Trẻ phản ứng nhanh nhay
Khi trẻ được sinh ra, phần lớn thời gian thức của chúng dành để quan sát môi trường xung quanh, con người, các chuyển động khác nhau. Một em bé thông minh sẽ giao tiếp bằng mắt với người đang bế hoặc nói chuyện với mình.
Trẻ có thể quay đầu về phía ai đó, phản ứng với âm thanh hoặc một hành động ngay lập tức. Điều này cho thấy bé nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào trong môi trường, chứng tỏ mức độ nhận thức cao.
Bé cũng có thể muốn lau nước mắt hoặc ôm bạn vào lòng nếu nhận thấy sự thay đổi về cảm xúc của bạn. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy trí thông minh ở trẻ mới biết đi.
Luôn tò mò về thế giới xung quanh
Thích khám phá mọi thứ xung quanh, tháo rời hoặc phá hỏng đồ chơi để xem cấu tạo bên trong, hoặc hỏi một vạn câu hỏi vì sao rất có thể là dấu hiệu của một đứa bé thông minh. Cha mẹ nên đưa ra các câu trả lời chi tiết, có bằng chứng để giải đáp thắc mắc của trẻ. Cha mẹ đừng hạn chế sự tò mò của bé dù điều này đôi khi có thể gây khó chịu. Nếu gặp khó khăn trong việc giải thích các kiến thức cho con, phụ huynh có thể tìm kiếm trên Google để tổng hợp câu trả lời.
Thường xuyên bộc lộ cảm xúc
Trẻ thông minh thường biểu hiện mãnh liệt về cảm xúc. Điều này nghĩa là trẻ sẽ cảm nhận được cả cảm xúc tích cực, tiêu cực, đồng thời có suy nghĩ phức tạp, trưởng thành hơn so với các bé cùng lứa tuổi.
Cha mẹ có thể quan sát cách trẻ kết nối với mọi người, vật nuôi để nhận biết trí thông minh cảm xúc (EQ) của con. Những đứa trẻ như vậy cần được khuyến khích bộc lộ, nói lên suy nghĩ của mình.
Trẻ nhanh nhạy trong việc học những điều mới
Có nhiều đứa trẻ “đánh vật” với việc học nhưng cũng không ít bé cảm thấy việc học rất dễ dàng. Đây là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh. Chúng có năng khiếu hiểu biết mọi thứ xung quanh nhanh chóng và dễ dàng, không cần người lớn trình bày hoặc giải thích nhiều lần.
Không chỉ học dễ dàng, chúng còn ham học và thường xuyên xem các hướng dẫn trên internet nhiều hơn những đứa trẻ bình thường. Một số đứa trẻ tự thu mình vào “vỏ ốc”, không chơi với nhiều bạn bè hoặc thú vui khác vì chúng còn bận khám phá những điều riêng của chúng.
Tuy nhiên cũng có nhiều đứa trẻ cảm thấy việc học dễ dàng nên sinh tâm lý chủ quan, không khiêm tốn. Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ, nếu không đến một lúc nào đó con sẽ nhận ra mình bị người khác bỏ xa rồi!
Ghi nhớ mọi thứ nhanh chóng và lâu hơn
Trẻ thông minh thường có trí nhớ tốt ngay từ những năm đầu đời. Bé có thể nhớ những địa điểm từng đến thăm, tên của mọi người, thậm chí cả vị trí cụ thể của những đồ vật người lớn thường mất thời gian tìm kiếm. Trẻ cũng có thể biết rằng phòng ngủ là nơi để ngủ, nhà bếp dành cho các bữa ăn... Những em bé bình thường có thể quên một số điều nhất định, nhưng trẻ có chỉ số IQ cao thường nhớ từng mẩu thông tin mà não bộ chúng đã xử lý.
Trí tưởng tượng phong phú
Nếu bé bịa chuyện hay chơi với những người bạn tưởng tượng, hoặc kể những tình huống có vẻ quá phức tạp so với lứa tuổi của mình, có thể là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh. Cha mẹ có thể cảm thấy kiệt sức khi nghe quá nhiều câu chuyện phi thực tế đó, nhưng hãy đảm bảo đừng bao giờ hạn chế trí tưởng tượng của trẻ.
Giải quyết các vấn đề thỏa đáng
Nếu gặp khó khăn, trẻ thông minh thường tìm cách mới để giải quyết các vấn đề mà trẻ gặp phải, thay vì dễ dàng bỏ cuộc. Điều này có thể bao gồm các giải pháp bất thường. Chẳng hạn, không thể với tới hộp kẹo ở xa tầm tay, bé có thể trèo lên một chiếc hộp hoặc xe tải đồ chơi để lấy được mục tiêu của mình. Những đứa trẻ thông minh có thể tìm ra giải pháp xử lý tình huống sớm hơn các bạn cùng tuổi, có xu hướng sử dụng những cách giàu trí tưởng tượng để tìm ra cốt lõi vấn đề mà chúng phải đối mặt trong thế giới của chúng.