nên những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và có cơ hội thành công cao trong cuộc sống.
1. Lời khuyên về điểm số
Đây là điều mà cha mẹ thường đặt ra yêu cầu đối với con. Hãy nói với con rằng, thái độ học tập quan trọng hơn điểm số. Vì thế, trẻ cần nghiêm túc trong các kỳ kiểm tra để có thể đánh giá đúng năng lực của bản thân. Điểm số không quá quan trọng, điểm số có thể cải thiện nếu nắm được những lỗi sai.
Nhiều bậc cha mẹ thường đặt kỳ vọng quá cao vào điểm số khiến con cái lo lắng, sợ hãi nếu bị điểm kém. Thậm chí, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, khiến bầu không khí gia đình luôn căng thẳng.
Điểm số quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thái độ học tập và quá trình trưởng thành. Việc đánh giá sự thành công trong tương lai chỉ dựa trên điểm số là không chính xác. Cha mẹ cần sớm nhận ra điều này để có phương pháp giáo dục con tốt nhất.
2. Lời khuyên tận hưởng cuộc sống
Cha mẹ hãy khuyên con nên tận hưởng cuộc sống, đừng đợi đến khi trưởng thành mà hãy bắt đầu từ hôm nay, từ ngay bây giờ. Phần thưởng lớn nhất dành cho con không phải là vật chất phù phiếm mà là sự vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày khi được khám phá điều mình thích.
Nhiều phụ huynh có quan điểm rằng, trẻ cần chịu đựng gian khổ để rèn luyện ý chí sắt đá. Như vậy mới có được cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Nhưng đây là điều hoàn toàn sai lầm. Một nhà giáo dục nổi tiếng từng nói: "Cách tốt nhất để khiến trẻ nghe lời là làm cho chúng hạnh phúc".
Mục đích của giáo dục là tạo điều kiện để trẻ có một cuộc sống hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống bằng khả năng của mình. Là cha mẹ, chúng ta nên giúp trẻ tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống, để trẻ thấy được thế giới thật tươi đẹp, có nhiều điều ý nghĩa.
Phần thưởng lớn nhất dành cho con là sự vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày khi được khám phá điều mình thích. (Ảnh minh hoạ)
3. Lời khuyên đọc những tác phẩm kinh điển
Đọc tác phẩm kinh điển là chìa khoá để học tốt ngôn ngữ và sẽ nâng cao khả năng đọc – hiểu vượt bậc. Cha mẹ hãy khuyên con không nên đọc những cuốn sách "ăn nhanh" mà hãy đọc những tác phẩm kinh điển.
Có thể mới đầu tiếp xúc với tác phẩm kinh điển, trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, khó tiếp thu. Nhưng hãy đi từ đơn giản đến khó, hãy cho con đọc những tác phẩm ngắn rồi tới những bộ sách nhiều phần. Hãy đưa con đến thế giới tuyệt vời của văn học, để chúng nhận ra cuộc đời có rất nhiều điều ý nghĩa.
4. Lời khuyên cần tôn trọng con
Một số cha mẹ thường đưa ra quyết định thay con. Họ nghĩ rằng con quá nhỏ, chưa thể giải quyết được mọi thứ. Họ đã bỏ qua những mong muốn, khao khát sâu bên trong của con, đó là con cần được tôn trọng và công nhận.
Nhà tâm lý học Willie James từng nói rằng: "Phần sâu thẳm trong bản chất con người là mong muốn được người khác coi trọng". Là cha mẹ, bạn nên dành sự tôn trọng đối với con cái, tạo cho con không gian tự do để phát triển. Đừng ép buộc, đừng kìm kẹp mà hãy lắng nghe con.
Cha mẹ cần tôn trọng con của mình. (Ảnh minh hoạ)
5. Lời khuyên rèn luyện tính tự lập
Để rèn luyện tính tự lập cho con, cha mẹ cần tôn trọng quyết định của con, đó mới là điều quan trọng nhất. Chính bằng cách này, con mới có chính kiến của riêng mình, dám thực hiện hoài bão và đối đấu với mọi khó khăn.
Có phải cha mẹ thường phàn nàn rằng: "Con nhà tôi đã lớn nhưng chưa biết cắm cơm", "Đứa trẻ chẳng bao giờ chịu dọn phòng, toàn để mẹ làm hộ",… Hãy một lần để con tự làm những việc đơn giản đó, dù con làm chưa tốt thì cha mẹ cũng nên kệ con. Đừng bao bọc con quá mức, hãy để con hình thành tính tự giác, tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Đừng làm giúp con những thứ chúng có thể làm.
Trẻ có thể phát triển tính tự lập bằng cách rèn luyện từ những việc nhỏ nhất thường ngày. Hãy để con tự lập trong cả suy nghĩ lẫn hành động, đây là cách nhanh nhất giúp những đứa trẻ trưởng thành.
6. Lời khuyên về sự bất cẩn
Không cẩn thận là biểu hiện của người năng lực kém, không có tinh thần học hỏi. Cẩn thận là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, cần rèn luyện mỗi ngày. Những sai lầm của trẻ đều phần nhiều từ sự thiếu cẩn thận như: Làm bài kiểm tra sai, bị trượt chân ngã, bị mẹ mắng vì quét dọn nhà không sạch,…
Lười biếng là nguyên nhân gây ra sự bất cẩn khi làm việc của trẻ. Trẻ quá lười nên không muốn lắng nghe thầy cô giảng bài; lười nên không làm bài tập về nhà, lười nên không muốn vận động cơ thể, lười nên ẩu đả làm mọi việc một cách nhanh chóng,…
Cha mẹ cần kiên trì hướng dẫn để con sửa đổi tính lười biếng và bất cẩn trong cuộc sống. Hãy sửa tính xấu này càng sớm càng tốt để có cơ hội đạt điểm cao trong học tập và thành công trong tương lai.
Cha mẹ hãy kiên trì giúp con sửa tính bất cẩn. (Ảnh minh hoạ)
7. Lời khuyên nên khen ngợi con thường xuyên
Một nhà giáo dục nổi tiếng từng nói: "Không phải điểm số quyết định đến cuộc đời của trẻ mà là tính cách tốt". Giáo dục đạo đức con người luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự ghi nhận của cha mẹ dành cho con cái là điều vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Một đứa trẻ không được cha mẹ ghi nhận, khen ngợi khi đạt thành tích cao, khi có việc làm tốt đáng tội nghiệp biết chừng nào? Vì thế, bên cạnh việc phê bình con khi mắc lỗi thì cha mẹ nên dành lời khen ngợi, cổ vũ khi con làm tốt. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc, tự tin, tự hào rất nhiều! Chúng sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để làm những việc tích cực.