Dạy kỹ năng sống cho trẻ là một việc làm vô cùng cần thiết để giúp bé biết xử lý và ứng phó tốt hơn với những tình huống. Dưới đây là các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ từ 3 tuổi.
1. Các kỹ năng sống để trẻ tự lập
Dạy kỹ năng sống cho trẻ theo từng độ tuổi, hãy để trẻ học cách tự chăm sóc bản thân mình. Cha mẹ có thể dạy điều đó cho con 3 tuổi của mình bằng cách cho bé tự xúc ăn, để con lựa chọn quần áo và tự mặc, con có thể tự vệ sinh cá nhân, tự dọn đồ chơi... Thông qua những việc đó, trẻ có thể học được các kỹ năng sống để tự lập.
Tuy nhiên, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi thì cha mẹ cũng cần kiên nhẫn và yêu thương con. Có thể con vẫn còn vụng về, đồ ăn đưa vào miệng bị vương vãi, hay vệ sinh cá nhân không sạch... Từ tốn chỉ bảo và hướng dẫn con, điều đó sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn và lần sau sẽ ít vi phạm lại.
2. Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp
Đây là kỹ năng quan trọng cần hình thành sớm từ mỗi trẻ, từ lúc các bé biết nói bập bẹ là chúng ta nên hướng dẫn bé cách giao tiếp rồi. Giao tiếp với người lớn, với bạn bè, mỗi đối tượng sẽ cần có cách nói chuyện khác nhau.
Cha mẹ cần dạy con cách dùng từ giao tiếp với mỗi người cho phù hợp. Con biết cách xưng hô, thể hiện được sự lễ phép chuẩn mực. Việc dạy con giao tiếp sẽ giúp trẻ tự tin hơn, dễ dàng hòa nhập với mọi người xung quanh.
3. Bồi đắp tri thức cho trẻ thông qua việc đọc sách
Sách là nguồn tri thức vô giá để trẻ tìm tòi và học hỏi những điều mới lạ. Thông qua sách, con có thể phát triển trí tuệ, mở rộng kiến thức, vốn sống. Vốn từ của con cũng được cải thiện.
Ngoài ra, việc đọc sách sẽ giúp con rèn được nhiều đức tính tốt, ví dụ như tính kiên nhẫn, điềm đạm. Cha mẹ không nên gò bó con học trong sách giáo khoa, cũng đừng quá nghiêm khắc ép trẻ không được đọc những sách, truyện thiếu nhi. Hãy để con được đọc những gì con thích. Việc của cha mẹ chỉ là người giới thiệu sách đến con mà thôi.
4. Dạy con nói lời cảm ơn, xin lỗi
Khi con được người khác quan tâm, giúp đỡ hoặc cho quà phải nói cảm ơn. Khi nói lời cảm ơn ai con phải nhìn vào người đó. Với người lớn con khoanh tay, cúi đầu và xưng hô lễ phép; với bạn con có thể nắm tay bạn. Như vậy thì người được cảm ơn sẽ cảm thấy rất vui.
Khi con mắc lỗi tự giác nhận lỗi, mạnh dạn nói lời xin lỗi, không nên đổ lỗi cho người, cố gắng không mắc lỗi. Khi nói lời xin lỗi ai con phải nhìn vào người đó, nói tròn câu. Với người lớn con khoanh tay, cúi đầu và xưng hô lễ phép; với bạn con có thể nắm tay bạn. Có như vậy thì người đó mới sẵn sàng tha lỗi cho con.
5. Dạy con biết giúp đỡ người khác
Nếu trẻ được bố mẹ khuyến khích tham gia sớm các hoạt động tại khu phố sinh sống đồng nghĩa với việc bạn đang hướng con mình dần hình thành ý thức, trách nhiệm sống trong cộng đồng và thực hiện các hành động hữu ích đối với mọi người xung quanh.
Giáo dục cho bé nhận ra những tình huống mà mọi người cần giúp đỡ, chẳng hạn như: Dắt người già qua đường, giảng bài cho em nhỏ trong dãy phố, chăm sóc em bé cho hàng xóm, tham gia dọn dẹp đường phố sạch đẹp là những gợi ý tốt để dạy cho trẻ tinh thần làm việc theo nhóm và thói quen giúp đỡ người khác.
6. Dạy con cách cư xử văn minh ở mọi nơi
Những quy tắc ứng xử trong giao tiếp với bạn bè và mọi người
Hãy biết chờ đến lượt để chơi.
Hỏi mượn rồi mới được lấy đồ của bạn.
Biết nói cảm ơn khi bạn cho mình mượn hoặc khi bạn giúp đỡ mình.
Khi làm sai hãy xin lỗi bạn.
Không được dùng ngôn ngữ tục tĩu, không hay để nói bạn.
Không được chê bai, cười đùa khuyết điểm và tật xấu của bạn hay khi bạn không làm được.