Trẻ càng nhỏ, cha mẹ càng cần chú ý đến những tổn thương thính giác, nếu mắc phải một số sai lầm, trẻ có thể bị điếc vĩnh viễn.
Cách đây ít lâu, Báo cáo toàn cầu đầu tiên về thính giác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, hiện nay 1/5 dân số thế giới bị khiếm thính và tình trạng mất thính lực ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ người trên toàn thế giới.
Nhiều người nghĩ rằng, suy giảm thính lực là khi bị điếc hoặc không nghe được, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Hầu hết các vấn đề về thính giác đều không dễ phát hiện. Một khi thính giác bị tổn thương, nó không chỉ ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ mà còn ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và sự phát triển sau này. Số lượng tế bào lông trong ốc tai có khả năng cảm nhận âm thanh được cố định khi sinh ra, nếu bị tổn thương sẽ không bao giờ tái sinh lại.
Một khi tổn thương thính giác xảy ra, nó thường không thể phục hồi được. Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta cần quan tâm đến tình trạng này ở con mình.
Làm thế nào để đánh giá một đứa trẻ bị khiếm thính?
Khi thai được 6 tháng, em bé đã phát triển thính giác và dần dần hoàn thiện khả năng nghe. Nếu phát hiện những bất thường sau đây, cha mẹ cần xem xét tình trạng suy giảm thính lực có thể xảy ra với trẻ.
- Trẻ không sợ hãi bởi những âm thanh lớn.
- Khi được 6 tháng tuổi, trẻ không có phản xạ với âm thanh. Khi 1 tuổi, không thể gọi những từ đơn giản như "mẹ ơi".
- Không nghe rõ ràng, thường xuyên hỏi lại: "Hả? Mẹ nói gì cơ".
- Người khác gọi to nhưng không bao giờ nghe thấy và quay đầu lại.
- Luôn thích xem video có âm thanh to hơn mức bình thường.
- Khó chịu, ngứa tai, chảy mủ trong tai.
Mỗi đứa trẻ đều có những triệu chứng khiếm thính khác nhau, nếu bạn nghi ngờ, đừng chần chờ, hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Ngoài việc phát hiện sớm và điều trị sớm, trong sinh hoạt cũng cần đặc biệt chú ý.
5 yếu tố chính gây hại cho thính giác của trẻ
1. Tiếng ồn môi trường
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng, tiếng ồn có hại cho thai nhi và em bé. Vì màng nhĩ, tai giữa và tai trong của trẻ có các tế bào thính giác rất nhạy, chúng rất nhạy cảm với tiếng ồn, nếu bị tổn thương sẽ không thể phục hồi.
Các đồ vật phát ra âm thanh như TV, điện thoại di động, máy sấy tóc…, nếu không được điều chỉnh âm lượng phù hợp sẽ gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.
Ngoài ra, những dịp đông người và ồn ào như đám cưới, bạn bè tụ tập, lễ hội…, cần cân nhắc khi dẫn trẻ đi, có thể dùng bịt tai cho trẻ.
2. Nghe âm thanh, video có độ phân giải cao trong thời gian dài
Hiện nay, hầu như trẻ nhỏ nào cũng sẽ tiếp xúc với các sản phẩm điện tử, dù là để >giải trí hay học tập, nếu sử dụng trong thời gian quá lâu, có khả năng gây tổn thương thính giác không thể phục hồi.
Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo: Hãy đảm bảo cho trẻ kiểm soát âm lượng, đặc biệt là khi cho trẻ nghe nhạc rock qua tai nghe. Tiếng ồn càng lớn thì khả năng nghe càng kém.
Vì vậy khi mua tai nghe cho con, bạn phải chọn loại tai nghe có chức năng giới hạn và kiểm soát âm lượng, mỗi ngày sử dụng không quá 60 phút, có thể nghỉ ngơi vài phút sau khi nghe 15-20 phút để thư giãn đôi tai.
3. Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, và nó cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nghe kém nhiều nhất. Các nghiên cứu đã thống kê rằng, 90% trẻ em từng bị viêm tai giữa cấp tính trước 5 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất khi trẻ 2 tuổi.
Tai, mũi, họng có liên quan mật thiết với nhau. Cấu trúc đặc biệt này cho phép vi khuẩn, virus trong không khí xâm nhập vào các cơ quan. Cảm lạnh, nước vào tai khi tắm… đều có nguy cơ gây viêm tai giữa.
4. Xì mũi
Có lẽ ít ai để ý đến cử chỉ xì mũi của trẻ. Một số trẻ quen với việc xì mũi cả 2 bên cùng một lúc nên dễ khiến vi khuẩn, virus trong mũi tràn vào tai do áp lực quá lớn.
Trên thực tế, cách xì mũi đúng là đầu tiên ngậm miệng, ấn nhẹ một bên, sau đó xì nhẹ 1 bên mũi, lau sạch rồi mới xì mũi bên kia. Trẻ nhỏ hơn cố gắng không xì mũi và có thể rửa bằng nước muối sinh lý.
5. Ngoáy tai không đúng cách
Ống tai của trẻ nhỏ hẹp, ống tai ngoài chưa phát triển hoàn thiện và da tương đối mềm. Trẻ thường không thể ngồi bất động để cho cha mẹ ngoáy tai. Nếu dùng dụng cụ ngoáy tai bằng kim loại, có thể gây ra các tổn thương ở mức độ khác nhau, khủng khiếp hơn là nó sẽ đâm trực tiếp vào màng nhĩ.